“Vua măng cụt” Út Nhiêu
Người không cao, dáng gầy với giọng nói trầm trầm và nụ cười luôn hiện trên môi, Út Nhiêu được bà con ở cù lao Tân Quy quý mến tính hiền lành và tôn là "vua măng cụt". Chúng tôi gặp ông trong lúc vườn măng cụt đang cho trái trĩu quả. Hôm nay ông đã phần nào "thảnh thơi" với những gì mấy mươi năm trước từng ước ao. Đó là xây dựng thành công mô hình đa canh trồng xen măng cụt, có căn nhà khang trang, các con ăn học đàng hoàng, được giúp đỡ bà con nghèo. Út Nhiêu kể lại: "Khi mới lập gia đình năm 1968, cuộc sống rất khốn khó, cồn Tân Quy bấy giờ chỉ toàn là cây tạp. May mắn là được cha mẹ chia cho mấy công đất, đặc biệt có 24 gốc măng cụt. Sau nhiều lần tính toán, tôi đã quyết định cải tạo khu vườn tạp. Ban đầu trồng mía, sau đó trồng quýt, rồi cam, chanh,... nhưng hầu hết đều bị rớt giá và cho năng suất không cao. Năm 1979, cây cam ở vườn đã già cỗi, thấy mấy gốc măng cụt ông cha để lại cho mùa say trái, bán được giá cao, tôi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo cách đa canh, lấy ngắn nuôi dài. Tôi tiến hành trồng xen cây măng cụt vào vườn nhãn, chôm chôm, cam quýt,... mỗi liếp 2 hàng... Với phương pháp đa canh này được xem là nhất cử lưỡng tiện vì cây măng cụt khi còn nhỏ thích sống trong bóng râm, cây sinh trưởng nhanh vừa giữ được thu nhập từ vườn cây ăn trái có sẵn. Khi măng cụt từ 5 năm tuổi trở lên thì tiến hành tỉa dọn dần tán cây, hình thành thành một cây măng cụt có tán tròn, nhiều nhánh để cho năng suất cao sau này... "Với cách canh tác này, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích vườn măng cụt, từ 1 ha lên 2,5 ha. Từ 24 gốc măng cụt ban đầu đến nay vườn ông đã có 450 gốc. Qua nhiều năm tìm tòi học hỏi kỹ thuật trên báo, đài và được cán bộ nông nghiệp huyện, xã giúp đỡ tận tình, vườn măng cụt của Út Nhiêu ngày càng phát triển, năm nào cũng trúng mùa, trái to và đẹp, được thương lái từ Cần Thơ tìm đến tận nhà mua giá cao hơn các chủ vườn xung quanh.
Với 450 gốc măng cụt, mặc dù mới chỉ gần 50% số gốc cho trái nhưng gia đình Út Nhiêu đã có mức thu nhập đáng kể. Năm 2001, ông thu hoạch được 8 tấn trái măng cụt, bán được 100 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi được 80 triệu đồng. Năm 2002, thu hoạch 10 tấn trái bán được 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, thu hoạch thêm từ nhãn, chôm chôm, xoài, sầu riêng, dừa... trên 25 triệu đồng. Riêng năm 2003 ông thu hoạch tới gần 14 tấn, bán trên 250 triệu đồng. Nguồn thu từ các loại cây còn lại cũng hơn 30 triệu đồng. Đặc biệt với loại cây măng cụt tuổi thọ càng lâu cho trái càng nhiều. Năm vừa qua, vườn ông có cây măng cụt cho trái bán được trên 5 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn măng cụt trái oằn cây, ông Út Nhiêu bộc bạch bí quyết để có được vườn măng cụt say trái và đạt hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, vào mùa măng cụt, khách du lịch đến tham quan vườn cây ăn trái ở cồn Tân Quy, đều ghé vườn của ông để mua trái cây đặc sản này. Ông cũng đang tính toán chuyện phát triển vườn măng cụt của gia đình thành vườn du lịch xanh để thu hút du khách đến tham quan.
Hiện nay, không chỉ ở cồn Tân Quy, còn có nông dân tại rất nhiều xã của huyện Cầu Kè đang học hỏi và nhân rộng mô hình vườn đa canh trồng xen măng cụt của ông Út Nhiêu.
Nguồn: baocantho.com.vn 16/7/2004