Công tác an toàn lao động còn hình thức
Nhiều vụ TNLĐ liên tiếp xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người, gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng buông lỏng quản lý, mất ATLĐ tại nhiều công ty.
Theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), hiện nay, các văn bản pháp luật về công tác bảo đảm vệ sinh, ATLĐ đã có đầy đủ và quy định rất chặt chẽ, nhằm bảo vệ người lao động. Tuy nhiên, thực tiễn trong hoạt động sản xuất tại các công ty, nhà máy vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
GS.TS Trình cho rằng, nếu cơ quan chức năng kiểm tra thủ tục, điều kiện bảo đảm vệ sinh, ATLĐ tại các công ty thì tương đối đầy đủ, đáp ứng theo yêu cầu. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận có những nơi chỉ là “bề nổi”, hình thức, còn việc thực hiện như thế nào lại là vấn đề khác.
Như vụ tai nạn tại Công ty Than Thống Nhất - TKV, ngoài những yếu tố có thể gây tai nạn thông thường còn phụ thuộc biến động địa chất, trong lò sinh ra các khí cháy nổ. Có thể thiết bị đo không chính xác, yêu cầu cần phải điều chỉnh sau một thời gian dài, tuy nhiên có thể do quy trình chưa đầy đủ nên dẫn đến sự cố gây hậu quả. Hay vụ ở Nhà máy Xi măng Yên Bái, đó là vấn đề lỏng lẻo trong quản lý an toàn vệ sinh, lao động.
Theo GS.TS Lê Vân Trình, pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, thậm chí chính quyền địa phương khi để xảy ra sự cố tai nạn vệ sinh, ATLĐ. Do đó, người đứng đầu cần phải thường xuyên đánh giá rủi ro, chỗ nào có nguy cơ tai nạn phải khắc phục ngay.
Ở thời điểm kiểm tra, các thiết bị máy móc có thể được đánh giá tốt nhưng một thời gian sau lại không tốt nữa vì mọi thứ đều có giới hạn mỏi hoặc do một số trục trặc nào đấy dẫn đến nguy cơ tai nạn nên cần phải đánh giá định kỳ và đề xuất giải pháp.
Ngoài ra, cần phải nâng cao nhận thức của người lao động trong quá trình sản xuất nhằm bảo đảm an toàn. Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp, công ty đều đưa con người lao động đi huấn luyện vệ sinh lao động đầy đủ nhưng chất lượng huấn luyện lại là một vấn đề, một dấu hỏi được đặt ra.
“Cần phải thừa nhận rằng, công tác an toàn và vệ sinh lao động tại một số công ty, nhà máy đang còn thực hiện theo kiểu hình thức và đối phó”, GS.TS Lê Vân Trình thẳng thắn nhìn nhận.