Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 12/06/2013 23:44 (GMT+7)

Chính quyền thuộc địa Pháp trước thực trạng đốt nương làm rẫy ở Đông Dương (Tiếp theo)

>> Chính quyền thuộc địa Pháp trước thực trạng đốt nương làm rẫy ở Đông Dương

Một cách nhận xét về nương rẫy phù họp với ngôn từ thuộc địa

Cách nhìn nương rẫy như là một phương thức sản xuất cổ lỗ, năng suất thấp và phá hoại, hoàn toàn hòa nhập với luận thuyết tiến hóa thịnh hành trong suốt thời kỳ thuộc địa và cũng là một cách biện minh cho chế độ thuộc địa Pháp, cụ thể là bắt đầu từ nền Đệ tam Cộng hòa. Nước Pháp, nhân danh sứ mệnh khai hóa văn minh phải đem lại tiến bộ cho các dân tộc thuộc địa. Thế nhưng, những người nông dân làm nương rẫy trên vùng đất cao Đông Dương, lại xuất hiện như là một món quà đem lại cho những kẻ chủ trương chinh phục thuộc địa. Họ là hiện thân hầu như hoàn hảo của sự man dã: họ sống trong rừng, mặc đơn giản bằng một mảnh vải quấn quanh người, đàn ông và đàn bà để ngực trần khi trời nóng, một số còn mài hàm răng phía trước, họ không có chữ viết, họ không sống trong những quốc gia đã hình thành và tín ngưỡng của họ dưới con mắt người Kitô giáo là mê tín dị đoan. Ngoài ra ngườiPháp còn chọn cách gọi những người nông dân làm nương rẫy ở vùng cao là “mọi”, theo tiếng Việt là man dân. Từ đó, sự thấp kém của “man dân” và sự cần thiết đem lại tiến bộ cho họ trở thành tất yếu. Paul Lechesne, người cuồng nhiệt bảo vệ chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương, lại có thể viết như sau:

“Chúng ta có một may mắn, hiếm hoi, là được đặt trước một hiện trạng có thể xóa sạch, và không ai có thể cản trở hành động của chúng ta: không có một nền văn minh ngàn đời như ở An Nam, không có tổ chức có giá trị, không có sự đề kháng đáng sợ, không có ảnh hưởng nào bên cạnh ngoài chúng ta ra. Thiên nhiên hoàn toàn đơn giản, và nguyên sơ! [...] Những người Mọi mà ta thấy không nằm trong một quá trình tiến hóa đáng được tôn trọng, mà đang ở trong sự ngưng trệ thâm căn cố đế, bệnh hoạn và mong manh, ở trạng thái mầm mống thô sơ của “Vốn Con người”. Làm sao dám nói: “Hãy tôn trọng cái này!” Làm sao không đi tìm công thức của Tiến bộ, chỉ có thể bằng hành chính và kinh tế, nhân tố này hỗ trợ và biện minh cho cái kia?” (1)

Đối với chính quyền Pháp, thực hiện sứ mệnh khai hóa từ đây phải được tiến hành qua sự thay thế nương rẫy bằng những kỹ thuật được coi như là có năng suất cao hơn vì tân tiến hơn, nghĩa là phù hợp hơn với cách nhìn của châu Âu về hiện đại hóa. Cho nên, thông tri nổi tiếng của khâm sứ Trung kỳ Pierre Pasquier về “những nguyên tắc chủ đạo để cai trị vùng Mọi” ngày 30 tháng 7 năm 1923, đã đưa ra một khung tổng quát cho hành động của nước Pháp ở vùng cao, đưa ra mục tiêu hàng đầu về kinh tế là đẩy lùi việc trồng nương rẫy.

Những tiếng nói không được lắng nghe về nương rẫy

Đi ngược với ngôn thuyết chính thống không tốt đẹp đối với làm nương rẫy, vẫn có những tiếng nói muốn cất lên. Viên công sứ tỉnh Kratié, Adhémard Leclère, đã nghiên cứu kỹ về người Mnông ở Campuchia, mô tả nương rẫy như là một hệ thống trồng trọt tương đối sinh lợi (2). Phân tích của Leclère được xác nhận đầu thế kỷ XX trong những công trình của các kỹ sư nông học và các nhà địa lý học. Những người này lúc đó đã thử biện minh cho nương rẫy. Năm 1910, viên giám đốc sở nông nghiệp và thương mại Campuchia, sau khi đi thăm vùng cao Kratié, đã viết về nương rẫy của người Mnông rằng: “Cách trồng trọt có thể coi là nguyên thủy và man rợ, tuy vậy vẫn là khá duy lý, nếu ta suy nghĩ về điều kiện rất đặc biệt mà cư dân ở đây sinh sống [...]. Lúa miền núi cũng có những đòi hỏi nhưcốcloạichâu Âu, nghĩa là muốn mọc cũng cần có những khoáng chất phân hủy, thế nhưng, tro than từ việc đốt rừng đã đem lại các khoáng chất cần thiết và khi nó đã cạn kiệt, thì không thể thu hoạch và đất đai phải bị bỏ hóa” (3).

Nhà địa lý học Pierre Gourou, chuyên gia lớn về đồng ruộng Đông Dương, đã nhấn mạnh trong công trình chủ chốtSử dụng đất ở Đông Dương thuộc Pháp:

“Hệ thống làm ‘rẫy’ không phải là vụng về; quả thật là nó nhằm thực hiện luân canh trong một chu kỳ dài [...]. Hệ thống rẫy không cho phép tập trung mật độ dân cư cao, nhưng nó bảo vệ đất vì những mảnh đất không cày xới bị xói mòn nhẹ và ngay từ năm thứ hai trên đất đó đã mọc lại một vài bụi cây nhỏ, và vì sự tái sinh của rừng đã ngăn cản quá trình đá ong hóa” (4).

Phân tích của Pierre Gourou cụ thể đã dựa vào công trìnhcủa kỹ sư nông học Yves Henry, người đã nghiên cứu đất đai Đông Dương và các biện pháp bảo vệ nó trong nhiều năm (5).

Sự lên án nương rẫy như là nguyên nhân chủ chốt của việc phá rừng ở Đông Dương cũng đặt ra những vấn đề. Trong công trình có giá trị viết cho đông đảo độc giả, Albert de Pouvourville đã viết như sau:

“Sự tàn phá rừng, được thực hiện trong mọi thời, đã tiến một nhịp cấp tập từ khi nước Pháp chiếm đóng: người Pháp đã thúc đẩy sự tiêu thụ lớn hơn mà không tiến hành kiểm soát hoàn hảo việc khai thác. Nó đã tạo thuận lợi cho sự khai thác đó bằng cách thiết lập trong toàn miền núi một sự bảo đảm an toàn giúp cho việc phát triển trao đổi. Nhưng người ta phải nghĩ rằng việc khai thác rừng nhằm bán gỗ là một nhân tố phá hoại ít năng động hơn là làm ‘rẫy’” (6).

Từ ngữ của Pouvourville “người ta phải nghĩ” đã tóm tắt trạng thái tư tưởng bao trùm. Trong khi đó tất cả các công trình nghiên cứu đều chứng minh rằng gỗ tốt đã nhanh chóng biến khỏi một số dãy núi có đường đi đến dễ dàng, ngay sau khi người Pháp đặt chân lên, rằng việc buôn gỗ đã phát triển nhiều vào đầu thời thuộc địa, đấy là điều mà Albert de Pouvourville phải thừa nhận, trách nhiệm của việc phá rừng từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX bị đổ lên đầu những người làm nương rẫy, những người đã có mặt tại chỗ từ nhiều thế kỷ, thậm chí từ hàng nghìn năm. Frédéric Thomas đã nêu lên tình trạng thiếu hiểu biết của phần lớn các nhân viên kiểm lâm, những người đã trở thành chuyên gia về vấn đề đó đối với chính quyền thuộc địa và đối với đông đảo dân chúng (7).

Sau Thế chiến thứ hai, công trình của những nhà dân tộc học theo phương pháp quan sát tham gia, như Georges Condominas hay Jean Boulbet (8), đã quay trở lại với một số khẳng định có cơ sở nhất đối với nương rẫy. Họ tính toán rằng năng suất có thể rất cao. Sự so sánh năng suất giữa trồng lúa nước với làm nương rẫy ở Stung Treng phía đông - bắc Campuchia đầu thế kỷ XX qua các nguồn tư liệu thuộc địa đã xác nhận những điều họ viết ra. Vào thời đó, nương rẫy có năng suất cao nhất ở vùng đất này (9). Họ chứng minh rằng nương rẫy chỉ động chạm đến rừng dày một cách ngoại lệ, những dãy núi có rừng rậm được coi là nơi cư ngụ của thần linh. Jean Boulbet còn đi xa hơn. Ông coi việc duy trì độ che phủ của rừng là một yếu tố cần thiết cho nương rẫy: “Chỉ có thể gọi là nông dân chân chính của rừng những ai có thể và biết quản lý tài sản rừng bằng cách duy trì tiềm năng nông nghiệp và sức mạnh hồi sinh của nó” (10).

Georges Condominas giải thích rằng những người làm nương rẫy không phải là những kẻ du cư, vì chỉ trong trường hợp khủng hoảng, ví như chiến tranh hay dịch bệnh, còn thì những cuộc di chuyển chỉ thực hiện trong khung cảnh địa phận của làng. Những công trình này được đưa ra quá muộn để có thể ảnh hưởng đến chính sách thuộc địa.

Một sự đánh giá lại xác nhận trong các nghiên cứu gần đây

Những nghiên cứu tiến hành khi kết thúc thời kỳ thuộc địa hay sau thời kỳ này, trong công trình của Harold Conklin về nương rẫy ở Philippin (11), đã xác nhận một cách tiếp cận khác đối với nương rẫy là cần thiết. Những sự xâm hại đến độ che phủ của rừng đã được diễn đạt tinh tế trong các công trình của Jean Vidal (12). Gần đây hơn, Jefferson Fox, khi so sánh biến đổi trên không ảnh chụp vùng cao Campuchia giữa năm 1952-1953 và ngày nay, có thể cho thấy nơi nào làm nương rẫy thì độ che phủ của rừng được duy trì, dù người ta có thể quan sát thấy sự suy thoái vể chất lượng rừng ở vài nơi, còn ở những nơi cây lưu niên được trồng trọt thì rừng biến mất hẳn (13).

Ngoài ra, công trình của các nhà dân tộc học Jacqueline Matras, Frédéric Bourdier hay gần đây hơn là của Ian Baird, cho thấy việc sản xuât những cây khác ngoài lúa đã rất bị người Pháp thời thuộc địa coi nhẹ (14). Trong thời gian sống với người Mnông Gar năm 1949, Georges Condominas đã lập một tập bách thảo tập hợp 27 loài cây thực phẩm, ngoài các loại lúa gạo, trong đó phải kể thêm cây thuốc lá, cây bông, cây chàm, các cây có phép thần bí và cây thuốc. Ian Baird quan sát rằng nương rẫy của người Brao miền đông - bắc Campuchia có thể trồng hơn 180 loài cây khác nhau (15).

Nghiên cứu thời kỳ hậu - thuộc địa đã xác nhận kết luận của những người, ngay từ đầu thế kỷ XX đã đi ngược lại ý tưởng bao trùm dựa trên tính ưu việt của người phương Tây (homo occidentalus), tìm cách biện minh cho phương thức làm nương rẫy.

Sự cắt đứt chủ yếu về khái niệm là do khi tìm hiểu, người ta đã tính đến môi trường, chất đất và độ che phủ của rừng, mật độ dân số, sản xuất thực tế, đóng góp của các yếu tố đầu vào và lao động, sự hòa nhập vào hệ thông xã hội - văn hóa để đánh giá kinh tế nương rẫy. Như Georges Condominas đã ghi nhận, sự đánh giá lại đó trước hết là của những người đã dành thời gian, đôi khi trong nhiều năm, để nghiên cứu sâu hệ thống nương rẫy (16). Hơn nữa còn cho thấy nương rẫy là sự bổ sung cho các hình thái nông nghiệp khác, cụ thể là của trồng lúa nước, nhờ lịch thu hoạch vào những thời điểm khác nhau và mang tính nhậy cảm khác nhau đối với thiên tai, cụ thể trồng lúa nước chịu ảnh hưởng nhiều của lũ lụt có thể làm ngập úng lúa đang mọc, trong khi đó nương rẫy lại rất dễ bị hạn hán. Đã tồn tại những khu vực trao đổi giữa người làm nương rẫy với nông dân trồng lúa nước (l7).

Tuy nhiên, mặc dầu những bài viết của các kỹ sư nông học, việc xuất bản công trình của Pierre Gourou, người đã đưa ra khái niệm “văn minh thực vật” (18)năm1948, hay công trình của các nhà dân tộc học, các nhà cai trị Pháp không bao giờ chịu thay đổi cách nhìn đối với làm nương rẫy. Thật vậy, đặt lại vấn đề đó tức là phải xem xét lại các tín điều của phát triển, một phần của sự biện minh cho hành động của Nhà nước thuộc địa ở vùng cao. Từ đó, sự khôi phục giá trị của nương rẫy vẫn không được nhìn nhận. Khi chiếm lĩnh vùng đất cao vào đầuthế kỷ XX (19), nền cai trị thuộc địađã dấn thân vào một cuộc chiến chống lại nương rẫy.§

(Xem tiếp kì sau)

Đào Hùngdịch

Chú thích:

1. Paul Lechesne, “Roland Dorgelèschez le Mois”,Revue Indochinoise,tháng 7-8, 1925, tr. 64-65.

2. Adhémard Leclère, “Les Pnongs, peuple sauvage de rindochine”,Mé-moires de la société d’ethnographie,Paris , 1898, tr 137-208.

3. Báo cáo kinh lý của giám đốcsở nông nghiệp và thương mại Cam-puchia, 1910, Hồ sơ Hải ngoại/Phông Khâm sứ Campuchia 4147, Aix en Provence.

4. P. Gourou,L’utilisation du sol enIndochine ữancaise,Centre d’étudesde politique étrangère, Paris, 1940.

5. Yves Henry,Terres rouges etterres noires basaltiques dlndochine, leur mise en culture, gouvemement général de l’Indochine,Hà Nội, 1931.

6. Albert de Pouvourville (chủbiên),Histoire populaire des coloniesfrancaises, L’lndochine,Nxb Velin d’or, Paris, 1932.

7. Frédéric Thomas, Sđd.

8. G. Condominas,Nous avons mangé la forêt de la pierre génie Gôo, Mercure de France, Paris,1957;Condominas, Sđd, 1983 ; JeanBoulbet, “Le miir, culture itinérante avec jachère forestière en pays maa’,région de Blao - bassin du íleuveDaa’Doong (Dông Nai)”, B.F.E.O, T. LIII, 1966, tr.77-98; J. Boulbet,Paysans de la forêt,B.F.E.O., Paris, 1975.

9. Mathieu Guerin, “Essartageet riziculture humide, complémentarité des écoysstèmes agraires à Stung Treng au début du XXe siècle”,Aséanie,số 8, tháng 12-2001, tr. 35-55.

10. J. Boulbet, Sđd, 1975, tr. 75.

11. Harold C Conklin, “An Ethnoecological Approach to ShiftingAgriculture”,Transactions of the NewYork Academy of Sciences,17.2,1954, tr. 133-142; “Hanunoo Agriculture: a Report on an Integral System of Shift- ing Cultivation in the Philippines”, Forestry Development Papers, số 12, FAO, Rome, 1957; “The Study of Shifting Cultivation”,Current Anthropology,T. 2, số 1, tháng 2-1961, tr. 27-61.

12. Jean Vidal,La végétation du Laos, lere partie: le milieu, conditions écologiques. 2e partie: groupementsvégétaux et flore.Faculté des sciences,toulouse, 1957-1961.

13. Jefferson Fox, “Understanding a dynamic landscape: Land use, land cover, and resource tenure in Northeastem Cambodia”,Linking People, Place, and Policy: A GlScience Approach,KLuwer Academic Publisher, Boston, 2002, tr. 113-130.

14. Ian Baird,Varius Forms of Colonisation: the Social and Spatial Reorganisation of the Brao in South­ern Laos and Northeastem Cambodia,PhD dissertation, British Columbia University, 2008. Fréđéric Bourdier,Connaissance et pratique de gestion traditionnelle de la nature dans une province marginalisée du Cambodge,Aupelf-Uref, Phnom Penh, 1995. Jacqueline Matras-Troubetzkoy,Un village en forêt, l’essartage chez les Brou du Cambodge,Paris, 1983.

15. G. Condominas, Sđd, 1983,tr.38, 53.1. Baird, sđd, 2008, tr.93.

16. G. Condominas, Sđd, 1983,tr.53.

17. G. Condominas, Sđd, 1957, tr.203-204; M. Guerin, Sđd, 2001, tr. 42-47.

18. P. Gourou, Sđd, 1948.

19. M. Guerin, Sđd, 2003; o. Sale- raink, Sđd, 2003, tr. 1-128

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Hà Tĩnh: Hội thảo khoa học về Hoàng giáp Lê Tuấn
Sáng 16/3, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (Thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh) và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê ở Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Hơn 100 nhà khoa học cùng giải bài toán ô nhiễm tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau tìm ra lời giải đáp phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai cam kết “Giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050”.

Tin mới

Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.