Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 14/01/2021 18:02 (GMT+7)

Phú Yên: Đội ngũ trí thức đã góp phần phát triển ngành thủy sản của tỉnh

Công tác quy hoạch vùng nuôi thủy sản (NTS) trên địa bàn tỉnh Phú Yên thời gian qua đã được các ngành chức năng quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng thủy sản của người dân Phú Yên. Để giải quyết những tồn tại này, bên cạnh việc UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh khẩn trương xây dựng đề án tổng thể phát triển ngành nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thì đội ngũ trí thức Phú Yên cũng đã có hội nghị phản biện góp phần quy hoạch lại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, mặc dù công tác sắp xếp, giải tỏa lồng bè NTS ngoài quy hoạch đã được triển khai từ tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên đến nay số lượng lồng bè trên thực tế vẫn tiếp tục tăng thêm, chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ. Tại vịnh Vũng Rô, số lượng lồng bè hiện tăng thêm khoảng 6.490 lồng so với năm 2012. Số lượng bè nuôi hàu, vẹm trên vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông cũng tăng mạnh nhưng địa phương chưa ngăn chặn xử lý kịp thời. Tại đầm Ô Loan, địa phương chỉ mới thu dọn các que cọc, còn rất nhiều ngư cụ trái quy định trên đầm này chưa được tháo dỡ.

 Theo kết quả từ UBND các huyện, thị xã cho biết: Theo thống kê của UBND TX Đông Hòa, số hộ tham gia nuôi thủy sản bằng lồng, bè tại vịnh Vũng Rô hiện nay có 283 hộ/294 bè nuôi với 13.713 ô lồng, trong đó người dân tại thôn Vũng Rô là 143 hộ/143 bè với 5.493 ô lồng; người dân ngoài địa phương Vũng Rô là 140 hộ/151 bè với 8.220 ô lồng. TX Đông Hòa đã thực hiện công tác tuyên truyền tại các bè NTS, đồng thời thông báo việc di dời lồng bè ra khỏi khu vực vịnh Vũng Rô nhưng đến nay tình trạng nuôi thủy sản tại đây vẫn chưa dứt điểm. Theo kết luận của UBND tỉnh, TX Đông Hòa đang tiếp tục triển khai các giải pháp giải tỏa lồng bè và đến tháng 10/2021 không còn NTS tại vịnh Vũng Rô.

Người dân thị xã Sông Cầu - Phú Yên thu hoạch tôm hùm

 Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: số lượng lồng NTS các loại trên địa bàn đến cuối năm 2020 là khoảng 59.700 lồng, trong đó tôm hùm 52.070 lồng (bằng 70% so với cùng kỳ năm 2019), nuôi cá các loại 1.690 lồng. Tuy nhiên, số lượng bè nuôi hàu, vẹm thì tăng nhiều, các địa phương chưa kiểm đếm cụ thể và xử lý. Hiện UBND TX Sông Cầu đang triển khai quy hoạch chi tiết NTS trên địa bàn, đồng thời ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, phường thực hiện sắp xếp, giải tỏa lồng bè, ao đìa NTS không theo quy hoạch. Dự kiến, đến tháng 10/2021 sẽ giải tỏa dứt điểm lồng bè nuôi ngoài quy hoạch và sắp xếp lại lồng bè theo đúng quy hoạch.

 Theo ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An: Hiện số hộ NTS ở địa phương khoảng 375 hộ, tổng số lồng bè khoảng 6.450 lồng, trong đó nuôi cá 1.385 lồng, tôm hùm 5.065 lồng. UBND huyện Tuy An đã giải tỏa các trường hợp hộ dân dùng cọc tre, lưới mùng cắm thành que đăng gây khó khăn cho việc đi lại của ghe, thuyền trên đầm Ô Loan, đồng thời giải tỏa hồ nuôi tôm xây dựng trái phép trên đầm Ô Loan. Huyện Tuy An đã tiến hành ra quân giải tỏa, thu hồi lờ bóng Thái Lan, cọc tre, lưới mùng cắm thành que đăng ở đầm Ô Loan. Theo kết luận của UBND tỉnh, dự kiến đến tháng 12/2025, huyện Tuy An sẽ giải tỏa dứt điểm các nhà ở, công trình lấn chiếm đầm Ô Loan, ao đìa NTS ngoài quy hoạch ven đầm Ô Loan.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Một trong những nguyên nhân còn tồn tại những vấn đề trên là cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ để xử lý vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm mặt nước NTS. Cụ thể như quy hoạch chi tiết mặt nước NTS vịnh Xuân Đài không phê duyệt được vì trái với Luật Quy hoạch 2017 quy định về giao, cho thuê mặt nước với người nuôi chưa được sửa đổi cho phù hợp với Luật Thủy sản 2017 nên thiếu căn cứ để thực hiện.

 Việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm theo Nghị định 166 của Chính phủ không thực hiện được trên thực tiễn, do không đảm bảo được kinh phí, công cụ, phương tiện kỹ thuật và việc kiểm đếm, trông giữ, bảo quản tài sản như quy định. Hiện ở các địa phương này chưa có sinh kế mới thay thế cho người dân lâu nay sinh sống bằng nghề NTS, trong khi lợi nhuận thu được từ NTS, nhất là nuôi tôm hùm vẫn còn là nguồn thu nhập chủ yếu...

 Qua những ý kiến của các địa phương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức Hội nghị phản biện Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các ý kiến của các chuyên gia cho rằng: Từ tầm quan trọng của việc quy hoạch thủy sản đối với sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng đặt ra yêu cầu phải có sự quy hoạch phát triển thủy sản phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và của tỉnh; đặc biệt Phú Yên là tỉnh có nhiều sông, suối, nhiều hồ nước ngọt và có gần 200 km bờ biển với diện tích rộng lớn, nhiều vũng, vịnh rất thuận lợi về phát triển ngành thủy sản. Do vậy việc quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa mang tính cấp thiết vừa mang tính lâu dài. Cần bổ sung giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp bảo vệ môi trường nguồn lợi thủy sản; giải pháp về khoa học – công nghệ; giải pháp về hợp tác quốc tế…, bổ sung về cơ chế chính sách; Cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ tàu, ngư dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp vay đầu tư phát triển khai thác, chế biến dịch vụ hậu cần khai thác hải sản. Các chính sách tín dụng phải gắn liền với Chương trình bảo hiểm nông nghiệp, với các chính sách bảo hiểm rủi ro trong đầu tư phát triển thủy sản.

Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với các địa phương ở quy mô vùng, hợp tác sản xuất phân phối tiêu thụ trên cơ sở phát huy, bổ sung lợi thế so sánh của các địa phương, tạo điều kiện trao đổi, phân phối, lưu thông hàng hóa theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Ứng dụng kỹ thuật xử lý chất thải trong nuôi trồng và chế biến thủy sản; phổ biến áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ưu tiên đổi mới dây chuyền, thiết bị chế biến hiện đại, công nghệ tiên tiến, áp dụng công nghệ số, viễn thám, sử dụng vệ tinh để quản lý nguồn lợi hải sản và đội tàu khai thác hải sản.

Xây dựng, rà soát và điều chỉnh quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường, không chồng lấn, xâm phạm hoặc gây tác động xấu đối với các vùng đất ngập nước, các khu bảo tồn tự nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên nước trong nuôi trồng thủy sản, áp dụng nuôi luân canh, nuôi kết hợp, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, hạn chế xả thải, bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Tăng cường quảng bá hình ảnh nghề cá của Tỉnh, tăng cường vai trò của hội, Hiệp hội nghề cá ở địa phương trong công tác đối ngoại nhân dân.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: Qua ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức cùng với các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác quản lý, có lộ trình khắc phục cụ thể tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình, NTS không theo quy hoạch, nhất là khu vực vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan và vịnh Vũng Rô. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, địa phương liên quan cùng vào cuộc, kiên quyết xử lý dứt điểm những tình trạng vi phạm nêu trên, tăng cường bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ các cảnh quan, di tích, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Để giải quyết di dời, sắp xếp số lồng bè NTS mang tính tổng thể, lâu dài, bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT nghiên cứu tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án tổng thể về NTS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề án này gồm các khu vực nuôi trên bờ, khu vực nuôi ở các đầm vịnh, khu vực nuôi vùng biển hở.

  Tác giả bài viết: Thùy Trang

Xem Thêm

Đồng Tháp: Tổ chức hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI
Ngày 27/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp (Liên hiệp hội) đã phối hợp với Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Trí tuệ nhân tạo (AI): Xu hướng phát triển và những gợi mở cho đội ngũ trí thức hiện nay”.
Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.

Tin mới

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.