Việt Nam chế tạo máy lọc bụi, ngăn ngừa H7N9
Nằm trong khuôn khổ Nghị định thư giữa Việt Nam và Liên bang Nga, các nhà khoa học của Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) đã cùng nghiên cứu chế tạo thiết bị Thanh Phong từ năm 2011 và đến nay đã đạt được thành công.
Đây là máy lọc không khí, gồm nhiều tầng lọc: lọc thô (lọc được hạt bụi nhỏ cỡ 0,5 micromet), lọc bằng sợi polieste tẩm nano bạc (diệt được phần lớn vi khuẩn trong không khí, làm cho vi khuẩn không thể khư trú), lọc cao áp (dùng hiệu điện thế đến 10kV, hút các hạt bụi nhỏ), lọc bằng xúc quang hóa (dưới tác dụng của tia tử ngoại, cá phân tử phân giải nước và cacbonic, nên sẽ tiêu diệt vi khuẩn), lọc bằng than hoạt tính (hấp phụ các chất gây mùi)...
Công nghệ lọc xúc tác quang hóa (hiệu ứng tạo ra phản ứng oxi hóa khử trên lớp bột Đioxit Titan) được tìm ra từ những năm 1972. Nhưng vấn đề là làm bộ phận “gắn” công nghệ này có hiệu quả lớn nhất.
Kết hợp với các nhà khoa học Nga, PGS.TS Nguyễn Hoài Châu, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã chế tạo thành công các modul lọc không khí, mà chỉ phải nhập các thiết bị ngoại với giá thành thấp hơn 10% sản phẩm (một chiếc máy Thanh Phong dùng cho gia đình có giá khoảng 5,5 triệu đồng).
Khi kiểm nghiệm tại cơ quan đo lường, lượng bụi, vi khuẩn, nấm mốc qua thiết bị Thanh Phong giảm hơn 97% sau mỗi lần lọc. Như vậy, khi ở trong phòng, không khí quay vòng như vậy, sau mỗi lần lọc, sẽ ngày càng tinh khiết hơn.
Thiết bị còn ngăn ngừa, tiêu diệt virus H7N9, H5N1, H1N1, SARS, corona, vi khuẩn lao...Đây là thiết bị rất thích hợp sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện, nhà ga, phòng làm việc trong công sở, trường mầm non, phòng ngủ, buồng cấy giống, lên men...
PGS.TS Nguyễn Hoài Châu cho biết, sắp tới, ông và cộng sự ở viện Hàn lâm KHCN Việt Nam sẽ tiếp tục ứng dụng Vật lý để tạo ra các sản phẩm phục vụ người dân tốt hơn nữa.
Hoàng Tuân