Ý tưởng hộ đê của một tác giả nghiệp dư
Từng làm nghề buôn bán cọc tre, vật liệu xây dựng, trong những lần đi kè bờ, đóng cọc tre chống lở đất, ông Thăng đã nghĩ tới việc xây dựng hệ thống chống sóng vào mùa bão lũ. Những ngày bão số 7, xem tivi, ông không cầm được nước mắt khi thấy những đoạn đê bị vỡ. Quá bức xúc, ông thức trắng đêm ngồi phác họa ý tưởng. Sau những phác thảo ban đầu, ông mày mò tìm hiểu kết cấu của hệ thống đê bao trong vùng.
Những ngày đi thực tế giúp ông nhận ra, phần lớn đê sông chỉ đắp bằng đất nên rất dễ nứt và lở. Vì thế ông Thăng đề xuất cắm một hệ thống cọc bê tông vào thân đê như một khung xương để tăng cường lực, chống vỡ bờ đê. Với những con sóng từ xa 30-100 mét, ông có những ý tưởng khác để đối phó. Hàng ngoài cùng chịu lực va đập mạnh, ông dùng hệ thống phao chữ S. Nướcđùn vào các khe hàm ếch sẽ bị đánh bật trở lại. Hàng thứ hai, năng lượng sóng giảm dần, ông dùng phao cụp xoè. Hàng thứ ba dùng phao là các loại săm lốp phế thải tết thành mảng dài theo bờ đê. Sóng dội từ ngoài khơi vào sẽ gặp các vật cản ở ba hàng phao chắn sóng. Đến bờ, sóng gần như đã tan.
Đêm hôm trước hoàn thành ý tưởng, ngày hôm sau ông Thăng viết thư cho Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong thư ông bày tỏ tâm nguyện được gặp Thủ tướng để trình bày rõ hơn ý tưởng của mình. Thư gửi ngày 3-10 thì đến ngày 4-10, Thủ tướng yêu cầu Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm hiểu sáng kiến của ông.
Nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có sự liên hệ nào của cơ quan chức năng với ông Thăng. "Tôi dự định viết tiếp một bức thư nữa gửi Thủ tướng. Tôi chỉ mong nếu được thí nghiệm thành công có thể đề nghị Chính phủ cho áp dụng thử trên một tuyến đê xung yếu".
Nhận xét về ý tưởng này, Phó giáo sư Trần Xuân Thái, Phó tổng thư ký Hội Cơ khí thủy lực Việt Nam, cho biết: "Là người chuyên làm về động lực sông biển, tôi rất cảm phục ý tưởng của ông Lê Thăng. Đây là một trong những ý tưởng rất tốt, rất có tư duy kỹ thuật, triệt tiêu những con sóng từ ngoài xa trước khi chúng phá hoại bờ.
Các nhà khoa học VN và thế giới cũng đã nghiên cứu những công trình phá sóng như kiểu break water (đập phá sóng) đặt ngoài xa thành những bức tường cách nhau để giảm thiểu năng lượng của sóng. Ông Thăng đưa ra ý tưởng chắn sóng từ xa cũng rất phù hợp với giải pháp kỹ thuật của công nghệ này. Chỉ có điều ý tưởng của ông Thăng cần phải được tính toán độ ổn định của kết cấu vật liệu trước sức mạnh của những con sóng lớn".
Nguồn: tuoitre.com.vn 26/10/2005