Vĩnh Phúc: Phản biện đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh
Sáng 19/4, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện dự thảo Đề án Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Thời gian qua, thương mại điện tử Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi thói quen kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế, thương mại điện tử của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như về quy mô, chất lượng giao dịch thương mại điện tử của cả khối cơ quan hành chính Nhà nước, các doanh nghiệp và người dân còn thấp; chưa có doanh nghiệp thương mại điện tử lớn; thương mại điện tử chưa thành phương thức bán hàng va lan tỏa được thương hiệu sản phẩm của tỉnh ra cả nước..
Nhằm tạo chuyển biến căn bản về phát triển thương mại điện tử của tỉnh, đưa tỷ lệ giao dịch hàng hóa dịch vụ thông qua thương mại điện tử thuộc nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước, Sở Công thương đã tham mưu xây dựng dự thảo Đề án Phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo Đề án, đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, toàn tỉnh có 55% người dân trên địa bàn 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, 30% các huyện tham gia mua sắm trực tuyến; doanh số thương mại điện tử chiếm hơn 10% so với tổng mức bán lẻ; 80% trang web thương mại điện tử có tích hợp chức năng đạt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch điện tử; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử; 50% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trở lên triển khai đào tạo về thương mại điện tử...
Đề án cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp bao gồm: Xây dựng chương trình, chính sách thúc đẩy thương mại điện tử trên nền tảng chuyển đổi số của tỉnh; xây dựng chính sách phát triển các loại hình thương mại điện tử doanh nghiệp và chính quyền, chính quyền và doanh nghiệp, chính quyền và chính quyền, chính quyền và người dân; chính sách nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử; chính sách phát triển thị trường thương mại điện tử vây dựng lòng tin của người tiêu dùng; chính sách thu hút và đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển thơng mại điện tử tỉnh Vĩnh Phúc; chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại điện tử.
Tại hội thảo, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế TMĐT của tỉnh trong thời gian qua; đánh giá thêm về hiệu quả của Đề án cùng những tác động, ảnh hưởng của phát triển TMĐT đến các ngành, nghề truyền thống, đến xã hội. Về nội dung đánh giá chung về phát triển TMĐT của tỉnh, cần có khảo sát, đánh giá sâu hơn nữa về các tiêu chí có ảnh hưởng lớn đến việc phát triển TMĐT như: Số người sử dụng internet, số người dân có smartphone, số lượng doanh nghiệp bán hàng trên mạng…
Trong định hướng và các mục tiêu tổng thể của Dự thảo Đề án, cần bổ sung khảo sát các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có khả năng tham gia vào thị trường TMĐT để từ đó, có những giải pháp cụ thể cho từng đối tượng khác nhau tham gia vào thị trường TMĐT.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuấtbổ sung một số chính sách hỗ trợ các hoạt động hậu cần cho TMĐT và phát triển chuỗi cung ứng; chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên môi trường mạng; xây dựng các chương trình truyền thông trên môi trường số…