Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 07/05/2007 21:10 (GMT+7)

Vĩnh biệt anh Đặng Mộng Lân - một nhà vật lý khiêm nhường và tâm huyết

Anh Lân sinh năm 1934 tại Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Năm 1947, anh đỗ thủ khoa vào trường thành chung Nguyễn Khuyến, Nam Định, một trường trung học có tiếng ở miền Bắc lúc bấy giờ. Tốt nghiệp trường này, anh lên Hà Nội học tiếp ở trường Chu Văn An. Nhận bằng tú tài toán toàn phần năm 1954, theo tiếng gọi của Tổ quốc, mặc dù đã thi đỗ vào trường cao đẳng Sư Phạm (tiền thân của trường Đại học Tổng hợp và Sư phạm ngày nay), anh đã bỏ không học mà đi thanh niên xung phong, sau đó làm giáo viên văn - sử - địa ở trường Đại học Kinh tế Tài chính (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) khi trường này mới thành lập. Mãi tới năm 1957, anh mới được cử đi học và đã đỗ thủ khoa vào Khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là một trong số những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất khóa đó, nguyện vọng của anh là được ở lại trường tiếp tục nghiên cứu vật lý lý thuyết, nhưng tổ chức phân công anh về Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước làm công tác quản lý ở Ban Toán Lý. Trong suốt 10 năm công tác ở ban này, anh đã tranh thủ tự học thêm về vật lý và đã công bố được nhiều bài báo trên tập san “Toán Lý”. Ngoài ra, anh còn tham gia và làm thư ký của nhóm biên soạn Từ điển Vật lý mà sau này anh và anh Ngô Quốc Quỳnh đã chỉnh lý lại và cho xuất bản thành cuốn “Từ điển Vật lý Anh - Việt” được nhiều thế hệ các nhà vật lý nước ta sử dụng hiệu quả. Năm 1970, anh lại được điều sang Viện Thông tin KHKT. Vốn ham học và giỏi ngoại ngữ, anh nhập cuộc rất nhanh và chẳng bao lâu sau anh đã trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này. Anh đã biết những bài giảng đặc sắc về lịch sử khoa học thế giới, tham gia nhiều dự án về thông tin và khoa học dự báo và đã cho xuất bản cuốn sách “Khoa học và công nghệ đầu thế kỷ XXI” (NXB Trẻ, 1999). Do kiến thức của anh rất sâu rộng và toàn diện nên những cuốn sách và bài báo dù chỉ là để phổ biến kiến thức mà vẫn rất sâu sắc từ lĩnh vực vật lý học cho tới kinh tế tri thức. Nhưng trong sâu thẳm trái tim anh, tình yêu mãnh liệt nhất và những suy tư trăn trở nhất anh vẫn dành cho những vấn đề cốt lõi của vật lý học.

Mặc dù không có điều kiện dành trọn vẹn thời gian và tâm sức cho vật lý, nhưng anh vẫn tranh thủ tự học, vẫn theo dõi sát sao những thành tựu mới nhất và anh còn làm cả nghiên cứu cơ bản nữa. Có lúc vui, anh nói đùa với tôi, anh không thích làm kiểu “thợ vật lý lý thuyết” chỉ thêm bớt vào phương trình đôi ba số hạng bổ chính, cắm đầu tính toán rồi công bố ở đâu đó, một công việc thật là tẻ nhạt. Những công trình nghiên cứu của anh Lân không thật nhiều, nhưng đều đề cập đến những vấn đề thực sự cơ bản. Là người am hiểu sâu sắc lịch sử vật lý mà đặc biệt là lịch sử phát triển của vật lý lượng tử, anh Lân vẫn trăn trở không nguôi câu hỏi Bohr đúnghay Einstein đúngtrong việc giải thích cơ học lượng tử. Những người theo đuổi quan điểm của Einsten thưa vắng dần, nhưng những người còn lại vẫn âm thầm nghiên cứu theo đuổi đến cùng. Và anh Lân theo rất sát những thành quả nghiên cứu của họ. Ngay từ đầu những năm 1970, anh thuộc trong số những người đầu tiên nghiên cứu sự phi tuyến hóa phương trình cơ bản của cơ học lượng tử, tức phương trình Schrodinger. Mặc dù cách tiếp cận của anh còn đơn giản nhưng bằng trực giác và qua quá trình nghiền ngẫm anh là người đầu tiên gọi trạng thái các hạt cơ bản là soliton, một khái niệm mà sau này được dùng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của vật lý. Kết quả này đã được công bố trong số đầu tiên của tạp chí “Toán Lý”. Và công trình mới đây nhất của anh với tiêu đề Một cách tiếp cận thể lượng tử cho phương trình Schrodingerhấp dẫn và sự quy nó về phương trình Lane – Endemchỉ số 2, đã được đăng trong số 38, tập 14, tháng 12/1999 của tạp chí “Modern Physics Letters”, một tạp chí vật lý có uy tín của thế giới, trong đó anh muốn vạch ra một ranh giới giữa vật lý vi mô và vĩ mô, mở ra khả năng ứng dụng phương trình này trong vật lý thiên văn. Trong công trình đó anh đã giải được một phương trình vi phân phi tuyến phức tạp nhờ tìm ra mối liên hệ của phương trình đó với một phương trình khác đã được giải. Tuy nhiên, khách quan mà nói, những đóng góp chủ yếu của anh Lân là trong lĩnh vực thông tin và phổ biến kiến thức mà tiêu biểu nhất là cuốn sách “Câu chuyện về các hằng số vật lý cơ bản”. Theo tôi, đây là cuốn sách phổ biến khoa học hay nhất ở nước ta từ trước tới nay. Các sách loại này của ta thường mô phỏng theo hoặc rút gọn một quyển sách nào đó của nước ngoài, vì vậy chúng không có hồn, không có dấu ấn của tác giả qua những ý tưởng riêng. Trái lại, cuốn sách của anh Lân là kết quả của sự trăn trở, nghiền ngẫm và suy tư nhiều năm về những vấn đề cốt lõi của vật lý học cùng với những vấn đề triết học của nó. Chúng ta đều biết rằng mỗi hằng số vật lý cơ bản đều gắn liền với một phát minh hay một định luật vĩ đại của vật lý và vì vậy chúng là những cái mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của vật lý học. Do vậy, riêng việc chọn viết về các hằng số vật lý để thông qua đó trình bày lịch sử phát triển của vật lý học đã là một đóng góp độc đáo của tác giả. Cuốn sách lôi cuốn độc giả ngay từ trang đầu tiên nhờ cách đặt vấn đề hấp dẫn và trình bày dí dỏm. Mỗi hằng số đều được trình bày trong bối cảnh nghiên cứu gay gắt về nhận thức và triết học. Và cứ mỗi lần có những thay đổi căn bản trong vật lý học, các hằng số vật lý cơ bản lại có những ý nghĩa mới mẻ và sâu sắc hơn. Điều đặc biệt muốn nói nữa, đó là sự nhạy cảm của tác giả trong việc lựa chọn và đưa vào cuốn sách những vấn đề “của tương lai”. Đã hơn 29 năm trôi qua từ ngày cuốn “Câu chuyện về các hằng số vật lý cơ bản”ra đời, nhưng những vấn đề còn chưa ngã ngũ đó, chẳng hạn vấn đề hạt chuyển động nhanh hơn ánh sáng (tachyôn) vẫn còn nguyên tính thời sự. Hơn thế nữa những dự báo trong cuốn sách như khả năng biến thiên của các hằng số vật lý theo thời gian, hiện đã có những tín hiệu thực nghiêm đầu tiên xác nhận (xem “Tia sáng” số tháng 12 năm 2001). Đúng như ý kiến của giáo sư Lê Minh Triết đăng trên tạp chí “Khoa học và Tổ quốc”: “Hiếm có một cuốn sách phổ biến khoa học nào lại sâu sắc và phổ cập như cuốn “Câu chuyện về các hằng số vất lý cơ bản”. Dù 29 năm đã trôi qua, nội dung cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị”. Trong một lần tâm sự, nhà thơ Lê Đạt, một người ngoại đạo nhưng rất mê vật lý, cũng nói rằng ông rất thích quyển sách này. Có thể những công trình về thông tin và dự báo của anh Lân sẽ dần bị lãng quên, nhưng cuốn Câu chuyện về các hằng số vật lý cơ bản của anh chắc chắn sẽ vượt được sự thử thách nghiệt ngã của thời gian. Tôi nhắc anh nhiều lần, cuốn sách in đã lâu, nay nên biên tập sửa chữa lại và cho tái bản. Nhưng rồi những cuốn sách khác, những dự án khác đã lôi cuốn anh và bây giờ thì muộn mất rồi...

Anh Lân rất quan tâm tới hoạt động phổ biến khoa học. Trong nhiều năm anh làm Thư ký toàn soạn, rồi Phó Tổng biên tập, Tổng Biên tập của tạp chí “Vật lý ngày nay”thuộc Hội Vật lý Việt Nam. Kinh phí eo hẹp lại không có nhân viên, anh vừa phải tập hợp bài vở, vừa đi thuê chế bản, thuê in và cả phát hành nữa. Thiếu bài đâu là anh tự dịch hoặc viết để bù cho đủ. Ở tuổi 70, vượt lên trên mọi hư danh, an vẫn miệt mài làm việc, viết báo, viết sách, tổ chức các xêmina phổ biến kiến thức, tham gia các hội nghị khoa học...

Mấy năm gầy đây anh Lân rất quan tâm đến khía cạnh nhân văn của khoa học. Anh đã đứng ra tập hợp và làm chủ biên bộ sách “Khoa học và Nhân văn”. Sách đã ra được hai tập được bạn đọc rất hoanh nghênh. Tập thứ ba vừa tập hợp xong bài vở thì anh ngã bệnh. Gặp tôi lần nào anh cũng say sưa nói về tập sách và dự định sẽ lần lượng cho ra tiếp những tập sau. Vào những lúc sức khỏe đã yếu nhiều, nằm trên giường bệnh, anh vẫn đọc lại, biên tập và sửa chữa tất cả các bài trong tập sách. Tiếc thay khi anh ra đi, sách còn đang in, không kịp để anh nhìn thấy đứa con tinh thần mà anh đã trăn trở hoài thai. Lại nhớ tới chuyện khi anh chuẩn bị lên bàn mổ thì quyển “Albert Einstein và sự tiến triển của vật lý học hiện đại”,tập hợp những bài viết nhân năm vật lý quốc tế 2005, cũng đang ở nhà in. Thật may, chiều hôm trước ngày anh lên bàn mổ, nhà xuất bản báo sách đã ra, tôi vội tới ngay lấy mang đến cho anh. Trông dáng anh sốt ruột đứng đợi ở hành lang bệnh viện và nỗi vui mừng của anh khi nhìn thấy cuốn sách, nước mắt tôi muốn ứa ra.

Thời gian cuối, anh Lân nằm ở bệnh viện Việt – Pháp. Tôi đưa nhà thơ Lê Đạt tới thăm anh. Anh rất vui và thông báo rằng Tạp chí “Modern Physcics Letters” vừa nhận đăng một bài báo mới của anh mà không cần phải sửa chữa gì cả. Đó là một công trình tiếp tục những ý tưởng trước đây của anh, nhưng thu được những kết quả khá thú vị về lỗ đen, nhưng với một cách tiếp cận khá đơn giản. Nhìn gương mặt anh rạng rỡ, đôi mắt còn rực sáng, tôi biết anh còn tràn đầy khát vọng sống, khát vọng cống hiến cho khoa học, cho đồng bào mình, tôi thấy thương anh vô hạn. Nay thì anh đã ra đi một cách khiêm nhường như chính con người anh, để lại biết bao dự án còn dang dở.

Viết những dòng này lòng tôi luôn thầm cầu chúc cho anh yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng, thỏa sức phiêu diêu trong không - thời gian bao la vô tận để tìm kiếm cái chân lý cuối cùng của vũ trụ.

Hà Nội, 5/2007

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.