Xuống núi... tìm trầm
Biến giấc mơ thành hiện thực
Chủ nhân của dự án này là ông Trần Văn Quyến, 50 tuổi, quê ở Quảng Ngãi. Tuổi thơ ông gắn liền với núi rừng. Không biết từ bao giờ, ông mê rừng đến ngẩn ngơ. Chiến tranh loạn lạc, cha bị địch bắt và đày ra Côn Đảo, mẹ ông nhớ lời chồng dặn, bằng mọi giá đã cho bọn trẻ đi học, đã dắt díu 8 người con rời vùng sơn cước miền Trung vào Nam sinh sống. Bà buôn thúng bán bưng, tần tảo sớm hôm để anh em ông được đến trường. Nhưng nỗi nhớ rừng vẫn đau đáu trong ông.
Để thỏa mãn mơ ước của mình, ông quyết tâm thi vào Đại học Nông – Lâm. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công về công tác tại Chi cục Kiểm lâm TP. Hồ Chí Minh. Hai năm làm nghề rừng ở ngay giữa lòng thành phố khiến ông như bị trói chân tay. Cuối cùng, ông quyết định xung phong về Hạt Kiểm lâm huyện Tân Phú (Đồng Nai), nơi có rừng núi trùng điệp nhất miền Đông Nam Bộ. Hai năm sau, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên. Gần 30 năm gắn bó với rừng, cứ ngỡ ông đã thỏa nguyện với sở thích của mình. Nhưng đùng một cái, giữa lúc đường... quan lộ thênh thang, năm 2000, ông nộp đơn xin ra khỏi biên chế Nhà nước.
Việc đầu tiên, ông chuyển hộ khẩu về xã Núi Tượng (Tân Phú - Đồng Nai) và thế chấp nhà cửa vay 1 tỷ đồng cùng vốn tích lũy của gia đình đầu tư xây dựng trang trại vườn - rừng. Người thân sửng sốt và ra sức phản đối, còn bạn bè lắc đầu, nghĩ thần kinh ông có vấn đề. Ngày ngày ông đi khắp mọi miền tìm những giống cây gỗ quý, đặc biệt là cây trầm giống về ươm. Để cây sống được trên đồi trọc, ông bắt tay cải tạo, dẫn nước từ các khe suối về. Sau gần 6 năm, vượt qua bao gian nan, ông đã có trong tay 20 ha rừng xanh tốt. Ông đặt tên cho trang trại là Sơn Thủy.
Ông tâm sự, để có được thành công như ngày hôm nay, ngoài sự lao tâm khổ tứ, ông còn thực hiện tối đa phương châm lấy ngắn nuôi dài. Chính vì thế, cùng với rừng cây dó dầu, diện tích không nhỏ ông dành cho các loại cây ăn trái, thu nhập trung bình 800 triệu đồng/năm. Trang trại của ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động. Ông phấn khởi cho biết: “Chỉ năm nay nữa thôi, tôi sẽ lấy lại toàn bộ chi phí đầu tư”.
Bí quyết từ con bù xè
Bí quyết tạo trầm hương có chất lượng cao từ cây dó bầu trong dân gian luôn được người trồng giữ bí mật. Khoa học nghiên cứu về kỹ thuật này cũng đã có những kết quả đưa vào sản xuất, như phương pháp khoan vào cây, phun hóa chất để tạo trầm... Nhưng trong quá trình chăm sóc trang trại, ông Quyến đã tìm ra cách tạo trầm mới từ con bù xè - loại côn trùng gây hại. Bù xè khi vừa nở lập tức chui vào thân cây ăn gỗ với những lỗ đục tròn tự nuôi mình cho đến ngày hóa bướm bay đi. Với loài cây khác, đó là côn trùng gây hại nhưng với cây dó bầu, chúng đã bắt cây tiết ra nhựa trầm. Có thể ví con bù xè là... “nghệ nhân” tạo trầm cho cây dó bầu.
Theo ông Quyến, trầm hương được tạo nên từ cách tự nhiên này sẽ có chất lượng, giá cao. Chính vì vậy, ông đã giăng lưới trên một vùng trang trại, nuôi dưỡng bù xè để tạo trầm hương không chỉ cho mình mà còn ươm tạo cây giống và chuyển giao bí quyết cho bà con xung quanh.
Bảo tồn giống cây quý hiếm
Ông Quyến tâm tự: “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì thực hiện được mơ ước có một vườn trồng trầm hương và các loại cây quý hiếm khác. Cả đời gắn bó với rừng đã giúp tôi hiểu rõ từng loài cây trồng trong trang trại, đó là yếu tố quan trọng để thành công”. Hiện nay, nhiều loài gỗ quý nằm trong sách Đỏ Việt nam như: mun, cẩm lai, thông đỏ, giáng hương... được ông cất công sưu tầm chăm sóc với mục tiêu chính là bảo tồn.
Ông còn thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân địa phương, đó là thay đổi dòng làm nọc tiêu bằng cây dó bầu. Theo ông, cây tiêu bám rất tốt vào cây dó bầu và cho trái nhiều hơn. Sau 6 - 8 năm trồng tiêu, cây dó bầu sẽ cho thu hoạch. Cây dó bầu không nhất thiết phải tạo ra trầm mới có tiền mà chỉ cần thu hoạch cây tươi mang đi nấu tinh dầu là đã có lợi nhuận. Cứ 3 tấn cây tươi chưng được 1 lít tinh dầu trầm, giá hiện nay lên đến 7.000 USD/lít. Đã có nhiều nông dân tham gia dự án của ông. Theo thời giá hiện nay, một câu dó bầu khoảng 6 - 7 năm tuổi có giá trung bình 2 triệu đồng. Cây dó bầu có độ tuổi càng cao, giá trị kinh tế càng lớn. Hy vọng một ngày không xa, cây dó bầu sẽ làm thay đổi vùng đất nghèo khó ở thượng nguồn sông Đồng Nai.