Viết tiếp về “Cặp sách cứu sinh” - giải xuất sắc Nhà sáng chế trẻ quốc tế
Mối quan tâm không chỉ của Việt Nam
Ban tổ chức cho biết, rất nhiều báo chí của Đài Loan đã đưa tin về chiếc cặp sách cứu sinh trong đợt triển lãm. Đài truyền hình Đài Bắc đã ba lần phỏng vấn em Hiếu. Điều này chứng tỏ trẻ em chết đuối không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của rất nhiều nước trên thế giới.
Được biết, năm ngoái, trên thế giới có khoảng 7.000 trẻ em chết đuối. Ở Việt Nam , tỷ lệ trẻ em bị chết đuối cao gấp 10 lần so với các nước phát triển khác.
Ý tưởng cặp sách cứu sinh của cậu bé 14 tuổi nảy sinh sau em khi biết mấy chục học sinh bị chết đuối do chìm đò ở Chôm Lôm, Nghệ An, ở Thanh Thủy, Phú Thọ.
“Gia đình em có một xưởng sản xuất áo phao, em nghĩ tại sao mình không thử chế tạo cặp sách có tác dụng như một cái phao để giúp các bạn khi đến trường không bị thiệt mạng trong những tai nạn thương tâm như thế nữa”, Hiếu tâm sự.
Hiếu và chiếc cặp sách cứu sinh đoạt giải. |
Khác với chiếc cặp thông thường, bên trong cặp phao cứu sinh được trang bị hai tấm xốp làm từ vật liệu polyuretan như một vật tạo sức nặng. Ở hai quai đeo vai cũng được trang bị hai tấm xốp vừa làm tăng khả năng nổi của cặp, vừa làm giảm tải trọng của chiếc cặp tì lên vai các bạn học sinh khi đi học.
Nhờ có kết cấu này, khi bị rơi xuống nước, vật tạo sức năng khiến cho chiếc cặp có tác dụng như một chiếc phao để đỡ cơ thể của học sinh nổi lên trên mặt nước trong khi chờ cứu hộ khiến cho khả năng sống sót của các em cao hơn.
Cặp sách cứu sinh còn được làm bằng các màu sắc sặc sỡ như vàng, cam, đỏ, xanh nõn chuối, trên quai đeo còn có tấm phản quang, điều này giúp chiếc cặp dễ nhận biết trong môi trường sông nước, có tác dụng hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn khi có tai nạn xảy ra.
Người nghèo chưa đủ tiền mua
Được biết, đến nay, đã có khoảng một vạn cặp phao cứu sinh được sản xuất, nhưng hầu hết là theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp tổ chức mua để phát tặng cho các học sinh vùng sông nước. Trong số này có các đơn vị như: Viettel mua 4.000 chiếc, Ngân hàng Liên Việt mua gần 1.200 chiếc, Cục Đường sông thuộc Bộ Giao thông Vận tải mua 3.000 chiếc... Theo ông Huy, chưa có một học sinh nào bỏ tiền ra để mua cặp dùng. |
Anh Phạm Quang Huy, bố dượng của em, cũng là người “biến” ý tưởng của em thành sản phẩm cặp sách cứu sinh cho biết, chiếc cặp này có giá khoảng 120 đến 130 nghìn đồng, cao hơn chiếc cặp sách thông thường một ít, vì nếu mua những vật liệu rẻ tiền để sản xuất sẽ không phát huy được chức năng của một chiếc phao khi học sinh gặp nạn.
Nhưng ông Huy cho rằng, giá một chiếc phao cứu sinh thông thường từ 140 đến 150 nghìn đồng, loại tốt có thể lên đến 500 nghìn đồng. Còn một chiếc cặp tốt học sinh cũng phải mua với giá 100 nghìn đồng. Một học sinh vừa mang phao, vừa mang cặp phải chi phí ít nhất 240 nghìn đồng. Với sản phẩm cặp sách cứu sinh hai trong một, các em có thể tiết kiệm được khá nhiều tiền.
Tuy nhiên, ông Chu Văn Quyến, Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) cho rằng, cặp sách cứu sinh được dùng cho học sinh nghèo sống ở những vùng sông nước, nên việc hạ giá thành sản phẩm để tất cả các em học sinh thuộc đối tượng này đều có thể sở hữu một chiếc cặp cứu sinh đang là vấn đề được đặt ra.
Việc giá thành chiếc cặp phao cứu sinh còn cao, theo ông Quyến là do sản phẩm chưa được sản xuất hàng loạt. Nếu nhiều doanh nghiệp và cả xã hội cùng chung sức để đưa sản phẩm ra sản xuất đại trà, hạ giá thành chiếc cặp xuống còn khoảng 30 đến 40 nghìn đồng, thì lúc đó những người nghèo mới đủ tiền mua cặp.
Đúng như nhận xét đại diện của Ngân hàng Liên Việt, cặp phao cứu sinh không chỉ là sản phẩm “hai trong một” (vừa là cặp, vừa là phao), mà phải là sản phẩm “ba trong một” (thêm tình yêu thương đùm bọc). Có như vậy, chúng ta mới đưa được sáng chế độc đáo của em Hiếu đến với những học sinh đang tuổi đến trường như em nhưng đang phải đối mặt với nguy cơ tử thần trong mùa lũ.