Việt Nam: một trong 10 nước trên thế giới có diện tích trồng rừng lớn nhất
Châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu là các châu lục được LHQ công nhận có tốc độ phát triển rừng bền vững. Theo số liệu của FAO, trong 5 năm từ 2000 đến 2005, châu Á-Thái Bình Dương đã trồng lại được 0,56 triệu héc-ta rừng mỗi năm, góp phần bù lại 0,92 triệu héc ta rừng tự nhiên bị mất mỗi năm hồi cuối thế kỷ trước.
Sáu trong số 10 nước trên thế giới có diện tích trồng rừng lớn nhất là các nước châu Á gồm Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc.
FAO cũng đánh giá cao nỗ lực của các nước châu Á-Thái Bình Dương trong việc cải cách các điều luật liên quan tới rừng, đặc biệt là chính sách giao đất rừng và rừng cho các hộ gia đình và các tổ chức xã hội. Những nỗ lực này đã khẳng định những cam kết chính trị của các nước trong khu vực đối với quá trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Tuy nhiên, FAO cũng cảnh báo diện tích rừng tính trên đầu người của khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục giảm và cho đến năm 2005 chỉ còn chưa đầy 0,2 héc-ta rừng trên một đầu người. Trong 5 năm qua, hơn 5,68 triệu héc-ta rừng tự nhiên đã bị tàn phá để lấy đất phát triển nông nghiệp, đặc biệt ở các nước Đông Á.
Tốc độ phá rừng tự nhiên lên tới 0,8 triệu héc-ta/năm là đáng báo động đối với khu vực này, góp phần làm gia tăng các loài động thực vật có hại tàn phá rừng và nông nghiệp, đồng thời gây bệnh cho con người. Thiệt hại này ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD đối với toàn khu vực trong 5 năm qua.
Nguồn: TTXVN; tuoitre.com.vn 20/4/2006