Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 15/02/2006 01:06 (GMT+7)

Võ Đình Minh và chiếc xe ba bánh ‘biết’ chạy lùi!

Tuổi thơ không may mắn

Năm lên 3 tuổi, một cơn sốt dài ngày đã khiến cho đôi chân của anh Minh bị bại liệt vĩnh viễn. Từ lớp vỡ lòng đến lớp 5, anh được người thân và bạn bè cõng đến trường. Sau đó, gia đình anh phải nhờ đến trung tâm chỉnh hình làm nẹp giày đi bằng nạng gỗ để anh có thể tự xoay chuyển. Hết năm lớp 8, vì không chịu nổi sự trêu chọc ác ý của bạn bè, anh thôi học và vào học nghề điện tử ở Sài Gòn. Anh tốt nghiệp thợ loại giỏi, nhưng không theo được nghề, bởi không cơ sở nào nhận. Anh về lại quê hương và tìm được việc làm ở một tiệm điện tử. Thế nhưng, vận đen lại ập đến, chủ tiệm bị tai nạn chết, tiệm đóng cửa, anh lại tiếp tục thất nghiệp.

Năm 1986, anh cưới vợ, một đám cưới, theo anh là : "Rất vui, nhưng không che lấp hết nỗi buồn của bản thân, vì nghĩ thương cho vợ quá thiệt thòi khi chấp nhận lấy tôi". Ngay cái Tết đầu tiên năm ấy, hai vợ chồng đi chúc xuân họ hàng thật là rất khó khăn bởi phương tiện đi lại không có.

Trong lúc vợ chồng chưa tìm được việc làm thì một cu con ra đời, nỗi khó khăn chồng chất khiến anh Minh có ước mơ cháy bỏng là làm sao có được một chiếc xe máy ba bánh để chở vợ con đi lại cho thuận tiện, đồng thời nhờ đó cũng dễ đi lại kiếm việc làm.

Với 2 chỉ vàng vốn là đôi nhẫn cưới của hai vợ chồng, anh đành đoạn bán đi để đầu tư cho chiếc xe mơ ước của mình. Anh tìm mua một xe máy cũ (hiệu Bucsh) và một số phụ tùng là đồ phế liệu đem về cùng với người bạn làm nghề thợ hàn cặm cụi lắp ráp chế tạo. Gần một tháng trời miệt mài với đống phế liệu, cuối cùng chiếc xe máy ba bánh "trong mơ” của anh cũng đã ra đời.

Nhưng khổ nỗi, sản phẩm mới chỉ thuần là một “cái máy có gắn hệ thống chuyển động", còn rất thô, khi chuyển động thì toàn thân rung lên, chao lắc. Hơi buồn, nhưng dù sao cũng đã có cái gọi là phương tiện đi lại, anh chủ động và tự tin hơn trong hành trình đi kiếm việc làm.

Có chiếc xe, thời gian đầu anh dùng nó để đi lại mua bán máy móc, đồ sắt cũ (đồ lạc xoon)... với quy mô nhỏ, làm kế sinh nhai tạm thời. Buôn bán được thời gian, có chút ít vốn trong tay, anh trích một phần vào việc đầu tư tiếp tục để hoàn thiện chiếc xe chưa hoàn chỉnh của mình. Đầu tiên, anh cải tiến lại toàn bộ thân xe, thay máy cho tốt hơn, đáp ứng được tiện ích kỹ thuật và kết cấu thẩm mỹ. Công việc này anh phải làm tới làm lui đến lần thứ... năm mới hoàn chỉnh. Đặc biệt, chiếc xe có hộp số tự động có thể di chuyển tới lui dễ dàng...

Sản phẩm ra đời, bạn bè ai cũng mừng cho anh có phương tiện đi lại. Mừng nhất là thấy được một người khuyết tật như anh đã có nhiều nghị lực, trí tuệ để độc - chế ra sản phẩm đặc biệt này.

Thành công của sự sáng tạo...

Nói về thành quả của mình, anh Minh cho biết: Hiện nay, xe máy 3 bánh dành cho người khiếm khuyết hai chi dưới đã có bán trên thị trường nhưng loại xe có số chạy lùi thì chưa thấy phổ biến. Cuối tháng 10-2005, đoàn cổ động ủng hộ Paragames 23 đi qua tỉnh Bình Định, anh Minh và hai người bạn ở trong nhóm khuyết tật Sức sống Bình Địnhđã đi theo ra Bắc. Trong đoàn có nhiều người đi xe máy ba bánh chủ yếu do hai cơ sở Kiến Tường và Đức Cường sản xuất. Nhưng khi họ thấy xe anh Minh chạy lui dễ dàng, trên đường đi không gặp sự cố kỹ thuật nào, các bộ phận giảm xốc rất tốt... thì họ rất bất ngờ. Khi được biết sản phẩm do chính tay anh làm nên mọi người càng ngưỡng mộ hơn.

Chiếc xe của anh Minh đã trở thành tâm điểm của đoàn, đi đến tỉnh nào các Hội người khuyết tật của bạn cũng đều chú ý đến, nhất là việc chiếc xe có “số de”- điều hết sức cần thiết đối với những người khuyết tật ở chân...

Kể lại cho chúng tôi nghe về quá trình nghiên cứu này, anh rất hào hứng: "Khi bắt đầu nảy ra ý tưởng chế tạo hộp số "de" cho xe, nhiều đêm không ngủ được, tôi ngồi hàng giờ bên bàn nước, đốt không biết bao nhiêu điếu thuốc lá, đôi tay cứ xoay xoay, đảo đảo, miệng lẩm nhẩm, mặt thẫn ra như kẻ mộng du...".

Anh thành thật cho biết, do trình độ học vấn có hạn nên việc tính toán rất khó khăn, anh phải có cách làm riêng. Anh chọn mỗi nơi một chi tiết, về ráp lại, vì vậy nhiều khi không khớp, lại phải làm lại. Công việc được thực hiện âm thầm bí mật và mãi đến năm 2000, hộp số lùi do anh tự chế mới hoạt động hoàn chỉnh.

Tháng 10-2002, có một người ở Quảng Bình vào Quy Nhơn tình cờ nhìn thấy chiếc xe anh đang đi có kiểu dáng đẹp, lại có số lùi, nên đã hỏi mua, và đấy là sản phẩm đầu tiên của anh được bán ra. Đến nay anh đã nhận gia công, độ - chế được 11 chiếc xe loại này cho bạn bè khuyết tật ở Quảng Ngãi, Đà Lạt, Gia Lai, Lâm Đồng cũng như ở trong tỉnh với đủ loại kiểu dáng, mẫu mã, tùy theo yêu cầu của người sử dụng.

Trong đợt du khảo ra Bắc vừa rồi, có rất nhiều người khuyết tật tha thiết đặt mua hộp số chạy lùi do anh chế tạo nhưng anh chưa dám nhận lời, dù với giá không nhỏ (thiết kế mỗi hộp số chỉ tốn 1,5 triệu đồng, nhưng nhiều người đặt mua đến giá 3,5 triệu đồng), bởi anh mong muốn sản phẩm của mình được đánh giá đúng, lúc đó mới cho đăng ký phổ biến rộng rãi.

Hiện anh đang đăng ký sản phẩm tham gia "Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc" và đang xúc tiến thủ tục xin đăng ký quyền sở hữu công nghiệp về hộp số lùi ở xe gắn máy ba bánh dành cho người khuyết tật. Anh cho biết, một chiếc xe hoàn chỉnh do anh làm, có hình thức đẹp, thì có giá khoảng từ 8 đến 11 triệu đồng. Với giá thành này, người khuyết tật có thu nhập trung bình sẽ có cơ hội mua được xe để đi lại, sinh hoạt làm việc.

Tháng 1-2005, anh Minh đã chính thức thành lập Doanh nghiệp tư nhân 18-04 Hoàng Minh. Bên cạnh việc sản xuất xe lăn, doanh nghiệp còn tổ chức dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Tuy vốn còn khiêm tốn, nhưng để doanh nghiệp được ra đời là cả một quá trình phấn đấu chịu thương, chịu khó không mệt mỏi của anh Minh. Ngoài sự cố gắng vươn lên trong lao động, anh còn là người hoạt động tích cực trong công tác xã hội, kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng đối với người tàn tật và trẻ em mồ côi.

Tâm sự với chúng tôi, Anh Võ Đình Minh cho biết sau khi tham dự chương trình Những ước mơ xanhcủa Đài Truyền hình Việt Nam, có nhiều cá nhân và đơn vị đã rất quan tâm đến sản phẩm của anh.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ môi trường Bình Định đã công nhận công trình sáng tạo này và đang hướng dẫn anh làm thủ tục tham dự Hội thi sáng tạo của tỉnh năm 2006. Ý nguyện của anh là mong sớm được cấp bản quyền sở hữu trí tuệ hộp số lùi xe mô tô ba bánh dành cho người khuyết tật do anh chế tạo...

Nguồn: Tài hoa trẻ

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

TSKH Nghiêm Vũ Khải:Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.