Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 06/05/2021 22:27 (GMT+7)

Tiếp tục phát huy thế mạnh tư vấn phản biện

Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang thời gian qua đạt được nhiều kết quả, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động này là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đóng góp trí tuệ để đánh giá, phân tích các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, đề án… nhằm tham mưu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức có thêm căn cứ, cơ sở để xem xét quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang.

Ông Trương Quang Hải, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang cho biết, những năm qua, Liên hiệp Hội đã tư vấn, phản biện Quy hoạch chung xây dựng đô thị Việt Lập đến năm 2035; Tư vấn, phản biện Chương trình Khuyến nông tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; Tư vấn, phản biện Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Tư vấn, phản biện “Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050”; tư vấn, góp ý “dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025”…

Nói về các hội thảo, hội nghị về tư vấn phản biện và giám định xã hội, ông Hải cho hay, chúng tôi được rất nhiều nhà khoa học trong nước cũng như tại tỉnh Bắc Giang đã tới dự, góp ý và đề xuất nhiều kiến nghị.

Điển hình như tư vấn, phản biện Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, tại hội nghị các nhà khoa học, chuyên gia đã đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện nhằm định hướng, xây dựng, phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang bảo đảm bền vững, chuyên nghiệp, khoa học, phù hợp với quy hoạch chung của vùng và cả nước. 

Được biết, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, hình thành 3 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch Tây Yên Tử, gắn với “Con đường bộ hành của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với thương hiệu Lục Ngạn - bốn mùa trái ngọt; không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí Nham Biền.

Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác một khu du lịch cấp quốc gia, 10 sân golf, công nhận 3 khu du lịch cấp tỉnh, 25 điểm du lịch, có ít nhất 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, thu hút được khoảng 7,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 7,5 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn lao động. Xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, bảo đảm đủ khả năng phục vụ các hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao, thương mại quy mô cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia. Phát triển hiệu quả kinh tế ban đêm, đưa Bắc Giang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của khu vực.

Còn đối với hội nghị tư vấn, phản biện Chương trình Khuyến nông tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, theo ông Hải cho biết thêm, Chương trình Khuyến nông tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì soạn thảo, trình UBND tỉnh ban hành. Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng tư vấn, phản biện đánh giá Dự thảo Chương trình Khuyến nông tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; việc xây dựng Chương trình trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện công tác khuyến nông giai đoạn 2011-2020 và bám sát định hướng theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến nông, Quyết định số 1360/QĐ-BNN-KHCN của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Chương trình Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2025. Tuy nhiên, nội dung Chương trình xây dựng các mô hình hầu hết  theo truyền thống như giai đoạn trước, cần bám sát khắc phục những hạn chế của Chương trình khuyến nông giai đoạn 2011-2020, xây dựng mô hình theo hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi, lựa chọn, xây dựng được mô hình điểm, mô hình kiểu mẫu về cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất, liên kết, chế biến, tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng… để nhân rộng.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đề nghị nội dung chương trình ngoài nội dung khuyến nông đại trà, cần quan tâm đến các mô hình tổ chức sản xuất như mô hình liên kết theo chuỗi, mô hình trang trại, sản xuất tập trung, kết hợp du lịch sinh thái. Các mô hình hướng vào sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, cây, con có giá trị kinh tế cao và các sản phẩm tiềm năng khác, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm làng nghề và xây dựng nông thôn mới. Nội dung đào tạo, tập huấn, cần bổ sung nội dung đào tạo, tập huấn về ứng dụng CNTT, mạng xã hội, khuyến nông điện tử trong xuất bản tài liệu điện tử, quảng bá sản phẩm, kiến thức thị trường, liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nội dung thông tin tuyên truyền, cần bổ sung nội dung thông tin về thị trường nông sản, về doanh nghiệp nông nghiệp, về công nghệ mới nông nghiệp trong và ngoài nước. Nghiên cứu bổ sung mô hình khuyến nông về tư vấn dịch vụ nông nghiệp; chuyển đổi số lĩnh vực khuyến nông và ngành nông nghiệp, cung cấp thị thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm nông nghiệp.

Còn đối với hội thảo tư vấn, phản biện “Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050, các nhà khoa học, chuyên gia đã đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện nhằm xây dựng quy hoạch tỉnh Bắc Giang bảo đảm khoa học, phù hợp với quy hoạch chung của vùng và cả nước.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Để thực hiện mục tiêu này, Bắc Giang cần hoàn thành 18 chỉ tiêu chủ yếu. Đơn cử như: Tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 15-16%; GRDP bình quân/người năm 2030 đạt khoảng 9.700 USD; trường chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt hơn 33%; có 40 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 92%; tỷ lệ đô thị hóa chiếm 55-60%...

Bắc Giang chú trọng 3 khâu đột phá: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính; tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Dự thảo quy hoạch đề ra các phương án tổ chức không gian kinh tế - xã hội, các khu chức năng; phương án phát triển đô thị, nông thôn và hạ tầng; phương án bảo vệ môi trường, tài nguyên, sử dụng đất; các giải pháp chủ yếu và danh mục dự án đầu tư.

Hoạt động tư vấn phản biện không chỉ tập trung đầu mối tại Liên hiệp hội tỉnh mà các hội thành viên đều có các hoạt động này. Những năm qua, để làm tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện, Liên hiệp hội đặc biệt chú trọng đến việc kết nối với cơ quan xây dựng chương trình, đề án, quy hoạch và việc kết nối, lựa chọn các chuyên gia… Việc kết nối với cơ quan xây dựng chương trình, đề án, quy hoạch đề nghị cung cấp hồ sơ kịp thời sẽ tạo điều kiện về thời gian cho ban chuyên môn nghiên cứu dự thảo và tìm hiểu các văn bản liên quan đến quy hoạch, đề án để tìm ra nội dung gợi ý phản biện , xây dựng chuyên đề nghiên cứu sát với thực tế. Đồng thời, ban chuyên môn có thời gian nghiên cứu, lựa chọn, kết nối với các chuyên gia tiêu biểu, uy tín đúng chuyên ngành theo nhóm lĩnh vực, am hiểu sâu sắc về nội dung lĩnh vực phản biện để thành lập Hội đồng phản biện và gửi hồ sơ dự thảo và nội dung gợi ý phản biện tới các thành viên trong hội đồng trước khi tổ chức Hội đồng phản biện. Từ đó các chuyên gia có đủ thời gian nghiên cứu kỹ dự thảo để cho những ý kiến sát thực, mang tính khả thi khi thực hiện các quy hoạch, đề án… Đối với các quy hoạch, đề án lớn của tỉnh, liên hiệp hội tổ chức Hội thảo chuyên đề tham khảo ý kiến của các chuyên gia sau đó mới tổ chức hội đồng phản biện, ông Hải cho hay.

Ngoài ra, Liên hiệp hội tích cực nâng cao vai trò tập hợp trí thức, đây là công tác quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện. Nhiều lĩnh vực phản biện, phải mời đến chuyên gia ngoài tỉnh, nhiều chuyên gia đang giữ trọng trách quan trọng của các bộ, ban, ngành Trung ương. Về vấn đề này, Liên hiệp hội đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn các chuyên gia tham gia hội đồng phản biện, đây là vấn đề then chốt để có được kết quả phản biện hiệu quả, giúp các đề án, quy hoạch… mang tính khả thi hơn. Ưu thế lớn nhất của Liên hiệp hội Bắc Giang là có một đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp trong tỉnh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và Bắc Giang có được sự giúp đỡ nhiệt tình của Hội các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội, các thành viên trong Hội các nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội đã tham gia vào một số hội đồng phản biện và cố vấn kết nối với các nhà khoa học đầu ngành theo từng lĩnh vực để tư vấn, hỗ trợ Liên hiệp hội thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và tư vấn, phản biện.

HT.

Xem Thêm

Góp ý dự thảo các đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV
Chiều ngày 28/3 tại Hà Nội, Đảng đoàn phối hợp với Đảng ủy Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025), Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Thanh Hoá: Phản biện quy định chi phí tham gia chương trình đào tạo
Sáng ngày 19/3, Liên hiệp hội tỉnh tổ chức hội thảo “Quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ đào tạo đối với từng nhóm đối tượng tham gia chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” (Quy định) do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo.
Thanh Hoá: Phản biện đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Sáng ngày 15/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa” (Đề án) do UBND huyện Thạch Thành phụ trách.
Thanh Hoá: Phản biện quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông
Ngày 05/3/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo phản biện “Quy định Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện từ năm 2024 - 2025” do Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa phụ trách soạn thảo.

Tin mới