Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 22/02/2013 21:38 (GMT+7)

Vĩnh biệt GS. Georges Condominas

Richard Pottier, chuyên gia về Lào, tác giả cuốn sách được nhiều người biết Ghi chép về Phật giáo dân gian trong môi trường nông thôn Lào, một trong những học trò đầu tiên của Giáo sư Condominas, đã viết về thầy của mình như sau: “Sự ra đi của Georges Condominas với chúng ta không chỉ là mất đi một chuyên gia xuất sắc nhất về Đông Nam Á, mà còn mất đi một người thầy không thể chối cãi của dân tộc học Pháp.

Vậy cái gì đã khiến cho Condominas trở thành một người thầy? Ngay đối với những người như tôi đã từng là học trò thầy, câu trả lời cũng không thể đến ngay trong đầu. […] Tôi có thể nhấn mạnh đến giá trị phát hiện của khái niệm “không gian xã hội” (cũng thường được sinh viên chúng ta dẫn ra và cũng chưa được hiểu đúng với khái niệm “sự kiện xã hội tổng thể”). Có lẽ tôi sẽ trở lại sau, nhưng để nói ngắn gọn, tôi muốn đi thẳng vào cái chủ yếu để tập trung nói về cuốn sách mở đầu cho một sự nghiệp tuyệt vời: tại sao việc ghi chép biên niên về ngôi làng của người Mnông Gar ở Sar Luk lại được tất cả những ai có may mắn đọc nó cảm nhận như là mẫu mực không thể vượt qua của mọi cuộc điều tra dân tộc học? Điều đáng nói là 50 năm sau khi xuất bản, khi đọc lại cuốn sách này, là giá trị thời sự kỳ lạ của sự tiếp cận đã được tác giả thực hiện. Chính tính thời sự đó khiến chúng ta khó mà nhận thức được Georges Condominas đã đem lại cho ta những gì, vì chúng ta phát hiện biết bao điều bên trong những lời dạy của thầy, chúng ta thường có xu hướng coi phương pháp làm việc của thầy là tất nhiên thế, đến nỗi đi đến quên rằng thầy là người đã mở đầu phương pháp đó. Không có tham vọng nói hết, tôi chỉ muốn đặc biệt nhấn mạnh đến ba điểm:

1. G. Condominas đã dạy cho ta sự cần thiết cấp bách phải cấu trúc các dữ kiện. Ông không nói về người Mnông Gar nói chung, hay một xã hội Mnông Gar trên “lý thuyết”. Không bao giờ trong Chúng tôi đã ăn rừng, ta tìm thấy một từ ngữ khái quát như “người Mnông Gar tin rằng”, “theo khái niệm Mnông Gar”.. G. Condominas nói về những người Mnông Gar ông đã gặp và hàng ngày đến làng Sar Luk năm 1949. Làm như vậy, ông tránh được những cái bẫy do việc làm mang tính hàn lâm: làm sao mà không biết rằng quả thật luôn luôn có một khoảng cách giữa những qui chuẩn với thực hành? Làm sao quên được rằng ý nghĩa của lời nói, ý nghĩa của cách ứng xử, ý nghĩa các biểu tượng thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh; rằng hai nhà điều tra cùng đặt ra một câu hỏi không bao giờ cung cấp chính xác một câu trả lời như nhau, và như G. Condominas đã viết trong lời nói đầu, những công thức và những lời cầu nguyện luôn luôn có những dị bản? Cùng với sự biến dị cần thiết của các sự kiện con người, nhà dân tộc học chỉ có thể tìm một cách tránh né duy nhất: mô tả bối cảnh của những quan sát, không phải vì bối cảnh đem lại cho nó một ý nghĩa, mà còn cung cấp cho người đọc phương tiện để tìm đọc một cách khác với cái mình đưa ra.

2. G. Condominas còn dạy cho ta sự cần thiết coi trọng chiều kích phản xạ của điều tra dân tộc học. Điều kỳ lại là (nhưng chúng ta đang ở trong những năm 50 khi ông viết những dòng này) ông đã phải thanh minh: “Có thể người ta sẽ trách tôi đã kể ra những sự can thiệp của mình”. Nhưng không, Condo, chúng tôi không trách ông! (Hãy tha lỗi cho tôi đã nói với ông như tôi đã làm khi ông còn sống, vì tình bạn vẫn còn sống mãi sau khi ông qua đời). Trái lại chúng tôi rất biết ơn ông, vì như ông đã tự giải thích cho chúng tôi để thanh minh, chúng tôi biết, nhờ có ông mà nhà dân tộc học, dù có phải bận rộn “đi tìm theo trình tự khoa học”, “vẫn là một con người như mọi người”, đến nỗi sự có mặt của họ (“dù có kín đáo đến mấy”, ông đã nói rõ), đã làm biến đổi tất yếu những sự kiện được quan sát. Vả chăng, sự có mặt của ông có thật đã kín đáo chưa? Khi ta biết rằng, gạt bỏ sự trung lập của mình, sau vụ tự tử của anh chàng Tieng đẹp trai, ông đã tránh cho Aan-Goá-phụ, là người tình (và là người em trong họ) của anh ta, không trở thành nô lệ của ông già Chaar, khiến ta phải suy nghĩ đến điều ngược lại. Vậy mà sự can thiệp đó bản thân nó đã có nhiều thông tin phong phú: trước hết nó cho ta biết vị thế người ta gán cho ông với tư cách là người ngoài (không phải tự nhiên mà họ gán cho ông một “linh hồn con voi”!) và nó còn cho ta biết hơn về cách thương lượng một “vụ việc”, và cảm nhận được sự công bằng ở những “Người của núi rừng”.

3. Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh, vì có thể ông đã coi nhẹ quá lâu sự đóng góp về lý thuyết của Chúng tôi đã ăn rừng. Dù cho G.Condominas không hề một lần viện dẫn Mauss, chính việc đọc cuốn sách này đã dạy cho chúng ta cách tốt nhất cái mà tôi gọi là “sử dụng tốt” khái niệm “sự kiện xã hội tổng thể”. Người ta thường dễ quên, trong tư duy của chính Mauss, sự tiếp cận từ ngữ “sự kiện xã hội tổng thể” trước hết là một “nguyên lý phát hiện” (Luận về biếu tặng, Nxb Tri thức, 2011). Điều quan trọng không phải là viện dẫn rõ xã hội đều có đa chiều kích, ta có thể luôn luôn nói về một sự kiện xã hội rằng nó là “tổng thể” khiến cho khi nói như vậy, ta không nói được cái gì cả. Điều quan trọng là “quan sát cái thấy ngay. Thế mà, cái thấy ngay, chính là Roma, Athenes, người Pháp hạng trung, người Melanesia của đảo nào đó, chứ không phải là lời cầu nguyện hay luật pháp tự thân” (Mauss, Sđd, tr.438). Điều quan trọng, chính là “nghiên cứu cái cụ thể, tức là cái tổng thể” (Sđd), nghĩa là nghiên cứu các sự kiện con người trong ba chiều kích xã hội, lịch sử và tâm lý, và cái “tổng thể” đó, C. Lévi-Strauss đã nhấn mạnh rất đúng (Dẫn nhập công trình của M. Mauss, trong Mauss, Sđd), chỉ có thể đạt đến sự khảo sát của bản thân từng cá thể. Đấy chính là cái G.Condominas chỉ cho chúng ta trong Chúng tôi đã ăn rừng. Ông cho ta thấy thực tế xã hội Mnông Gar, như nó đã tồn tại ở một nơi cụ thể, ở một thời đại cụ thể, của những người đàn ông và đàn bà có một cơ thể, một cảm xúc, những tính tốt và tính xấu, một câu chuyện cá nhân, những tín ngưỡng và định kiến; những người đàn ông và đàn bà cùng sống với nhau, có những cảm tình và những ác cảm, họ cãi lộn nhau và rồi lại làm lành; những người đàn ông và đàn bà có một tên gọi mà nhà dân tộc học không thể đoán ra những ý định và những tiếc nuối, những niềm vui hay đau khổ, qua những dây liên hệ họ tự buộc lấy nhau; những người đàn ông và đàn bà, dù là “của núi rừng”, vẫn thuộc về một không gian xã hội rộng lớn hơn, vì, mặc dù ông phát triển khái niệm đó hàng chục năm sau, và dù trong thời kỳ ông sống ở Sar Luk người ta chưa thường xuyên nói đến toàn cầu hoá, G. Condominas vẫn không một phút giây quên rằng ông đang làm việc với “những người của thế kỷ XX, bị cuốn vào một hệ thống kinh tế bao phủ cả hành tinh”.

Ngày nay, những con người Baap Can, Krong-Nói ngọng, Aan-Goá-phụ, Tieng đẹp trai, Bbaang-Hươu, Aang-Mắt-cụp, Krong-Joong, Krong-Chột, Yaang-ông mối, Choong-Góa vợ, ddoi-Dloong-thấy pháp, và biết bao người khác cũng quan trọng, tất cả đều đáng mến, mà tôi không nhắc được hết tên, vẫn sống động trong ký ức mọi người chúng ta, và sẽ tồn tại trong tương lai với những ai đã từng đọc Chúng tôi đã ăn rừng: đó là cái khiến cho cuốn sách này trở thành tuyệt tác thật sự của nền dân tộc học Pháp.

* Oscar Salemink (Đại học Copenhaghen): Georges Codominas ra đi là tin buồn cho tất cả những ai quan tâm nghiên cứu văn hoá và xã hội Việt Nam. Là một nhà nhân học, ông được coi là một huyền thoại trong lĩnh vực này ở Pháp và Việt Nam… Con người Condo được nhiều nhà dân tộc học Việt Nam coi là một thực thể nhân học ‘thực sự’, và do vậy là một trong những ảnh hưởng chủ chốt tới nhân học Việt Nam.. Ông đã đứng lên chống lại sự cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương gây nên mâu thuẫn với chính quyền thực dân… Cú sốc trước việc đối xử với những đối tượng nghiên cứu trước đó của ông trong lần thăm lại Sar Luk đầu những năm 1960- bao gồm bắt giữ, tra tấn và giết chóc trong tay Lực lượng đặc biệt Mỹ-đã khiến ông tuyên bố công khai chống lại can thiệp Mỹ ở Việt Nam và chống lại cái ông coi là diệt chủng (ethnocide) - thuật ngữ thông dụng hiện nay được ông sáng tạo đầu tiên trong cuốn L’exotique est quotidien. Ông kiện Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn đã dịch và phân tán bất hợp pháp bài viết của ông để sử dụng cho việc huỷ diệt dân tộc được mô tả trong đó… Condo làm việc và xuất bản trên một loạt chủ đề khác nhau - thần thoại, ngôn ngữ, chế độ nô lệ, sự thành lập Nhà nước, nông nghiệp du canh và định canh - dựa trên nghiên cứu tại các quốc gia và lãnh thổ khác nhau… Mặc những bi kịch, Condo là người tận hưởng cuộc sống ở mức tối đa và trong mức độ nào đó đã biến đời mình thành công việc nghệ thuật… Đối với tôi – cũng như nhiều nhà nhân học Pháp – Condo là người thầy và là nguồn sáng tạo, một người đặc biệt tốt bụng đối với sinh viên và nghiên cứu viên trẻ… Với Condo, một huyền thoại mà cuộc đời trải dài qua các giai đoạn khác nhau của Lịch sử Tây Nguyên đã ra đi.. Thế giới sẽ trống vắng hơn khi không có ông.

* Justin McDaniel (Đại học Pennsylvania): Đây là một ngày buồn không chỉ đối với Việt Nam học mà còn cả với nghiên cứu Lào… Tác phẩm Le Bouddhisme au village của Georg-es Condominas có ảnh hưởng lớn tới học giả phương Tây và học giả Lào.. Ông còn viết về nghệ thuật và khảo cổ học Lào, nghi lễ Phật giáo, Phật giáo và tộc người ở đông bắc Thái Lan và Lào. Ông là học giả nước ngoài duy nhất từng nghiên cứu lịch sử Nam Lào (hầu hết các học giả khác nghiên cứu lịch sử vùng Luang Phrabang và Vientiane). Tôi sử dụng tác phẩm của ông hầu như trong mọi cuộc thi nghiên cứu tiến sĩ về Phật giáo Đông Nam Á.

* Philippe Peycam (Trung tâm Nghiên cứu Khmer): Giáo sư Condominas có vai trò ảnh hưởng không kém ở Campuchia và trong lĩnh vực nghiên cứu Khmer. Condo đã tạo nên một số lượng đáng kể những nghiên cứu làng tiếp theo công trình của ông. Trong số đó phải kể đến Juliette Baccot (nghiên cứu làng Chăm), Jean Ellul (nghiên cứu quản tượng và nghi lễ), Jacqueline Métra (nghiên cứu làng Lovea ở Campuchia), Ang Choulena (nghiên cứu thực hành tôn giáo dân gian) và Mayko Ebihara (nghiên cứu làng Svay của người Khme)… Ảnh hưởng của ông trong việc tạo nên lĩnh vực nghiên cứu Campuchia/Khmer là rất lớn. Ảnh hưởng này đặc biệt đối với sinh viên và giảng viên tương lai, nhất là ở Đại học Nghệ thuật Hoàng gia nơi một số học trò của ông đang giảng dạy.

* Charles Keyes (Đại học Washington): Lần gặp cuối cùng của tôi với Condo là tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ nhất ở Hà Nội. Tôi thu xếp một bữa tối cho một số nhà nhân học trẻ Việt Nam và Condo. Ấn tượng nhất đối với tôi là những học giả trẻ này không chỉ quen thuộc với ít nhất một số tác phẩm của ông mà họ còn coi ông như một tấm gương về học thuật. Sau bữa tối, tôi nói với Condo rằng tôi chỉ mong khi bằng tuổi ông có được sự kính trọng của thế hệ học giả trẻ mà ông rõ ràng nhận được. Sự nghiệp của ông được quan tâm đặc biệt trong triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

* Jérémy Jammes (Giám đốc IRASEC): Chụp ảnh là một phần quan trọng trong công việc của Condo. Năm 2008, tôi đã ở sáu tháng tại Bảo tàng Branly để mở hàng tá hộp xì gà và vali mà Condo đã trao cho bảo tàng này với một kho báu về hình ảnh ở trong.. Hơn 20 nghìn “tư liệu hình ảnh” (ảnh, bản vẽ…) cung cấp bức tranh toàn cảnh các cuộc điền đã mà ông đã thực hiện (ở Việt Nam, Madagascar, Lào)… đây là con đường đi vào thế giới của Condo, hay tái phát hiện công việc của ông và con người.

* David Marr (đại học Quốc gia Úc): Tôi gặp Giáo sư Condominas trong lần đầu tiên tới Paris năm 1969. Ông rất tốt bụng, dẫn tôi về nhà của ông ở nông thôn nơi tôi được thử món pho mát Brie với chất lượng chưa từng thấy. Chúng tôi hầu như chỉ nói về mâu thuẫn đang diễn ra ở Đông Dương bởi tôi vừa dự Hội thảo Hoà Bình Stockholm nơi đoàn đại biểu Mặt trận Giải phóng Dân tộc do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu đã tạo nên ấn tượng. Rất lâu sau, Giáo sư Condominas ghé thăm Đại học Quốc gia Úc trên đường tới Nam Thái Bình Dương, mối quan tâm mới của ông. Ông đã nhiều lần bị lạc trong toà nhà Coombes gồm ba khối lục giác. Condo nói với một giọng đầy truyền thống triết học: “Tôi cho rằng con người chỉ có thể nghĩ về các hướng đông, tây, nam, bắc”.

* Nathalie Gentaz (nhà báo Pháp): Công trình lớn nhất của nhà dân tộc học Pháp này có lẽ là cuốn Chúng tôi đã ăn rừng của thần Gôo, do nhà Mercure de France xuất bản năm 1957, đã được Claude Lévi-Strauss đánh giá cao. Ông đã gọi tác giả là “Proust của ngành dân tộc học” (Proust là nhà văn lớn Pháp đã có ảnh hưởng đến toàn bộ văn học Pháp thế kỷ XX).

Eric Kuoch (nhà báo Pháp chuyên viết về các vấn đề khoa học): Nhà dân tộc học Pháp đó đã nổi tiếng với các công trình viết về các tộc người ở Đông Nam Á, cụ thể là Việt Nam và Campuchia. Công trình lớn nhất của ông có lẽ là cuốn sách viết về người Mnông ở Việt Nam, Chúng tôi đã ăn rừng. Georges Condominas đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về dân tộc học và nhân học vùng Đông Nam Á. Năm 1962, cùng với Lucien Bernot và André-Georges Haudri-court, ông thành lập Trung tâm tư liệu và nghiên cứu Đông Nam Á và Thế giới Đa đảo. Ông cũng công tác với UNESCO, các trường đại học Yale và Columbia, và là tác giả của nhiều công trình. Sau Lévi-Strauss qua đời năm 2009, giới nghiên cứu nhân học và dân tộc học đã mất đi, cùng với Condominas, một nhân vật lớn khác.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.