Vĩnh biệt con người tận tụy với một khát vọng
Giờ đây, những dòng viết về tiểu sử con người sống vừa đủ thời gian để chớm bước vào tuổi “cổ lai hy” (xưa nay hiếm) đã khiến nhiều người kinh ngạc khi liệt kê những chức vụ mà ông đã đảm nhiệm trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các tổ chức phi chính phủ trên lĩnh vực đối ngoại nhân dân cũng như nghề nghiệp và khoa học; cũng như khi liệt kê những chức danh khoa học mà ông đã được phong tặng ở trong và ngoài nước; những công trình khoa học mà nhiều nhất là trên lĩnh vực nông học kèm theo nhiều giải thưởng với vinh dự hàng đầu là giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Lúa thế giới. Còn những ai từng gặp ông đều ấn tượng bởi nét tài hoa thể hiện trong những bài thơ, bức hoạ hay rất niều bài tản văn dành cho giới trẻ của một nhà khoa học v.v.
Tất cả cho thấy sức làm việc và sáng tạo trong một con người có vóc dáng mảnh mai và phong thái tài hoa, điều mà GS.VS Vũ Tuyên Hoàng được thừa hưởng từ thân phụ của mình: nhà văn hoá Vũ Ngọc Phan và thân mẫu là nữ sĩ Hằng Phương.
Nhưng điều gây ấn tượng sâu sắc hơn là người đã đạt tới rất nhiều danh vọng cao xa này lại rất khiêm nhường và dễ gần. Ông hoà mình với các đồng nghiệp trong giới chuyên môn sinh học và nông học. Ông gần gũi với đời sống của người nông dân mà cả đời nghề nghiệp và sáng tạo khoa học của ông luôn hướng về họ. Ông chan hoà với những thành viên trong các cơ quan mà ông là thủ trưởng. Ông nhã nhặn và lịch thiệp trong đối nhân xử thế với những thành viên trong mọi tổ chức mà ông tham gia…
Khi tuổi đã cao, khi người ta có quyền nghỉ ngơi sau một đời đã phấn đấu, thì GS.VS Vũ Tuyên Hoàng lại đứng ra cầm ngọn cờ của giới trí thức tập hợp trong Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam với cương vị là chủ tịch, đến thời điểm này vừa trọng 10 năm của hai nhiệm kỳ liên tục (1999 – 2008).
Tôi ít có dịp gần gũi thời ông đang đảm nhận những cương vị cao trong Đảng hay Nhà nước. Tôi cũng không mấy am hiểu về lĩnh vực chuyên môn của ông. Tôi cũng có được đọc thơ, đọc báo và xem tranh ông. Nhưng điều gây ấn tượng nhiều nhất với tôi là những hoạt động của ông trong Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam , nơi tôi có điều kiện tiếp xúc và làm việc với ông như một thành viên.
Đương nhiên với một tổ chức lớn như Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật, vai trò của tập thể các nhà khoa học của nhiều ngành nghề khác nhau đóng vai trò quyết định. Nhưng tính cách ôn hoà và luôn tỏ rõ nhiệt tâm đối với tất cả những công việc nào có liên quan đến vai trò của trí tuệ là phẩm chất đển GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đảm đương trách nhiệm của mình. Với đặc điểm của một tổ chức nghề nghiệp đa ngành mà tham dự không chỉ có đông đảo đội ngũ mà tập hợp nhiều tên tuổi hàng đầu của giới khoa học và trí thức thì tính cách của người đứng đầu đóng vai trò rất quan trọng.
Trải nghiệm và tạo nên ấn tượng sâu sắc trong tôi, một người hoạt động nghề nghiệp trên lĩnh vực sử học và bảo tồn di sản là thấy được ở nhà nông học Vũ Tuyên Hoàng một tri thức sâu rộng và nhạy cảm khi cùng giới sử học tập hợp nhiều ngành khoa học khác để tổ chức phản biện dự án “thau nước hồ Tây” hay giám định dự án “thành phố hai bờ sông Hồng” và đặc biệt là cuộc vận động rộng lớn để bảo tồn di tích thành cổ Thăng Long tại khu di chỉ 18 Hoàng Diệu, Hà Nội. Nhiều việc làm của giới khoa học được xã hội đánh giá cao như những phản biện cho các công trình thế kỷ như thuỷ điện sông Đà hay đường Hồ Chí Minh thời đổi mới… đều có dấu ấn của vị Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam . Ông điều khiển các cuộc họp hay hội thảo về những vấn đề hệ trọng này với một sự sắc sảo và quyết liệt nhưng lại ẩn trong một phong cách tỏ ra chậm rãi, nhã nhặn, có phần mộc mạc và đôi khi hài hước nữa.
Vậy mà, chỉ ngót một tuần trước ngày GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đột ngột ra đi, ông còn chủ trì một cuộc họp Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Chủ đề cuộc họp là bàn về chủ trương cải thiện trụ sở làm việc của Liên hiệp. Được tham dự cuộc họp ấy, tôi nhận thấy tâm trạng của ông có những bức xúc khác thường. Bằng một giọng nói đầy tâm huyết và xúc động, ông nói về những khó khăn, thiệt thòi của giới trí thức, đặc biệt là giới khoa học hình như chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức. Ông so sánh với những tầng lớp xã hội hay tổi chức chính trị khác mà tình trạng nghèo nàn cơ sở vật chất, trong đó có trụ sở làm việc của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật là một bằng chứng. Ông nói về những năm tháng cùng anh em “chạy” khắp mọi cửa, tìm kiếm nhiều phương án để khắc phục để mãi đến nay mới le lói hy vọng. Để tìm cách cải thiện không gian làm việc của Liên hiệp, có lúc ông đã phải tìm đến phương án liên doanh với một doanh nghiệp để tìm nguồn đầu tư và những phương thức hợp tác mà theo ông có lợi cho Liên hiệp. Đúng là trên lĩnh vực tính toán hơn thiệt những giá trị kinh tế, Giáo sư Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng chưa phải là người sành sỏi. Nhưng ai cũng thấy nhiệt tâm của ông đối với con đường phát triển của đội ngũ, tổ chức của giới trí thức. Chính nỗ lực của ông và các đồng sự đã thuyết phục được Nhà nước cấp cho một mặt bằng đáng kể để xây trụ sở ở trung tâm đô thị mới.
Quả thật, tôi thấy mủi lòng khi nghe vị chủ tịch tuổi đã cao phân bua với các đồng nghiệp thân thiết của mình rằng đừng có ai hiểu lầm những động cơ của ông khi lăn lưng vào việc đất cát, nhà cửa đầy khó khăn và cạm bẫy… Ở ông dường như trào lên một niềm tự ái khi thấy giới khoa học chưa đáp ứng những gì cần được đáp ứng trong một xã hội văn minh. Ông nhắc lại những điều bức xúc của ông một cách thẳng thắn với các vị lãnh đạo cao cấp chỉ để cho giới trí thức có được cơ hội và điều kiện phụng sự đất nước nhiều hơn nữa.
Tôi tin chắc tất cả những người dự cuộc họp ấy mà nhiều người như tôi là lần gặp cuối cùng đều giữ mãi ấn tượng sâm đậm về GS.VS Vũ Tuyên Hoàng. Xin vĩnh biệt một con người suốt đời tận tuỵ với một khát vọng huy động được những tiềm năng tri thức để phụng sự Tổ quốc mà chính ông là một tấm gương.
Nguồn: Thế giới mới, số 774, 3/2008, tr 17