Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 08/03/2006 14:26 (GMT+7)

Vị "ẩn sĩ" đi trước thời cuộc

Người ta không hiểu tôi…

Ngay ở lần trao giải đầu tiên (năm 2000), đã xôn xao tin đồn ông là “ứng viên số 1” trong số các công trình nông ngư nghiệp. Cuối cùng trật lấc. Một người bạn của ông - GS nông học Bùi Huy Đáp và một học trò của ông - Anh hùng Lao động, GS.TS. Trần Hồng Uy lại giật giải. Ông không ngỡ ngàng. Khi tôi gọi điện đến nhà, ông nói: Người ta không hiểu công trình của tớ… Thực ra trước đây, trong ngành một số vị có uy tín đã bắn tiếng: Ông ấy nghiên cứu những thứ to tát, xa xôi quá. Đi tranh giải Nobel có khi trúng. Ông chỉ cười. Công trình của ông quả là môt “núi” thông tin, và tôi đồ rằng trong lịch sử ngành nông nghiệp nước nhà chưa ai bỏ ra đúng nửa thế kỷ, từ 1955 đến nay, để theo đuổi một công trình mà bị đồng nghiệp cho là “xa xôi”. Ông là con trai của nhà văn hoá Đào Duy Anh. Những tưởng con theo nghiệp văn chương, ngồi tựa Truyện Kiều nên cha đã hướng cho ông kiến thức nho học. Đùng cái năm 15 tuổi (1946) ông bỏ nhà đi theo cách mạng, rồi 1953 đang trong quân ngũ thì có giấy gọi đi học nông nghiệp tại Đại học Tashkent(nước Cộng hoà Uzbekistan thuộc Liên Xô cũ). Ở đây, ông đã trở thành “hiện tượng kỳ lạ” khi vừa học đại học vừa làm luôn nghiên cứu sinh. Trước đó ở Liên Xô chưa có ai, đặc biệt ông lại là sinh viên một nước “thế giới thứ ba”. Năm 1958, ở tuổi 27 ông “ôm” cả bằng tốt nghiệp đại học xuất sắc lẫn bằng tiến sĩ là vị tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam. Nghiên cứu nông nghiệp là con đường thầm lặng. “Công trạng” lẫy lừng vậy, nhưng về nước ông ngồi làm việc khiêm tốn ở Bộ môn Sinh lý thực vật (Học viện Nông lâm). Hình như từ thời trẻ, ông đã mang trong mình phong vị “ẩn sĩ”, không thích đua tranh. Ông cũng khác người, toàn đi làm những cái không ai chịu làm. Làm bắt đầu “ra tấm ra miếng”, người khác nhảy vào ông lại lặng lẽ rút lui. Rút ra nhưng không bỏ hẳn, ông vẫn tiếp tục hoàn thiện những gì mình đã khơi ra. Công trình “Cơ sở” khoa học của sự phát triển nông nghiệp và nông thôn lưu vực sông Hồng” nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 được đánh giá là dài hơi nhất - vừa tròn nửa thế kỷ đã cóp nhặt cả đời nghiên cứu khoa học của ông. Trải qua bốn vòng bỏ phiếu: cấp viện, cấp bộ, cấp liên ngành và cấp quốc gia không ai bỏ phiếu chống. Kể cũng lạ, người ta phục ông hay “thương” ông, bởi chẳng gì ông cũng bỏ ra chẵn 50 năm thai nghén nó…

Tư tưởng của “đêm trước đổi mới”

Ông là tác giả của bộ giống lúa thấp cây, trong đó có giống NN75 - 10 cùng với học trò Tạ Minh Sơn, người sau này cũng được phong Anh hùng Lao động và nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Có thể nói ở góc độ làm thầy ông có những học trò không hề “thường” chút nào. NN75 - 10 “đứng” được 10 năm, được nhân ra 50 vạn hecta và nhờ nó ông được Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước cấp bằng sáng chế số 001, tức là phát minh khoa học đầu tiên lúc đó được nhà nước thừa nhận. Cùng với các cộng sự, áp dụng phương pháp chọn tạo sinh lý, ông còn cho ra đời các giống lúa CN2, V14, V15, CR203. Khi tung CR203 ra, một số đồng nghiệp cho là ông bị mắc bệnh “hoang tưởng” vì trước đó các giống lúa của Việt Nam thường có thời gian sinh trưởng 150 ngày mà giờ ông rút xuống còn một nửa – 75 ngày. CN2 đã đặt nền mòng cho tư tưởng tăng vụ, cụ thể là vụ đông ở miền Bắc, dự báo xu hướng chọn tạo giống ngắn ngày tất yếu về sau này. Còn nhớ khi ông cùng GS. Bùi Huy Đáp, GS. Dương Hồng Hiên cổ suý cho vụ đông đã hứng chịu không ít búa rìu dư luận. Có người bổ thẳng vào mặt ông “Mùa đông lạnh thế cây trồng sống sao nổi”. Thế nhưng bằng nhạy cảm khoa học, với lối tư duy thường đi trước thời cuộc, ông đã chứng minh các cây ngô, khoai lang, lúa mì, đậu tương, rau màu… có thể sống được trong mùa đông giá rét. Cho đến nay, vụ đông đã trở thành vụ mang lại thu nhập chính cho nông dân miền Bắc, và “bản án xét lại” của ông đã bị xoá. Đi xa hơn, đẩy đến tận cùng vấn đề, căn cứ vào thời gian, nhiệt độ, ánh sáng… vụ đông và sinh lý cây trồng, ông còn chia cây vụ đông ra làm hai nhóm: cây ưa ấm gieo sớm và cây ưa lạnh gieo muộn. Đến giờ, đã sang thế kỷ 21, tư tưởng chỉ đạo vụ đông của Bộ NNPTNT vẫn dựa trên căn cứ khoa học ông đề xuất gần 40 năm trước. Từ giống mới, thâm canh tăng năng suất ông đề nghị chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp - vấn đề gần đây nhiều quan chức ngành nông nghiệp mới nhìn ra và đang phát động thành phong trào rộng lớn ở các địa phương. Điều này lại cho thấy lối tư duy đi trước thời đại của ông. Cũng bởi vậy, những gì ông đưa ra lúc đầu đều bị phản đối dữ dội. Người ta còn nhớ thập niên 70, ông kêu gọi xoá hợp tác xã, cổ suý cho kinh tế hộ tức là đi ngược lại Trung ương. Ông còn viết cuốn sách nổi tiếng “Kinh tế hộ nông dân” có tác động lớn đến Ban Nông nghiệp Trung ương đến nỗi Ban này phải gọi ông lên làm cố vấn. Ông khẳng định ở Pháp, nhờ kinh tế hộ nông dân mà một người làm nông nuôi được 20 người, còn dư nông sản để xuất khẩu. Vì vậy, nông dân Pháp chỉ chiếm 2 đến 5% dân số nhưng nông nghiệp Pháp đứng đầu châu Âu và thế giới.

Những ai làm ngành nông nghiệp đều nhớ đến khoán 10 - cuộc trở dạ của “đêm trước đổi mới”. Hoá ra, không ai xa lạ, chính ông - người ngồi ngay trước mặt tôi là một trong số những người góp công, góp sức để ra đời khoản 10. Ông nhớ lại: Những năm 1978 - 1990, ta với Trung Quốc căng thẳng. Hồi đó, hầu như không có người Việt Nam nào được cử sang học tập, đào tạo ở nước bạn. Vì vậy, ta không có thông tin gì về kinh tế Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc đã tiến hành cải cách từ năm 1976. Tôi có may mắn là cộng tác viên của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) nên được sang Trung Quốc hai lần tập huấn. Chứng kiến nông nghiệp, nông thôn Trung Quốc tôi thấy khác quá. Về nước, tôi viết báo cáo “Cải cách kinh tế của Trung Quốc” trình lên Ban Nông nghiệp Trung ương. Báo cáo đưa ra Ban Bí thư bàn “nát nước nát cái”, ngay trong Bộ Chính trị cũng chưa nhất trí. Cuối cùng, ông Võ Chí Công, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư, vẫn đặt bút ký Nghị quyết 10 (khoán 10). Tôi phục ông ấy là người dám làm, dám chịu. Vì suy cho cùng, bản chất khoán 10 là thừa nhận kinh tế hộ, rũ bỏ hợp tác xã… Tôi biết tin khoán 10 khi đang đi chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Phú và Hải Phòng. Nông dân hai tỉnh này phản đối hợp tác xã nhiều nhất, họ xé rào ra làm chui kinh tế hộ. Ông Lê Huy Ngọ hồi đó là Bí thư Vĩnh Phú biết chuyện đó. Thậm chí nhà văn Đào Vũ viết cuốn Bí thư Huyện uỷ lấy thực tế là nông nghiệp Hải Phòng còn đưa tôi vào trong truyện…

Vị “ẩn sĩ đường”

Khi gặp ông, tôi cứ phảng phất hình ảnh người thầy trong bút ký của GS Hà Minh Đức viết về thầy học của mình - GS văn học cổ Bùi Văn Nguyên. Ông không họ hàng, tơ vương gì với ông Nguyên, nhưng tôi thấy hai người giống nhau đến lạ, ở tuổi 75, ông vốn có vốn gia tài đồ sộ với 300 tài liệu, công trình nghiên cứu khoa học. Ông là Viện sĩ của Liên Xô cũ, là Hiệp sĩ công trạng của Pháp, sĩ quan Cành cọ hàn lâm Pháp, đoạt giải thưởng quốc tế Rene Dumont… 50 năm “cày cuốc” trên mảnh đất phù sa châu thổ sông Hồng, ông đã cống hiến những đề tài khoa học giá trị đầy ắp tính dự báo cho vùng đất này với mong ước nông nghiệp đồng bằng sông Hồng sẽ cất cánh. Một đồng nghiệp của ông gọi vui ông là người “cày đường nhựa”, say mê, chịu lăn lộn đồng ruộng mà gặt hái được nhiều thành công. Ở khúc chót cuộc đời, ông vẫn làm việc với một luận điểm rất khoa học rằng “Chỉ tiêu của sự sống là trí nhớ, còn nhớ và làm việc được thì chưa già”. Ông chưa thôi day dứt với cuộc sống của người nông dân, với các mô hình làng nghề, phố nghề nhằm tạo ra nhiều việc làm tại chỗ cho nông dân, phát triển nông thôn bền vững. Ông nói “Trong văn hoá, Đảng và Nhà nước kêu gọi kết hợp giữa giá trị truyền thống và hiện đại, nhưng trong kinh tế ta cóp nhặt của Trung Quốc một tí, Liên Xô cũ một tí, Hàn Quốc một tí… chẳng có gì là truyền thống. Vậy truyền thống trong kinh tế của Việt Nam là gì? Theo tôi, đó là làng nghề, phố nghề. Muốn công nghiệp hoá nông thôn phải xuất phát từ đây”. Tôi chia tay ông, và nhìn vị “ẩn sĩ” khuất sau cánh công ngôi nhà ở số 186/1 Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ông lại vào phòng làm việc, ngập trong những chồng sách cao lút đầu, rồi giở đọc, ghi chép… Vị ẩn sĩ đó là GS.TS. Viện sĩ Đào Thế Tuấn.

Nguồn: Khoa học và Đời sống, số xuân Bính Tuất 2006, tr 15

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.