Xây dựng và phát triển Liên hiệp Hội vững mạnh
Trong những năm qua, Hội đồng Trung ương, Đoàn Chủ tịch đã quan tâm công tác củng cố và phát triển tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tập hợp, vận động trí thức tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển KH&CN, KT-XH; nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Liên hiệp Hội Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Chỉ đạo công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức
Dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn, Hội đồng Trung ương và Đoàn Chủ tịch, trong nhiệm kỳ qua Liên hiệp Hội Việt Nam có sự phát triển mạnh về tổ chức. Đến tháng 12/2020, Cơ quan Liên hiệp Hội ở Trung ương có 6 đơn vị tham mưu, giúp việc, gồm Văn phòng và 5 Ban chức năng với tổng số 57 cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng. Ở các địa phương, có 50/63 Liên hiệp hội địa phương có cơ quan tham mưu, giúp việc gồm văn phòng và 2-3 ban chuyên môn, 13 Liên hiệp hội địa phương chỉ có Văn phòng với tổng số biên chế, hợp đồng là 519 người (trung bình mỗi địa phương có từ 8-9 cán bộ). Một số Liên hiệp hội địa phương (Long An, Nam Định, Hà Nam, Điện Biên,...) chưa được tỉnh giao biên chế; kinh phí và điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn, đặc biệt là Liên hiệp Hội tỉnh Long An khi tỉnh Long An tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị. Hội ngành toàn quốc không ngừng được mở rộng về quy mô và cơ cấu lĩnh vực, ngành nghề với 89 hội (cùng với hội, tổng hội, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam, nhiệm kỳ này có các hiệp hội tham gia là hội thành viên). Các tổ chức KH&CN trực thuộc cũng tăng lên mạnh mẽ tới 570 đơn vị. Liên hiệp Hội Việt Nam thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, thu hút được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu trí thức.
Tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương mang tính hệ thống chính trị - xã hội 2 cấp, có mối quan hệ ngày càng chặt chẽ; mối liên kết liên ngành, liên vùng, phối hợp giữa Trung ương và địa phương của các hội thành viên ngày càng được tăng cường. Cán bộ của cơ quan Liên hiêp hội từ Trung ương đến địa phương được củng cố theo hướng tinh gọn, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ hoạt động hội từng bước được định hướng theo một chương trình thống nhất, có tính hệ thống. Nhiều hội thành viên, đặc biệt là các Hội ngành toàn quốc đã thành lập một số loại hình tổ chức mới phù hợp để thực hiện công tác vận động, thu hút, động viên, khuyến khích trí thức tham gia xây dựng và phát triển đất nước.
Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tích cực thúc đẩy việc thành lập đảng đoàn ở các Liên hiệp hội địa phương để bảo đảm việc lãnh đạo chính trị đối với công tác trí thức. Đến nay, có 01 Hội ngành toàn quốc và 50 Liên hiệp hội địa phương có đảng đoàn (tăng 02 đảng đoàn Liên hiệp hội địa phương so với năm 2015). Hầu hết các Liên hiệp hội địa phương đều có các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp ủy địa phương. Ở cấp Trung ương, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục được củng cố và phát triển, hiện nay có 57 chi bộ trực thuộc (tăng 5 chi bộ so với năm 2015).
Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghề nghiệp
Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo thường xuyên và sát sao việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp Hội Việt Nam, cụ thể:
Đối với hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức, chỉ đạo Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp và hỗ trợ 100 lượt hội thành viên với tổng kinh phí là 6 tỷ đồng thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức tại đơn vị; chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu kết quả hoạt động của toàn hệ thống thông qua trang tin điện tử tổng hợp vusta.vn ở cả hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh; xuất bản 60 bản tin phổ biến kiến thức và 14 chuyên đề phổ biến kiến thức dưới dạng bản tin điện tử trên trang vusta.vn. Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên đã tổ chức hàng chục ngàn hội thảo, tọa đàm, các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ báo chí, truyền thông và phổ biến kiến thức cho hơn mười triệu lượt người tham dự. Nhà xuất bản Tri thức tiếp tục xuất bản các đầu sách thuộc tủ sách Tri thức tinh hoa và Tri thức phổ thông; các hội ngành thành viên và đơn vị trực thuộc cũng thường xuyên biên soạn và xuất bản một số lượng lớn các loại sách chuyên ngành, sách tham khảo, tài liệu, tờ rơi nhằm phổ biến kiến thức cho người dân và hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Chỉ đạo xây dựng Đề án Quy hoạch báo chí giai đoạn 2019-2020 theo tinh thần của Quyết định số 362-QĐ/TTg ngày 03/4/2019 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản cấp phép hoạt động Báo Tri thức và Cuộc sống trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam trên cơ sở sáp nhập các cơ quan báo chí hiện có.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chỉ đạo Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai và hỗ trợ các hội thành viên triển khai thực hiện Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, trong đó các Liên hiệp hội tỉnh, thành phố đã tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành quyết định về tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở 39 địa phương.
Trong 5 năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã triển khai trên 3.000 nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Trong đó, Liên hiệp hội địa phương đề xuất kế hoạch và được lãnh đạo tỉnh, thành phố giao thực hiện 715 nhiệm vụ, Liên hiệp hội chủ động triển khai 713 nhiệm vụ và phối hợp với các tổ chức khác triển khai 894 nhiệm vụ; Hội ngành toàn quốc đề xuất kế hoạch và được lãnh đạo Bộ, ngành giao thực hiện 260 nhiệm vụ, chủ động triển khai 226 nhiệm vụ và phối hợp với cơ quan liên quan triển khai 268 nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Liên hiệp Hội Việt Nam đã tham gia góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; tham gia góp ý các Dự thảo luật quan trọng; tham gia phản biện nhiều dự án đầu tư trọng điểm ảnh hưởng lớn đến xã hội; góp ý cho rất nhiều dự thảo văn bản khác cũng như các vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức khoa học và công nghệ; tích cực tham gia thực hiện các chương trình phối hợp giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Chỉ đạo việc tổ chức 37 Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động TVPB&GĐXH các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội (theo quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 15/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ). Các Diễn đàn được tổ chức nghiêm túc với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các cơ quan liên quan đến những nội dung thảo luận.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường, thường trực Đoàn Chủ tịch chỉ đạo Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Mặc dù kinh phí NSNN dành cho các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án bảo vệ môi trường do Liên hiệp Hội Việt Nam quản lý còn rất khiêm tốn (dao động 5-7 tỷ đồng/năm) nhưng đã huy động, tập hợp được lực lượng lớn các nhà khoa học từ các Liên hiệp hội địa phương, hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc tham gia nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật.
Theo thống kê chưa đầy đủ, giai đoạn 2015-2020, các Liên hiệp hội địa phương và hội ngành thành viên đã thực hiện 2.041 đề tài/dự án cấp cơ sở, 306 đề tài/dự án cấp bộ/tỉnh và 13 đề tài/dự án cấp nhà nước. Các tổ chức KH&CN trực thuộc tích cực tham gia triển khai hàng nghìn đề tài, dự án, viết hàng nghìn bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước, tổ chức hàng trăm hội thảo, hội nghị khoa học ở các mức độ khác nhau. Những hoạt động này đã có những tác động tích cực đến công tác tập hợp trí thức KH&CN góp phần vào sự phát triển của KH&CN đất nước.
Công tác tham gia các hoạt động xã hội hóa về KH&CN, bảo vệ môi trường, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo, Đoàn Chủ tịch chỉ đạo các tổ chức KH&CN trực thuộc tích cực tham gia xã hội hóa hoạt động KH&CN, bảo vệ môi trường, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo. Theo số liệu tổng hợp của 200 tổ chức KH&CN trực thuộc, trong giai đoạn từ năm 2016-2018, các tổ chức này đã huy động được khoảng 1.230 tỷ đồng phục vụ cho hoạt động chuyên môn của đơn vị, tính trung bình mỗi tổ chức huy động được khoảng 2,4 tỷ đồng/năm để hoạt động, trong đó riêng kinh phí dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững chiếm khoảng 1/3; đã tổ chức dạy nghề cho 12.863 thanh niên, trong đó có những đơn vị rất có uy tín và chỉ tập trung vào thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
Các tổ chức KH&CN trực thuộc đã đào tạo tiếng Anh, tin học miễn phí cho 1.303 trẻ em, đào tạo về các kỹ năng mềm cho 16.005 trẻ em. Trong hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, các tổ chức KH&CN trực thuộc thông qua các dự án viện trợ phi chính phủ, viện trợ ODA, đã phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức nhiều hoạt động thăm khám cho 166.855 lượt người và số bệnh nhân phải can thiệp là 34.879 lượt bệnh nhân về sức khỏe sinh sản, các bệnh xã hội.
Hoạt động tôn vinh trí thức, khuyến khích và thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học và công nghệ: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã chỉ đạo thí điểm triển khai hoạt động xét chọn, tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu thuộc các Liên hiệp hội địa phương và Hội ngành toàn quốc; đã xây dựng kế hoạch, cơ cấu, số lượng, điều kiện, tiêu chuẩn đạt danh hiệu trí thức KH&CN tiêu biểu; tham vấn ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban thi đua - khen thưởng Trung ương; đề nghị các Liên hiệp hội địa phương và Hội ngành toàn quốc xét chọn, đề cử trí thức đạt các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và gửi về Liên hiệp Hội Việt Nam để tổng hợp, lựa chọn, bình xét và tôn vinh, trao cup/biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu, bằng khen của Liên hiệp Hội Việt Nam và một số trí thức được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương của Chủ tịch nước. Sau 3 lần tổ chức tôn vinh và trao cup/biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu (các năm 2015, 2017, 2019) cho 445 trí thức trong toàn hệ thống, việc Liên hiệp Hội Việt Nam khởi xướng hoạt động này đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, các Ban của Đảng và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ghi nhận, đội ngũ trí thức trong cả nước đồng tình, ủng hộ và đã lan tỏa tới nhiều hội thành viên, một số Hội ngành toàn quốc và nhiều Liên hiệp hội địa phương đã tổ chức hoạt động tôn vinh trí thức tiêu biểu thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần làm tốt công tác vận động trí thức trong tình hình mới.
Đoàn Chủ tịch chỉ đạo Quỹ Vifotec chủ trì, chủ động triển khai các hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia hoạt động sáng tạo KH&CN thông qua việc định kỳ tổ chức các Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam, Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Các giải thưởng, hội thi, cuộc thi đã đã tập hợp đông đảo các nhà khoa học, nhà công nghệ và toàn xã hội tích cực tham gia. Từ 2015 đến nay, có hàng vạn công trình, đề tài, giải pháp kỹ thuật trên cả nước tham dự với hàng vạn các nhà sáng tạo trên cả nước đã được ghi nhận, trao giải, tôn vinh ở cấp địa phương và toàn quốc.
Hoạt động hợp tác quốc tế, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đoàn Chủ tịch đã quan tâm chỉ đạo các hoạt động hợp tác quốc tế của toàn hệ thống, từ việc xây dựng kế hoạch hàng năm, tổ chức thực hiện và tổng kết đánh giá kết quả; duy trì và phát triển mối quan hệ với các tổ chức đa phương, các tổ chức hội nghề nghiệp, các tổ chức KH&CN trên thế giới và các phái đoàn ngoại giao trong và ngoài nước; cử nhiều đại diện của Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia các sự kiện quốc tế; đăng cai và chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN lần thứ 38 năm 2020 theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại điểm cầu các nước ASEAN.
Thường trực Đoàn Chủ tịch chỉ đạo, hỗ trợ các tổ chức KH&CN trực thuộc tiếp nhận và triển khai trực tiếp hơn 600 dự án với tổng giá trị viện trợ xấp xỉ 71 triệu USD từ nguồn viện trợ nước ngoài; chỉ đạo tổ chức sự kiện thường niên Gặp gỡ vì Hợp tác và Phát triển (từ 2015 đến nay); thí điểm triển khai thành lập Liên minh Môi trường và Biến đổi Khí hậu (VECCA); tích cực hỗ trợ các tổ chức trực thuộc trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại (đoàn ra, đoàn vào, hội nghị, hội thảo quốc tế); thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế; tổ chức các diễn đàn nhằm tạo cơ hội kết nối và đối thoại giữa các tổ chức trong hệ thống với các đối tác quốc tế và các cơ quan Nhà nước.
HT