Ykhoa.net - Kho kiến thức y học cho mọi người
Chỉ riêng phần “Y học phổ thông” có đến 22 chuyên mục về sức khỏe cho trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ, kiến thức về dinh dưỡng, chứng cao huyết áp, các bệnh về mắt, tai, mũi, họng … Mỗi chuyên mục lại cung cấp rất nhiều bài viết chi tiết, ví dụ như mục “Cấp cứu” sẽ có những thông tin hướng dẫn các thao tác cần thực hiện trong những tình huống xảy ra sự cố hay tai nạn; mục “Cao huyết áp” cung cấp kiến thức cơ bản về chứng cao huyết áp, nguyên nhân và cách phát hiện... Ngoài ra, trang web còn có nhiều tài liệu tham khảo về giáo dục giới tính, HIV/AIDS, các trang sức khỏe...
Bén duyên IT
Trước khi có được một chỗ làm đúng nghề của một người tốt nghiệp đại học y khoa, Phan Xuân Trung từng làm nghề vẽ cho một công ty quảng cáo. Khi còn là sinh viên, anh rất thích vẽ tranh, đặc biệt có duyên với thể loại tranh biếm họa. Khoản nhuận bút kiếm được từ tranh biếm được đăng khá đều đặn trên nhiều báo, cũng phần nào giúp Phan Xuân Trung trang trải một phần chi phí học tập.
Năm cuối đại học, Phan Xuân Trung đăng ký học Corel, PhotoShop tại một trung tâm tin học. Trong những bộ hồ sơ tìm kiếm một chân... bác sĩ ở các bệnh viện, trung tâm y tế của Phan Xuân Trung lại có kèm theo các chứng chỉ nghề... đồ họa vi tính! Từ một sự phát hiện tình cờ về khả năng đồ họa của chàng bác sĩ trẻ mới vào làm việc ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) chừng nửa năm, Phan Xuân Trung được mời xây dựng trang thông tin y khoa Medinet của Sở Y tế thành phố. Từ đó, anh chỉ có nửa thời gian cho công việc tại bệnh viện, còn một nửa dành cho Medinet.
“Hồi đó, số bác sĩ biết vi tính chưa nhiều. Tôi cũng chỉ biết vẽ và môn đồ họa chứ chưa từng thiết kế hay lập trình web. Lần mò từng chút để tìm hiểu, học hỏi người khác, đọc tài liệu, mua đĩa CD về học, tập tành vẽ hoạt hình… rồi mê lúc nào chẳng hay. Medinet được thiết lập trên mạng Intranet nên hạn chế người truy cập. Thú thật, tôi đã từng có ý tưởng đưa trang web này lên mạng Internet để thông tin được nhiều người chia sẻ hơn vì đó là những thông tin rất hữu ích”, bác sĩ Trung kể.
Hoạt động khoảng hai năm, vì nhiều lý do, trang Medinet không được tiếp tục duy trì. Không nỡ bỏ đi "đứa con" mình dày công tạo thành; hơn nữa đó còn là kết quả của niềm say mê với CNTT, Phan Xuân Trung (lúc này đã chuyển về làm việc tại Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic - TP.HCM) mang tất cả dữ liệu từ Medinet chuyển sang Ykhoanet để tiếp tục phát triển trên mạng Internet với sự hỗ trợ của bác sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Medic. Bỏ tiền túi ra mua host, sửa lại giao diện, chạy khắp nơi xin bài viết, sục sạo trên mạng tìm thông tin, ở nơi nào có kiến thức liên quan đến y khoa là bác sĩ Trung tìm đến… Những bài viết, kết quả nghiên cứu thu thập được, anh sắp xếp lại theo từng loại bệnh. Tháng 12 - 2000, Ykhoanet (www.ykhoa.net; www.ykhoanet.com) chính thức chào đời.
Thu hẹp khoảng cách
Chủ tịch Hội tin học TP.HCM Lê Trường Tùng trao Cup vàng đơn vị CNTT-TT Việt Nam Phan Xuân Trung |
“Từ ngày ra đời, trang web luôn nhận được những phản hồi tích cực. Có nhiều bạn đọc, khi gặp phải vấn đề bệnh tật, qua ykhoa.net, họ nhận được tư vấn của bác sĩ chuyên môn. Khỏi bệnh, họ gửi lời cảmơn, đó chính là lúc tôi cảm thấy công việc đang làm thật sự có ý nghĩa. Những gì bản thân tôi bỏ ra cho Ykhoanet nếu so với lợi ích mà nó mang lại thật chẳng đáng gì. Tư vấn trực tiếp thì chỉ có thểgiúp được số ít người, ngược lại nếu tập hợp thành một kênh thông tin trên mạng thì có thể giúp được rất nhiều người. Sắp tới, tôi sẽ mở lại forum riêng cho bạn đọc, cho bác sĩ và cho giới nghiêncứu”, bác sĩ Trung bộc bạch. Đến nay, Ykhoanet đã có gần một triệu lượt người truy cập. Hạnh phúc của người kiến tạo trang Ykhoanet chỉ mong có thế, được mọi người tin tưởng và nhớ đến mỗi khi cầnthông tin liên quan đến sức khỏe.
Khi thầy thuốc làm doanh nhân IT
Bác sĩ Phan Xuân Trung với công việc của một Giám đốc công ty Tin học |
Đến nay, hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện Ykhoa.net của anh Trung được triển khai tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước, giúp quản lý từ khâu tiếp nhận, thu phí đến công tác nghiệp vụ lẫn hành chính. Nhân viên xử lý công việc hoàn toàn trên máy tính; bác sĩ từng khâu khác nhau vẫn nắm được dữ liệu tổng thể về bệnh nhân; thông tin bệnh sử được lưu trữ trên hệ thống của bệnh viện và có thể dễ dàng truy xuất, tránh việc thất lạc hồ sơ bệnh án. Đặc biệt, chức năng “toa thuốc thông minh” của phần mềm còn giúp bác sĩ tránh được sai sót trong khâu kê toa thuốc và cân đối giá thuốc cho từng đối tượng cụ thể…
Bác sĩ Trung tâm sự: “Tôi đang chuẩn bị phát triển một web "chung cư miễn phí" trên Ykhoanet, xây dựng sẵn cái sườn có đầy đủ tính năng về thông tin bệnh viện, về dịch vụ để một bệnh viện bất kỳ có thể tích hợp thông tin chung trên một hệ thống, tiện cho việc tìm kiếm và giao tiếp lẫn nhau, xoá bỏ khoảng cách về không gian và kiến thức giữa bệnh viện lớn và bệnh viện vùng sâu, vùng xa. Mục đích chính là làm sao thúc đẩy mọi người cùng sử dụng công nghệ thông tin. Thời gian tới, khi hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện thực sự hoàn chỉnh, tôi sẽ tặng toàn bộ phần mềm này cho bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Nếu không có gì thay đổi, điều này sẽ được thực hiện trong năm nay…”.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên - Viện nghiên cứu Y khoa Garvan - Úc: “Tôi biết đến Website www.ykhoa.net từ năm 2000 do một lần tình cờ lên mạng tìm thông tin về tình hình y khoa nước nhà. Thấy hay, tôi tham gia thảo luận và trả lời, nhưng dưới một cái tên khác. Nhiều lần trả lời thắc mắc, tư vấn cho bệnh nhân như vậy thì bác sĩ Trung gửi email đánh tiếng bảo tôi tiết lộ danh tánh…(cười). Tôi rất ủng hộ bác sĩ Trung cũng như trang ykhoa.net vì lợi ích thiết thực mà nó mang lại. Vì vậy mà tôi thường xuyên đóng góp bài vở cũng như thu thập thông tin để bổ sung vào, cốt làm sao càng nhiều thông tin càng tốt, nhưng tất nhiên đó phải là thông tin sử dụng được. Dù chỉ là dân amateur (nghiệp dư) trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng bác sĩ Trung đã làm rất tốt trong khả năng có thể của mình, tạo ra ykhoa.net; qua đó đã giúp biết bao người bệnh tìm được thông tin mình cần, người khỏe mạnh có thêm vốn kiến thức để bảo vệ sức khỏe và giúp giới chuyên môn có nơi trao đổi kiến thức lẫn nhau…”. |
Nguồn: vnn.vn 2/10/2006