Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 21/05/2010 22:19 (GMT+7)

Giải pháp nào để hạn chế tác hại của gió lào?

Đây là một hiện tượng khí hậu đáng chú ý ở miền Trung nước ta, thường gọi là gió Lào, nếu gọi một cách khoa học là phơn Trường Sơn. Phơn ( foehn) là một loại gió khô và nóng, thổi từng cơn từ hướng Tây-Nam lại, kéo dài 2-3 ngày, có khi liên tục đến 15 ngày, sức gió lên đến cấp 5, cấp 6. Ảnh hưởng của gió khô nóng tác động rõ nhất từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, nhưng cũng có khi vượt quá giới hạn đó ra tận các tỉnh miền tây Bắc Bộ và xuống đến tận Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa. Khi có gió thổi, nhiệt độ tăng đến 37-39 0C và cao hơn nữa, đồng thời độ ẩm giảm xuống còn 30-45%. Đã có cuốn sách mô tả thứ gió đặc biệt này như sau: “ Độ bốc hơi tăng lên một cách đột ngột làm cây cỏ chết héo, mái tranh khô cong, tre nổ lốp bốp và ao cạn nước. Người ta nghe thấy tiếng gió thổi ào ào trên các lùm cây, tiếng lá khô lào xào trên mặt đất và một luồng khí nóng hầm hập phả vào người rát như kim châm. Cũng may mà số ngày có gió phơn trong một năm chỉ trên dưới 30 ngày, tùy địa phương...”

Thực vậy, theo “ Số liệu khí hậu xây dựngTCVN 4088-85”, có thể nêu số ngày có gió khô nóng, tức gió Lào nhiều nhất trong năm ở một số địa điểm như sau:

Địa điểm

Số ngày

Đồng Hới ( Quảng Bình)

22,3

Hương Khê (Hà Tĩnh)

29,3

Mường Nhé (Lai Châu)

31,1

Phong Thổ (Lai Châu)

32,5

Sông Mã (Sơn La)

22,3

Tương Dương (Nghệ An)

32,4

Vinh (Nghệ An)

22,5

Do sự tồn tại của dãy Trường Sơn, gió từ vịnh Bengalthổi sang đã chịu ảnh hưởng của hiệu ứng phơn: hạ nhiệt độ và tăng độ ẩm khi lên cao song lại tăng nhiệt độ và giảm độ ẩm khi xuống thấp kèm theo hiện tượng sụt dung ẩm. Cứ lên cao 100m, trung bình nhiệt độ không khí giảm khoảng 0,2 0C. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, độ ẩm càng tăng. Cứ như thế tới một lúc nào đó hơi nước trong không khí bắt đầu ngưng tụ thành sương mù, mây mưa, rồi nước thoát ra khỏi không khí dưới dạng mưa thông thường. Sang bên này Trường Sơn, quá trình xảy ra ngược lại, hiệu ứng phơn làm cho khối không khí mất nước từ trên cao tràn xuống đồng bằng giáp biển Đông, được bù lại một lượng nhiệt xấp xỉ lượng nhiệt đã mất lúc lên cao, không khí có nhiệt độ gia tăng và độ ẩm sụt giảm.

 Hiệu ứng phơn làm cho không khí bên đông Trường Sơn có nhiệt độ cao hơn và độ ẩm thấp hơn không khí bên tây Trường Sơn. Gió bên đông Trường Sơn càng nóng khô khi mưa bên tây Trường Sơn càng lớn. Vì luồng phơn nóng và khô từ phía Lào thổi qua nên người địa phương quen gọi là gió Lào. Chính phơn Trường Sơn làm cho thời tiết trở nên nóng hơn, khô hơn và tạo ra một đặc trưng khí hậu riêng biệt cho địa phương so với các vùng khác. Trải qua bao năm tháng, gió Tây – Nam đã gây một ấn tượng không hay đối với khách vãng lai và không mấy dễ chịu đối với ngay cả dân địa phương. Cái cảnh nền đất nứt nẻ vì khô hạn, cây cối héo vàng đến chết, nhà cửa bị hong khô dễ bắt lửa sinh hỏa hoạn, trời nắng chang chang lại mịt mù cát bụi làm cho những người chứng kiến thấy hãi hùng.

Cần nhận thức rằng không phải chỉ ở Việt Nam mới có thứ gió quái ác này. Từ lâu, trên thế giới, người ta đã nói nhiều đến hiện tượng gió phơn. Van Ryb, Dareaberg, Piery và Faury, và nhất là Mourriquand ở Pháp đã phát hiện ra hội chứng gió nóng tại miền nam nước Pháp, hoặc như Remlirger và Charrier đã nghiên cứu tác động gây bệnh của gió Tây-Nam tại Langer. Sau này, Czermark đã nghiên cứu gió phơn tại vùng núi Alpes. Các tác giả nêu trên đều đi đến thống nhất là phơn gây tác hại rõ rệt trên cơ thể người như: khả năng làm việc và khả năng tập trung giảm đi, thần kinh bị kích thích nặng nề bởi gió tác động lên tuyến yên, lên hệ thần kinh giao cảm và các tuyến nội tiết khác. Mourriquand đã phát hiện ra hội chứng gió nóng ở trẻ sơ sinh với ba dạng từ kích thích đơn giản sang thế năng mất nước và một dạng nhẹ hơn ở trẻ em lớn tuổi.

Ở Việt Nam , một số nhà nghiên cứu của ngành y và xây dựng đã bước đầu nghiên cứu ảnh hưởng của thứ gió này tới sức khỏe con người và với kiến trúc từ những năm 1970, tuy nhiên kết quả nghiên cứu chưa nhiều. Đối với ngành y, những nghiên cứu về tác động của gió khô nóng ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh với mục đích phòng ngừa bệnh tật mùa nóng đã được ngành y quan tâm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nghiên cứu bước đầu đối với lứa trẻ sơ sinh, chưa bao quát được khắp các lứa tuổi nên cũng chưa khẳng định được mức độ tác hại lâu dài của thứ gió này đối với sức khỏe con người nói chung. Hơn thế, vì có sự thích nghi tạm thời và thích nghi lâu dài trong một miền giới hạn khá rộng và khả năng cân bằng nhiệt của cơ thể người nhờ sự mất nước qua đường bài tiết và tiêu hóa, nên một sự khác biệt lớn giữa tác động có hại của phơn Trường Sơn lên cơ thể con người so với điều kiện nóng ẩm thông thường của khí hậu vùng này, trong thực tế không có biểu hiện rõ rệt. Đối với ngành xây dựng, giữa những năm 1970, các phòng Vật lý xây dựng của Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng và Viện thiết kế dân dụng của Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, quan trắc vi khí hậu tại vùng có phơn Trường Sơn nhằm làm cơ sở giải đáp các câu hỏi: Nên thiết kế nhà ở tại đây theo kiểu thoáng hở của vùng nóng hay đặc kín của vùng nóng khô ? Trong quy hoạch, có tránh gió Tây Nam khi đặt hướng nhà không ? Giải quyết quan hệ giữa hướng có lợi về phương diện nắng và gió như thế nào cho hợp lý ?

Việt Nam ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Điều này không phải nói nhiều, chỉ nhắc thêm về đặc điểm của khí hậu vùng nóng khô. Tại vùng này, về ban ngày cường độ bức xạ Mặt trời lớn, cây cối thưa thớt nên ít bóng rợp, nhiệt độ bề mặt và các vật thể chung quanh con người thường cao hơn bề mặt da người (là 35 0C); do đó cơ thể phải nhận nhiệt của môi trường chung quanh do trao đổi nhiệt bằng đối lưu và bằng bức xạ. Vì vậy, người ở vùng này khi ra ngoài đường thường chống nóng bằng cách mặc áo choàng kín, chùm đầu bằng vải mầu nhạt, giúp cho cơ thể ít bị hấp thụ nhiệt. Sự tỏa nhiệt của cơ thể ở đây chủ yếu nhờ bốc hơi mồ hôi, và phương thức tỏa nhiệt này có tác dụng tốt về ban ngày vì độ ẩm không khí rất thấp. Trước khi định giải pháp quy hoạch và kiến trúc cho ngôi nhà ở vùng có gió khô nóng, cần trả lời câu hỏi: điều kiện khí hậu địa phương khi có phơn Trường Sơn đã mang đầy đủ tính chất của vùng nhiệt đới nóng khô chưa ? Chẳng hạn, lấy thành phố Vinh (Nghệ An) là một địa điểm có gió khô nóng mỗi khi xảy ra hiệu ứng phơn mà so sánh (V/HN) thì khí hậu ở đây, trong toàn năm vẫn nằm trên một nền khí hậu nóng ẩm. Thực ra, khí hậu ở đây không khác Hà Nội bao nhiêu: cũng một mùa nóng, một mùa lạnh, cũng vẫn các trị số tương tự nhau về nhiệt độ trung bình năm (23,9/23,4 0C), nhiệt độ trung bình tháng nóng (29,5/28,8 0C), độ ẩm trung bình tháng nóng (74/83%), số giờ nắng trong năm (1670/1671 giờ).Hơn nữa, cùng chịu tác động “ phơn” của luồng gió mùa hè thổi từ vịnh Bengal sang, có khi lại xuất hiện gió khô nóng ở tây bắc Bắc Bộ do điều kiện sơn văn của địa phương (ta quen gọi là gió Tây). Trong những ngày này, nhiệt độ không khí tại đây khá cao và độ ẩm giảm thấp tới mức tương tự như vùng chịu gió phơn Tây-Nam. Nếu chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng tại một vùng nào đó của Bắc Bộ có khí hậu nóng khô thì chẳng có lý do gì gắn điều kiện nóng khô cho vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và những tỉnh tiếp giáp về phía nam, một khi số ngày có gió khô nóng tối đa trong năm tại đây không quá 10%.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng vẫn áp dụng giải pháp kiến trúc thoáng hở cho vùng có phơn Trường Sơn. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng , cho phép chúng ta vẫn có thể chủ động đưa gió vào phòng ở, làm tăng khả năng nhận nhiệt bốc hơi của môi trường bên trong phòng. Về lý thuyết mà nói, khi nhiệt độ không khí lớn hơn 35 0C, gió thổi càng mạnh thì nhiệt lượng từ môi trường truyền vào cơ thể người càng nhiều theo phương thức đối lưu, tức là có hại. Song khi gió càng mạnh, con người lại có điều kiện tỏa ra môi trường lượng nhiệt càng lớn, bằng cách bốc hơi mồ hôi, tức là có lợi. Do vậy, tùy theo tổ hợp nhiệt độ và độ ẩm cụ thể, ta sẽ xác định được điều kiện giới hạn đảm bảo thông gió, gây được cảm giác mát cho con người. Kết quả nghiên cứu quan trắc, khảo sát thực tế của hai Viện nói trên về nhu cầu thông gió của người dân địa phương vào thời gian có phơn Trường Sơn, khi nhiệt độ không khí cao hơn nhiệt độ mặt da, 85-100% đối tượng được khảo sát đã phát biểu là cần gió.

Như vậy, kiến trúc ở vùng chịu ảnh hưởng của gió Lào vẫn cần được thông gió tốt trong mùa nóng, dù cho gió có tính chất nóng và khô. Tuy nhiên đối với nhà đón gió cả hai phía mặt nhà, giải pháp quay nhà ra hướng Tây-Nam không phải là cách lựa chọn, bởi hướng đối diện là Đông-Bắc, bất lợi về mùa đông. Không cần tránh gió Tây-Nam, có nghĩa là phơn Trường Sơn đối với kiến trúc không phải là một tai họa, một tác hại cần phải hạn chế, thậm chí cần triệt tiêu. Tất nhiên, việc trồng rừng ở các vùng trống bên Trường Sơn tây vì mục địch phủ xanh đồi núi trọc cũng có tác dụng nhất định trong việc giảm nhiệt độ mặt đệm. Song do bản chất của hiệu ứng phơn, phụ thuộc địa hình và gió của tiểu khí hậu, việc đầu tư trồng rừng như một giải pháp để triệt tiêu vấn nạn gió Lào là việc cần cân nhắc một cách thận trọng trên cơ sở nghiên cứu khoa học. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, gió Lào có những biểu hiện bất thường và mạnh mẽ hơn cả về cường độ và thời gian xuất hiện. Những đợt gió Tây-Nam xuất hiện đầu tháng sáu vừa qua có thể cho chúng ta thấy rõ điều đó./.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).