Vừa là Tướng Võ, vừa là Thầy Văn
Ông cho biết: Thời Anh Văn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chính là lúc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam được thành lập. Để được ra đời, tổ chức này đã phải thai nghén suốt hơn 18 năm, kể từ khi ra mắt Ủy ban liên lạc các Hội khoa học và kỹ thuật năm 1965 do Cố Giáo sư Tạ Quang Bửu là Chủ tịch, và sau lần Đại hội thành lập hụt trước đó một năm tại khách sạn Thắng lợi trên Hồ Tây, chỉ vì chưa thống nhất được vấn đề nhân sự cho vị trí Chủ tịch Liên hiệp hội.
Cuối năm 1983, tôi khi ấy làm Phó trưởng ban trù bị thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đã chọn khách sạn Bờ Hồ ngay gần Hồ Hoàn Kiếm để tổ chức đại hội, với dụng ý có thể bố trí được bàn ghế theo lối gần gũi hơn để dễ thảo luận, sẽ dân chủ hơn so với các đại hội thường tổ chức ở hội trường cơ quan lúc bấy giờ.
Anh Văn đến chủ trì chỉ đạo Đại hội thành công làm nức lòng số đông đại biểu. Khi ra về, Anh vui vẻ vỗ vai tôi căn dặn: “Các cậu nhớ tích cực giúp đỡ anh Nghĩa (Giáo sư Trần Đại Nghĩa được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp hội) hoạt động cho tốt, cho có kết quả”. Chúng tôi cảm động thưa Vâng ! Và gửi ông món quà của đại hội chỉ là một chai mật ong do Hội nuôi ong tài trợ .
Sau này Tướng Giáp vẫn thường xuyên quan tâm đến hoạt động của các của các hội khoa học. Hồi tôi làm Chủ tịch Hội đúc luyện kim Việt Nam, ông hai lần gửi thư đến Hội cho ý kiến chỉ đạo. Tôi vẫn còn giữ cả hai lá thư kèm cả bản thảo có nét bút của Tướng Giáp, đúng như nét bút trong bức điện mật “Thần tốc, thần tốc… táo báo, táo bạo...” của Tướng Giáp gửi vào Mặt trận mùa xuân năm năm 1975.
Đọc thư của Tướng Giáp, mới thấy hết sự quan tâm của ông đối với hoạt động của Hội, mới thấy hết sự trăn trở của ông khi chỉnh sửa lại từng câu chữ trong bản thảo của thư ký và sự thận trọng của ông khi dùng từ để diễn đạt đủ ý muốn nói, muốn đặn dò. Đúng Tướng Giáp vừa là Tướng Võ vừa là Thầy Văn. Lĩnh vực nào người cũng xuất sắc. Thật Văn Võ Song Toàn!