“Vua cầu treo” ở vùng sông nước…
Thất học vì không có cầu
Trong căn nhà nhỏ của anh nông dân Phạm Ngọc Quý ở ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú (An Giang) treo đầy những bằng khen, giấy khen do Thủ tướng, Bộ trưởng, UBND tỉnh An Giang trao tặng… Với những thành tích xuất sắc anh Quý đã 2 lần được mời ra Hà Nội tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất giỏi và tham dự Lễ Tôn vinh những người Lao động giỏi… Nông dân vùng sông nước tôn vinh anh với nhiều ngôn từ đẹp nhất, thế nhưng điều bất ngờ là nhà khoa học “chân đất” này chỉ có trình độ mới tới lớp 3. Trong căn nhà nhỏ của mình, anh đã kể cho chúng tôi nghe về chuyện sáng chế của đời anh, câu chuyện bắt đầu từ những dòng sông…
Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông ngoài kênh rạch chằng chịt đã cắt ngang, cắt dọc hệ thống đường bộ. Đau nhất là nó đã làm gãy đứt việc học của bao nhiêu học sinh trong đó có cậu học trò Phạm Ngọc Quý. Nhà Quý cách trường rất xa muốn tới lớp phải trải qua nhiều con rạch dọc ngang lại không có đò đưa nên khi mới vào lớp 3 một tháng, Quý đình phải nghỉ học.
Những nỗi niềm tiếc nuối vì không được đến trường cứ ám ảnh trong tâm trí của Phạm Ngọc Quý. Phải làm sao cho bờ này nối bời kia để nhiều bạn trẻ không bị dở dang việc học như mình? Mãi đến hơn 20 năm sau, Quý mới chạm tay được những ước mơ cháy bỏng ngày nào của mình.
Từ cây cầu đầu tiên
Năm 1995, để thay đổi bộ mặt thôn quê, lãnh đạo tỉnh An Giang chủ trương thực hiện việc nông thôn hoá trên cơ sở dựa trên sức dân là chính. Và anh nông dân Phạm Ngọc Quý chính là người đã sáng tạo ra cây cầu treo đầu tiên để mở ra việc thực hiện hàng loạt cây cầu treo sau này theo chủ trương nông thôn hoá cầu treo của tỉnh. Cây cầu đầu tiên mà anh Quý thực hiện là cây cầu bắc qua kênh 13 của huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Anh đã vắt óc phác thảo đủ kiểu cầu trong đầu. Nếu làm như những cây cầu ván nông thôn phổ biến từ trước đến giờ thì phải có rất nhiều cọc, như thế sẽ dễ bị ghe xuồng chạy ngang va vào, vừa dễ xảy ra tai nạn lại bất tiện cho việc lưu thông, chẳng hạn như khi có xáng cạp chạy ngang, chỉ có nước dỡ cầu lên. Nhưng treo nó như thế nào, điều này khiến anh suy nghĩ lung lắm. Tình cờ, nhìn thấy chiếc võng chịu được sức nặng người nằm trên nó, anh Quý chợt loé lên ý nghĩ là dùng dây để treo lên. Sau khi vẽ xong sơ đồ trong đầu, anh lặng lẽ mày mò bắt tay vào làm thử mô hình một mình, thành công, anh liền trình bày cho bà con xem. Tuy không biết gì về lực căng hai đầu, rồi sức chịu của dây văng… mà anh Quý giải thích nhưng đã quá quen với phong cách “nói được là làm được” của anh nên mọi người đều ủng hộ hết mình. Người thì góp tiền, người thì góp sức. Rồi cây cầu treo đầu tiên có diện tích 1,2m x 30m với kinh phí xây dựng chỉ có 2 triệu đồng đã được dựng lên ngay trước Trường tiểu học B, xã Bình Phú, huyện Châu Phú trước sự mừng rỡ đến ngỡ ngàng của mọi người. Ngày khánh thành, nhìn thấy các em học sinh tung tăng đi trên cầu đến trường, lòng anh Quý ngập tràn hạnh phúc.
Anh Quý cho biết, những cây cầu treo của anh được xây theo nguyên tắc vừa rẻ, vừa bền và tất nhiên phải đảm bảo được an toàn trong giao thông đường thuỷ. Lúc đầu, mọi người đều tính niên hạn sử dụng cầu là 3 năm nhưng trên thực tế tuổi thọ của cây cầu kéo dài đến 6 năm. Để tiết kiệm tối đa vật liệu, anh dùng những tấm ván cà chắt cũ để làm ván lót, chứ không chọn tre vè anh sợ tre rất trơn láng, các em học sinh dễ bị té, nhất là khi trời mưa. Và anh cũng chọn cây bạch đàn làm trụ, cây cà chắt làm đà.
Điều thú vị là những cây cầu do anh Quý nghĩ ra lại có cấu trúc giống như cây cầu treo Mỹ Thuận. tuy nhiên, mãi cho đến khi xây xong cây cầu treo thứ 4, anh mới có dịp chạm tận mặt sờ tận tay cây cầu treo Mỹ Thuận. Sau chuyến tham quan, những cây cầu treo sau này được anh cải tiến ngày càng chắc chắn, kiên cố hơn với những trụ bê tông thay trụ gỗ, dây văng căng trên đỉnh bốn trụ bê tông không còn treo trên dây cáp nữa. Tính đến này, người kỹ sư chân đất đó đã xây được 71 cây cầu treo và anh vừa là nhà tư vấn, vừa là nhà thiết kế, rồi cũng là một công nhân trực tiếp sản xuất…
Tâm tư của “Vua cầu treo”
Với vai trò “nhiều” nhà trong 1 như thế, anh Quý đã tiết kiệm cho mỗi cây cầu khoảng 50% chi phí xây dựng. 9 năm xây cầu treo, anh đã tiết kiệm cho quê hương hàng tỉ đồng. Nhưng lợi ích lớn hơn đó là những đứa trẻ được tiếp tục cắp sách đến trường chứ không bị dở dang việc học bởi chuyện sông nước cách trở nữa. Sự thiệt hại về tính mạng và tài sản do tai nạn giao thông đường thuỷ bởi đụng vào cọc cầu đã giảm đi nhiều. Việc giao thông đường bộ cũng trở nên thuận tiện hơn. Cách làm của người “kỹ sư” không bằng cấp này rất đơn giản. Sau khi đã tính toán kinh phí xây dựng, anh sẽ thông báo cho mọi người biết. Đội từ thiện sẽ đứng ra quyên góp bà con địa phương trên tinh thần tự nguyện. Người góp tiền, người góp sức để cùng nhau vừa thi công vừa giám sát thi công và nghiệm thu công trình. Như một con thoi, anh bố trí xen kẽ thời gian giữa việc nhà và việc nước một cách rất khoa học. Khi vào vụ mùa thì lo chăm sóc lúa. Vừa rời tay cuốc anh lại nhào vô xây cầu. Có lần anh xây một lượt 3 cây cầu trong vòng 1 tháng mà cây cầu nào cũng có chiều dài 60-70m. Mới hôm qua thấy anh đang hướng dẫn mọi người văng dây cáp ở cây cầu Thạnh Mỹ Tây, hôm sau lại thấy anh đang cùng bà con lặn hì hụp để cắm trụ ở Bình Phú. Rồi vài hôm sau lại thấy anh chỉ huy xây cây cầu số 5.
Thấy được nhu cầu xây cầu treo ở thôn quê vùng ĐBSCL rất lớn nên hiện nay anh Quý đã thành lập một đội ngũ thợ xây cầu treo rất lành nghề. Tuy nói là lành nghề nhưng thực ra khi đi đến một địa phương thấy nơi đó kinh tế khó khăn là anh làm không lấy tiền công hoặc lấy giá… hữu nghị.
Khi nặn óc, vắt tim để tạo ra những cây cầu treo, anh Quý chỉ nghĩ đơn giản là đem công sức của mình để cống hiến cho quê hương nên không nghĩ đến chuyện đi đăng ký bản quyền. Thế nhưng đến khi cần thì anh Quý không thể đăng ký bản quyền cho các sáng chế của mình được. Chính vì trở ngại này mà khi lãnh đạo tỉnh Kiên Giang mời anh về để bàn việc xây cầu treo có chiều ngang 3,5m, chiều dài 220m ở Hà Tiên và những nhà lãnh đạo của tỉnh Đồng Nai mời anh về xây cầu treo cho tỉnh thì những trở ngại về pháp lý đã gây khó khăn cho anh. Mặc dù thực tế đã chứng minh anh là “vua cầu treo” ở vùng sông nước này. Nhưng trên lý thuyết thì anh không có một tờ giấy nào để chứng minh mình có thể… xây được cầu treo!
Bên cạnh đó, để phục vụ cho việc xây cầu treo, anh Quý đã “sản xuất” ra chiếc “máy bay thuỷ” có hình dạng giống như chiếc máy bay cánh ngang. Vỏ “máy bay thuỷ” này do chính tay anh chế ra, rồi gắn máy đuôi tôm vào. Nhờ cấu tạo với hình dạng thon dài nên máy của anh lướt ào ào trên sông. Anh sử dụng “máy bay thuỷ” để “đi tới đi lui” trên mặt sông hoặc để “đi” từ bờ bên này sang bờ bên kia trong khi xây cầu. Anh Quý cho biết chẳng những cho “máy bay thuỷ” của mình chạy dưới nước mà anh còn sẽ lái cho nó bay trên không trung như một máy bay mini thực sự. Và anh sẽ dùng mặt nước để làm bãi cất cánh cũng như bãi đáp cho “máy bay thuỷ” của mình. Thế nhưng điều khó khăn là hiện tại anh không có kinh phí để thực hiện tiếp phần hai của kế hoạch này mà cũng không được một cơ quan nào tài trợ.
Nhưng điều mà anh Quý đang sốt ruột nhất hiện giờ chính là chiếc máy gặt đập liên hợp với nhiều tính năng nổi trội mà anh vừa tự chế ra. Máy có hệ thống thổi bụi vừa quét sạch bụi vừa thuận theo thời tiết, thuận theo môi trường của nước ta, chuyển lúa lên miệng thùng nhanh hơn, bộ dây xích với giá thành khá cao được anh thay bằng dàn cải tiến của máy, rồi anh còn lắp bánh đôi… Đặc biệt giá thành của máy chỉ khoảng 50 triệu đồng/cái, bằng 1/3 so với máy ngoại. Tháng 8/2004, sản phẩm này đã giúp anh Quý được lãnh giải thưởng KOVA của TP HCM. Thế nhưng hiện nay sản phẩm không thể đưa vào sử dụng đại trà được vì thiếu… tiền để mở xưởng sản xuất.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 288,29/4/2006.