Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 17/03/2008 21:00 (GMT+7)

Vũ Tuyên Hoàng – Nhà báo bách khoa, tài hoa, nhân hậu

Vũ Tuyên Hoàng nhận học vị tiến sĩ sinh học năm 1973, tiến sĩ khoa học về nông nghiệp năm 1977, học hàm giáo sư năm 1983 và được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên Xô năm 1988, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới đang phát triển năm 1993, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học ASEAN năm 2005. Các danh hiệu cao quý mà ông nhận được gắn liền với các nghiên cứu về lai tạo giống lúa và nhiều giống cây trồng khác đang tiến hành có kết quả trong nước và trên thế giới. Với 200 công trình khoa học đã công bố, ông rất xứng đáng nhận các phần thưởng cao quý như huân chương Lao động hạng nhất, huân chương Độc lập hạng nhì, giải thưởng Lúa thế giới, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng là thành viên sáng lập Hội đồng Biên tập tạp chí Thế Giới Mới và đã công bố hơn 400 tác phẩm trên tạp chí. Sau đây là những dòng hồi ức tưởng nhớ Vũ – Tuyên – Hoàng – nhà – báo.

Một sáng cuối năm 1992, chuông điện thoại toà soạn tạp chí Thế Giới Mớireo giòn giã. Tổng biên tập Trường Giang từ Hà Nội gọi vào TP. Hồ Chí Minh báo tin vui:

- Anh Vũ Tuyên Hoàng nhận lời tham gia Hội đồng Biên tập rồi!

Thời điểm ấy, Thế Giới Mớiở tuổi lên 2 non trẻ, đã thành tập chí tri thức tổng hợp được đông đảo bạn đọc trong Nam ngoài Bắc tin yêu. Toà báo chủ trương thành lập Hội đồng Biên tập gồm nhiều cây bút tên tuổi, mà nòng cốt là các nhà khoa học hàng đầu. Đã mời được các giáo sư, tiến sĩ khoa học các môn vật lý, hoá học, toán học, sinh học, văn học, triết học… Thêm được Vũ Tuyên Hoàng là trọn vẹn!

Từ đó, hễ có dịp vào công tác TP. Hồ Chí Minh là GS.VS Vũ Tuyên Hoàng ghé thăm toà soạn, chuyện vãn thân tình, gợi ý hướng khai thác tri thức khoa học và khi báo cần thì sẵn sàng góp một chùm thơ, đôi bài tiểu luận. Cứ thế cho đến đầu mùa thu năm 1996, khi nhà báo Hữu Thọ, Uỷ viên Hội đồng Biên tập, do quá bận công tác, đề nghị ngưng chuyên mục CHUYỆN ĐỜI sau 158 “tản văn nóng bỏng, vang động”. Thay thế bằng chuyên mục nào đây? Tôi bàn với Tổng biên tập Đỗ Quốc Anh, tức tốc mời anh Vũ Tuyên Hoàng tới. Ỷ thế “người nhà” tôi xuề xoà:

- “Mại dzô”, chuyên mục mới: SỔ TAY NHÀ KHOA HỌC, do GS.VS Vũ Tuyên Hoàng phục trách, mỗi số Thế Giới Mớiđăng tải từ một trang tới trang rưỡi!

Anh giãy nảy:

- Mình công việc lu bù, đảm đương mỗi tuần một bài sao xuể?

- Anh làm được. Chắc chắn có cách!

- Nhưng tại sao các bạn không mời một nhà khoa học đang nghỉ hưu nào đó?

Tôi hăm hở trả lời rằng, phụ trách chuyên mục SỔ TAY NHÀ KHOA HỌC, anh Hoàng là ứng viên số một, thậm chí, duy nhất! Chứ gì nữa. Tôi vốn rất phục các cây bút “3 trong 1”, như nhạc sĩ Văn Cao vừa là thi sĩ, hoạ sĩ; như văn sĩ Nguyễn Đình Thi vừa là nhạc sĩ, nghị sĩ. Nay càng phục cây bút “4 trong 1”, nhà nông học Vũ Tuyên Hoàng, là viện sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ và là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng! Không phải kiểu viện sĩ “cấm cung” tự giam mình trong 4 bức tường “ngâm cứu”, mà là con thoi xông xáo dọc ngang bốn biển năm châu làm khoa học, làm chính trị, làm... nghệ sĩ! Xin anh giúp Thế Giới Mới, đóng một cuốn SỔ TAY VIỆN SĨ rõ dày, ngày ngày, trên đường công tác, ghi lại những điều chợt thấy, chợt nghĩ, phát hiện vấn đề bằng óc quan sát của nhà khoa học, bằng trí xét đoán của chính khách, bằng tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ rồi thể hiện bằng màu sắc, đường nét tinh tế, hài hoà của hoạ sĩ! Cứ chép từ cuốn sổ ấy ra mà gửi dần cho báo nhà. Mỗi tuần một bài thì mùi mẽ gì!

Mọi việc diễn ra sau đó y chang! Tuần tiếp đó, anh Hoàng mang ngay cho tôi… 3 bài tản văn. Bản thảo viết tay ngay hàng thẳng lối, không cần chữa tới một dấu phẩy! Trước khi Thế Giới Mớisố 207 khép lại chuyên mục CHUYỆN ĐỜI của nhà báo Hữu Thọ thì trước đó, số 200 đã khai trương SỔ TAY NHÀ KHOA HỌC của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng. Và liền tù tì, không hề đứt đoạn, một mạch tới… 400 bài! Chỉ cần ngó qua loạt nhan đề là thấy ngay tầm kiến văn uyên bác của một tiến sĩ khoa học sinh học, một viện sĩ khoa học nông nghiệp “đỉnh cao”. Nào hoa trái trăm miền, nào cây con tứ xứ. Mai vàng, hoa hồng, bông sen. Bưởi Thọ Xuân, táo Thiện Phiến, ổi thơm, nho Nga, lúa ngắn ngày. Cây keo lai, sến xứ Thanh, vườn Nhật Bản, chè hữu cơ. Thú rừng, cò mỏ thìa, côn trùng lợi hại, tiếng chim gáy… đêm khuya, hoạ mi đấu hót giết chết khiếu bách thanh, tình yêu… khỉ!Nhưng không chỉ gói ghém trong chuyên môn sinh học. Vũ Tuyên Hoàng là cây bút bách khoa thâm hậu, am tường, nhạy bén, chạm tới lĩnh vực nào cũng có thể nảy sinh ý tưởng mới. Gặp kiến trúc, bàn luận thấu đáo về “trời tròn đất vuông”, đường phố Singapore . Đụng ẩm thực, tấm tắc khen canh tương từng, cốm Vòng, thịt… chuột!Qua sinh thái môi trường, bàn về đất dốc, cải tạo vườn tạp, biển xanh Cà Ná. Phiêu diêu văn nghệ: nhảy múa Nigiêriasôi động, thơ Nguyễn Du ý ở ngoài lời, tiếng Việt ỡm ờ ai là ai… Đề tài nào cũng được thể hiện lôi cuốn, đậm đà, thuyết phục!

Có bận, anh đi công tác nước ngoài mấy tuần liền, lúc về đưa ra một chùm 5 bài. Tôi xuýt xoa:

- Phục lăn viện sĩ. Anh sản xuất hàng loạt vào lúc nào đấy!

- Mình dành sẵn giấy bút trong cặp, hễ hứng là moi ra, tranh thủ viết trên máy bay, trong khách sạn, giờ hội nghị giải lao. Coi như thư giãn! Không viết báo thì mình làm thơ, vẽ tranh. Mấy cậu phục vụ nhà khách, mấy cô tiếp viên hàng không rất khoái mình vẽ chân dung!

Chính tôi cũng từng có dịp… “khoái”! Lần thăm toà soạn cuối năm 1994, hàn huyên một lúc, Vũ Tuyên Hoàng lúi húi giở giấy bút: “Anh Hoan ngồi yên, tôi vẽ”. Đầu nghiêng nghiêng, mắt nheo, miệng cười mủm mỉm, anh hí hoáy chút là xong bức ký hoạ. Tôi kêu:

- Ui chao, hoạ sĩ Hoàngphù phép cho lão ký giả này trẻ lại cả chục tuổi!

Anh cười rất hiền:

- Mình chủ trương mà! Bất cứ vẽ ông bà nào, sau yêu cầu số một: nắm bắt thể hiện thần thái, là phải… giảm thiểu tuổi tác, vẽ tre trẻ một chút, cho người ta vui!

Ý hướng ngồ ngộ chân thành “làm mọi người vui” ấy rõ ràng thấm đượm trong toàn bộ tản văn của Vũ Tuyên Hoàng. Những bài báo chắt lọc từ những ngày lăn lội một nắng hai sương trên đồng làng cùng bà con lai tạo giống lúa mới giỏi chịu lạnh, cho năng suất cao. Anh đắm đuối say mê hoa thơm cỏ lạ xứ người không phải bằng nhãn quan hiếu kỳ của du khách, mà bằng tấm lòng đôn hậu nhân từ của nhà nông học săn tìm trái cây quý, hạt gạo ngon, rước về trung thổ Việt Nam đặng góp phần cho nông dân bớt khổ, thoát nghèo! Có những bài tản văn phê phán bảo thủ trì trệ, lật mặt trái nhân tình thế thái, anh cũng không chỉ trích gay gắt mà thủ thỉ khơi gợi sâu xa…

Yêu mến cây bút tản văn Vũ Tuyên Hoàng lắm, nhưng rồi tôi vẫn… hụt hơi không theo anh được đến đầu đến đũa. Tôi nghỉ hưu. Thăm toà báo, không gặp tôi, anh liền gọi điện thoại tới “sào huyệt” kẻ về vườn, giận dỗi trách móc tôi… tự dưng bỏ cuộc chơi! Và từ đó, mỗi bận vào TP. Hồ Chí Minh, dù rằng “có cộng tác với nhau nữa đâu”, nhưng anh vẫn đều đặn gọi điện cho tôi, chuyện trò, thăm hỏi. Cho đến khi cuốn sách dày dặn SỔ TAY NHÀ KHOA HỌC ra mắt bạn đọc thì tôi được Vũ Tuyên Hoàng mang biếu tận nhà. Tôi xúc động:

- Cảm ơn anh Hoàng giúp Thế Giới Mớimột chuyên mục ăn khách!

Anh hồn nhiên “cãi”:

- Chính mình phải “tri ân” chứ! Nhờ Thế Giới Mới, mình có thêm rất nhiều bạn. Trong các hội nghị lớn, trên các chuyến bay đường dài, ở trong nước, ở nước ngoài, rất nhiều khách VIP tìm tới hồ hởi bắt tay mình, trầm trồ khích lệ bài này bài nọ “vừa đọc ở Thế Giới Mới”! Thuở ban đầu, chính mình cũng không nghĩ rằng sẽ viết nổi liền vài trăm bài tản văn. Thú vị thật, vậy là nhờ các bạn, có thêm một… Vũ Tuyên Hoàng nhà báo! Này, mình chưa có dấu hiệu cạn vốn đâu nhé!

Thế mà… Thôi rồi anh Hoàng ơi! Chùm tản văn 400 bài ấy ai ngờ lại là một trong những chùm hoa cuối cùng của cây bút bách khoa Vũ Tuyên Hoàng!

Sài Gòn, 28/2/2008.

Nguồn: Thế Giới Mới, số 774, 3/2008, tr 20

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.