Vĩnh Phúc : Phản biện Đề án Phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025
Ngày 15/11/2021, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án “Phát triển sự nghiệp y tế và bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đồng chí Dương Thị Tuyến, nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, PCT UBND tỉnh, chủ tịch Hội đồng tư vấn phản biện chủ trì Hội thảo.
Đề án đưa ra 9 giải pháp cần thực hiện trong 3 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2021-2022: Xây dựng, cải tạo sữa chữa các cơ sở y tế; giai đoạn 2023-2025 đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được phê duyệt; giai đoạn 2026-2035 duy trì và phát triển các nhiệm vụ. Phấn đấu 5 đến 10 năm tới, sự nghiệp y tế Vĩnh Phúc phát triển toàn diện đạt chuẩn chung cấp quốc gia và có yếu tố đạt trình độ quốc tế. Xây dựng Vĩnh Phúc trở thành Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao khu vực phía Bắc, có sự liên kết chặt chẽ với các bệnh viện vùng Thủ đô Hà Nội.
Trong đó, một số mục tiêu cụ thể được đưa ra: Phấn đấu đến năm 2025, tăng tỷ lệ thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến (tuyến 2) bình quân tuyến tỉnh đạt 75%, tuyến huyện đạt 50% kỹ thuật tại tuyến, khuyến khích thực hiện kỹ thuật của tuyến trên. Giai đoạn 2021-2025, mức đầu tư cho ngành Y tế tối thiểu 10% trên tổng mức đầu tư của tỉnh, không kể các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh về y tế. Tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân đạt 51 giường bệnh vào năm 2025, đạt 54 giường bệnh vào năm 2030 và 54 giường bệnh vào năm 2035; tỷ lệ bác sỹ trên một dân tương ứng đạt 15 bác sỹ, 16 và 17 bác sỹ vào các năm 2025, 2030 và 2035. Phấn đấu đến năm 2025, đạt tỷ lệ 4 dược sỹ trên một vạn dân, năm 2030 đạt 5 dược sỹ và năm 2035 đạt 6 dược sỹ trên một vạn dân. Đồng thời, duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 75,5 tuổi vào năm 2025, đạt 76 tuổi vào năm 2030 và 76,5 tuổi vào năm 2035; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95,5% vào năm 2030 và từ 97% trở lên vào năm 2035.
Góp ý vào dự thảo Đề án, Các thành viên Hội đồng đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại tên gọi của Đề án sao cho phù hợp với nội dung thực hiện; làm rõ được sự cần thiết tại sao phải xây dựng Đề án trong tình hình hiện nay, đồng thời phải có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, đề án phát triển sự nghiệp y tế của Trung ương, của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là kết quả thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện tại và định hướng đến năm 2030,2035 góp phần bảo vệ và chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngọc Hân