Vũng Tàu: Chế tạo thiết bị phóng dây, phao cứu người tắm biển
Bà Rịa - Vũng Tàu hàng năm đón một lượng lớn du khách đến tắm biển. Thế nhưng, các bãi tắm trên địa bàn tỉnh thường có nhiều ao xoáy nguy hiểm, trong khi lực lượng cứu hộ mỏng và thiếu phương tiện hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, nên đã có nhiều du khách lọt vào ao xoáy, đuối nước. Việc nghiên cứu bổ sung các phương tiện hỗ trợ cứu hộ trong môi trường biển là hết sức cấp thiết.
Xuất phát từ thực tế này, từ năm 2008, Hội đồng khoa học tỉnh đã tổ chức xét duyệt đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị phóng dây, phao cứu hộ người bị nạn trên biển” (giai đoạn 1). Theo kỹ sư Lê Hữu Sơn (Phó Giám đốc Chi nhánh phía Nam, Viện Vũ khí Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng) - chủ nhiệm đề tài cho biết bộ thiết bị phóng dây, phao cứu hộ người trên biển gồm thiết bị phóng khối lượng 4,2kg, chiều dài 0,61m, hình dáng tương tự súng AK; phao cứu hộ và cụm dây được gắn phía trên thiết bị phóng. Phao cứu hộ khi được lực lượng cứu hộ bắn ra đạt tầm xa tối đa 75m. Khi bắn, phao có khả năng tự thổi và nâng được người nặng 80kg. Thời gian bung phao sau khi tiếp nước khoảng 2 giây, phao có thể phóng 2-3 phát/phút. Màu sắc phao được thiết kế nổi bật nên người bị đuối nước rất dễ nhận biết. Đầu phao có thể bảo quản trong 3 năm. Kết cấu phóng phao theo nguyên lý triệt âm, hoạt động tốt không có tiếng nổ. Phao tự thổi hóa học không cần dùng bình CO2 lỏng, giá thành hạ, sản xuất đơn giản. “Nếu đem so với các thiết bị của nước ngoài thì không cần các phụ kiện cồng kềnh kèm theo như bình khí CO2 lỏng, phần tử kích hoạt khi tiếp xúc với nước”, kỹ sư Sơn cho biết.
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch TP. Vũng Tàu, với bán kính phóng phao trong vòng 75m nên từ xa nhân viên đã thực hiện được nhiệm vụ cứu người bị nạn, giúp tiết kiệm sức lực và tăng độ an toàn cho người trực tiếp làm công tác cứu hộ nhờ không cần phải tiếp cận trực tiếp với nạn nhân. “Ngoài trợ giúp cho công tác cứu hộ bờ biển, thiết bị này có thể trang bị trên các tàu, thuyền chuyên cứu nạn, cứu hộ trên biển, tàu dân dụng”, ông Trường nói. Tuy nhiên, do mới dừng lại ở một công trình nghiên cứu nên khi thử nghiệm trong điều kiện thực tế còn bộc lộ một số hạn chế nhất định như chưa tính toán tác động của hướng gió, tốc độ gió ở các vùng biển khác nhau; trong điều kiện bãi tắm đông người sẽ cản trở đường đi của dây phao và đích đến. Vì thế, theo ông Trường, khi đưa vào ứng dụng trong thực tế, lực lượng cứu hộ phải được trang bị đầy đủ thiết bị, kiến thức, cách sử dụng thuần thục. Bên cạnh đó, điều kiện bảo quản trong môi trường khí hậu biển và giá thành thiết bị cũng là một yếu tố phải cân nhắc vì mỗi năm có hàng ngàn người tắm biển bị trôi phao, lật phao, lọt ao xoáy hoặc bị các dòng chảy bất ngờ cuốn đi.
Liên quan đến những hạn chế của thiết bị, kỹ sư Lê Hữu Sơn cho biết: Thao tác phóng phao nhiều công đoạn nên mất nhiều thời gian cho một lần phóng; thiết bị nặng và lực giật lớn; khi phóng phao phải chống thiết bị xuống đất nên độ chính xác và cơ động chưa cao. “Nhằm hoàn thiện thiết bị với các thông số kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế ở biển Bà Rịa-Vũng Tàu, khắc phục những hạn chế của giai đoạn 1, chúng tôi đã đề xuất thực hiện giai đoạn 2 nhằm nâng hiệu quả cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển”, kỹ sư Lê Hữu Sơn (Phó Giám đốc Chi nhánh phía Nam, Viện Vũ khí Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng) - chủ nhiệm đề tài cho biết.
Sau khi nghe các ý kiến đánh giá từ hội đồng nghiệm thu, kỹ sư Sơn cho biết, trong giai đoạn hoàn thiện, đề tài tập trung vào một số vấn đề chính như hoàn thiện thiết bị với các thông số kỹ thuật phù hợp hơn với lực lượng cứu hộ và với điều kiện thực tế ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tính toán thiết kế lại tư thế phóng phao, chỉnh lại tất cả các cụm chi tiết của thiết bị từ đầu phao, cụm triệt âm, thiết bị phóng... để dễ nâng cao độ tin cậy, dễ dàng chế tạo số lượng lớn và hạ giá thành sản phẩm, huấn luyện cho lực lượng sử dụng...