Vĩnh Phúc: Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo Khoa học tư vấn phản biện đối với dự thảo Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Ông Văn Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch Hội đồng tư vấn phản biện chủ trì Hội nghị.
Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn: Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 2,79% (toàn tỉnh là 0,98%), cận nghèo là 4,3% (toàn tỉnh là 1,88%), tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang bị mai một, cần phải được bảo tồn, phát huy.
Nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030. Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giaid đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Góp ý vào dự thảo Đề án, các thành viên Hội đồng tư vấn phản biện đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của cơ quan soạn thảo, đồng thời nhất trí cao và ủng hộ quan điểm xây dựng một đề án chuyên đề nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, cần bổ sung chỉnh sửa và làm rõ: Khái quát chung về tỉnh Vĩnh Phúc và đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua; làm rõ 11 xã theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và 3 thôn không thuộc các xã trong Quyết định của Thủ tướng chính phủ là những thôn, xã nào; cần đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; khu biệt rõ nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án, đồng thời xem xét, cân đối lại nguồn kinh phí thực hiện Đề án…
Kết thúc Hội thảo, ông Văn Tiến Sỹ - Chủ tịch Hội đồng tư vấn phản biện đề nghị cơ quan tham mưu soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Đề án trước khi trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Ngọc Hân