Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 28/01/2008 15:22 (GMT+7)

Vị giáo sư hơn 50 năm "làm bạn" với trẻ em

Nghiêm khắc khi "đi buồng"...


Căn nhà rộng, ấm cúng trên phố Hàng Bài, nơi GS. Chu Văn Tường cùng phu nhân và các con, cháu sống quây quần "tứ đại đồng đường" bên nhau từ nhiều năm nay, như càng trở nên ấm áp hơn, đông hơn vì những ngày này luôn có tiếng nói của các học trò cưng đến thăm hỏi sức khỏe thầy, bởi GS. Tường đang đổ bệnh - căn bệnh của những người đã vào tuổi "thất thập cổ lai hy" thường gặp khi trái gió, trở trời. Có bệnh, ấy vậy nhưng ông vẫn dành thời gian để chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện đời, chuyện nghề y, nhất là chuyên ngành nhi khoa mà ông đã gắn bó, đeo đuổi và yêu thương "nó" 60 năm qua... Trong đó, câu chuyện mà ông kể say sưa nhất, tự hào nhất vẫn là "nhà tôi có thể thành lập bệnh viện tư nhân được đấy, vì 9 người con dâu, rể và cháu nội, ngoại đang tiếp bước tôi làm việc trong ngành y ở các chuyên khoa khác nhau. Nội, ngoại, sản, nhi, rồi kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, dược sĩ đều có cả".


GS. Chu Văn Tường kể rằng, ông đến với nghề y như một định mệnh của số phận. Số là, cách đây hơn 60 năm về trước, khi đó, cậu học sinh năm cuối Trường Bưởi, Chu Văn Tường về quê ở Phú Xuyên, Hà Tây thăm mẹ và em nhân ngày nghỉ, nhưng niềm vui chưa tròn, cậu đã thấy mặt mẹ buồn thiu bên cạnh em trai đang ốm, người gầy rộc vì bị tiêu chảy. Hai ngày sau, người em trai qua đời vì những kiêng khem theo quan niệm truyền thống và thiếu thông tin về cách chữa trị. Nhìn cảnh người mẹ như "quỵ" hoàn toàn và khóc nấc lên, rồi đứa em trai nằm đó bất động, cậu học sinh Chu Văn Tường đã quyết tâm phải thi đỗ trường y, để thành bác sĩ, mà nhất định phải là bác sĩ nhi để mang lại sức khỏe cho những đứa trẻ không may bị bệnh tật...


Ra trường, được vào làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, hằng ngày bác sĩ trẻ Chu Văn Tường và các đồng nghiệp phải khám bệnh cho rất nhiều cháu nhỏ. Khi đó, ở BV Bạch Mai, nhân lực về chuyên khoa nhi rất ít, có những ngày bệnh nhân đông quá, không đủ giường bệnh, các cháu nhỏ đã phải nằm nguyên trên cáng... Chính vì thế, bác sĩ trẻ Chu Văn Tường cùng một số đồng nghiệp đã tích cực đề xuất ban lãnh đạo BV tách Khoa Nội thành lập chuyên Khoa Nhi. Không chỉ được lãnh đạo BV ủng hộ mà bác sĩ Tường còn được tin tưởng giao làm Chủ nhiệm Khoa Nhi đầu tiên của Hà Nội thời đó. Năm 1968, Viện Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trẻ em (tiền thân của Viện Nhi TW) được thành lập, GS. Chu Văn Tường trở thành Viện trưởng đầu tiên của Viện. Đến năm 1980, Viện Nhi được chuyển về BV Nhi Thụy Điển, GS. Tường vừa làm Viện trưởng kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Nhi của Trường ĐH Y Hà Nội.


Là người rất nghiêm khắc với đồng nghiệp và cấp dưới, nên hồi còn là Viện trưởng Viện Nhi TW, GS. Chu Văn Tường luôn thường xuyên "đi buồng". Vốn rất điềm đạm và ít nói to, nhưng có lần "đi buồng", thấy một trường hợp bệnh nhân bị uốn ván nặng, hỏi y tá cụ thể thế nào, điều trị ra sao, nhưng y tá đó không nắm được, ông đã yêu cầu cô nghỉ làm một thời gian để kiểm điểm lại công tác chuyên môn. Sau "sự kiện" này, các y bác sĩ cũng như nhân viên y tế ở Viện Nhi TW đã rút kinh nghiệm, luôn nắm rất chắc tình hình bệnh nhân ở buồng bệnh mình đảm trách.


Và những chẩn đoán chính xác giành lại sự sống cho bệnh nhi...


Mỗi khi khám bệnh cho các cháu nhỏ, GS. Chu Văn Tường thường rất tỉ mỉ và cẩn thận. Với ông không có gì vui bằng khi phát hiện ra một chi tiết nhỏ, một biểu hiện mới để chẩn đoán đúng bệnh nhằm điều hòa quy luật chữa trị hiệu quả cho bệnh nhi...


Nhiều thầy thuốc ở Khoa Tiêu hóa, BV Nhi TW vẫn nhớ chuyện xảy ra từ vài năm trước của một bệnh nhi bị nhiễm khuẩn huyết rất sớm, khi được đưa đến BV, bệnh của cháu bé đã rất nặng và có nguy cơ không qua khỏi. Thế nhưng qua thăm khám và bằng kinh nghiệm lâm sàng của người thầy thuốc đã trải qua nhiều trường hợp bệnh nhi mắc căn bệnh khó, GS. Chu Văn Tường khẳng định "đứa trẻ này bị mắc bệnh lao bẩm sinh". Sau khi y tá của khoa đến tận nhà bệnh nhi hỏi, kết quả đúng là gia đình đứa trẻ xấu số có tiền sử bệnh lao và người mẹ của bệnh nhi đã được khuyên nên đến Viện Lao chữa trị. Rồi có trường hợp một bệnh nhi bị viêm gan, thiếu máu, người gầy đét, đã được chẩn đoán ung thư gan, nhưng sau vài lần thăm khám, GS. Chu Văn Tường "buông" một câu "trường hợp này có thể chỉ bị tắc tĩnh mạch trên gan". Câu nói ngắn gọn của ông đã như một liều thuốc "nâng đỡ tinh thần" cho người mẹ đứa trẻ bởi chị đã suy sụp hoàn toàn khi sống trong nỗi ám ảnh mất đứa con thân yêu. Đứa trẻ được đưa đi mổ. Tròn một tuần sau, điều kỳ diệu nhất đã xảy ra: người mẹ kia được ôm con về với nụ cười viên mãn...


Ngoài làm việc chuyên môn của một bác sĩ, ông còn say mê nghiên cứu khoa học về chuyên ngành nhi. Đến nay, "tài sản" ông tích lũy được là gần 70 công trình nghiên cứu khoa học mà ông chủ trì hay tham gia với cộng sự đều mang ý nghĩa xã hội cao như suy dinh dưỡng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, tai nạn thương tích ở trẻ em... Đặc biệt, tại hội nghị về tai nạn trẻ em được tổ chức ở Australia , bản tham luận về đề tài này của ông đã được các đồng nghiệp nước ngoài đánh giá cao. Bên cạnh đó, nghiên cứu của ông về các bệnh dễ gây tử vong nhất cho trẻ em và tiêu chảy, suy dinh dưỡng là công trình có giá trị khoa học và thực tiễn lớn, đem lại cho ông Giải thưởng Nhà nước năm 2000. Ngoài ra, còn hàng chục cuốn sách do ông chủ biên hoặc làm chung với các cộng sự, đã, đang là những tài liệu giống như "kim chỉ nam" cho các bác sĩ nhi khoa.             


Hơn nửa thế kỷ làm người "chèo đò" trên giảng đường Trường đại học Y Hà Nội,  ở tuổi 86 bây giờ, GS. Chu Văn Tường không còn nhớ nổi số sinh viên mà ông đã trực tiếp giảng dạy, rồi những thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa về chuyên ngành nhi mà ông hướng dẫn, nhưng ông luôn tự hào là không ít học trò của ông đã thành giáo sư, tiến sĩ và đang giữ những vị trí chủ chốt của chuyên ngành nhi, tiếp bước thầy chăm lo sức khỏe cho những "mầm non" của đất nước. Thế nhưng, vị giáo sư già - cây đại thụ ngành nhi - Chu Văn Tường vẫn có nhiều trăn trở về thực trạng hiện nay : sinh viên theo học chuyên ngành nhi khoa cứ giảm dần, rồi nhiều bác sĩ trẻ không muốn theo ngành nhi vì ngại khó khăn, vất vả... đã khiến các BV chuyên ngành nhi khoa, nhất là BV tuyến dưới thiếu bác sĩ nhi trầm trọng...


Với những đóng góp của mình cho khoa học, cho chuyên ngành nhi khoa gần 60 năm qua, GS. Chu Văn Tường đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng của Đảng và Nhà nước như Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huân chương Lao động hạng Nhì và danh hiệu cao quý: Nhà giáo nhân dân...


Nguồn: suckhoedoisong.vn (07/01/08)

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.