Vẹn cả đôi đường
Hồi còn là sinh viên khoa Hoá Đại học Tổng hợp mang tên K. Marx (CHDC Đức) vào đầu những năm 1960, với thành tích học tập và nghiên cứu anh đã đoạt giải “Sinh viên nước ngoài xuất sắc”. Sau khi tốt nghiệp, trở về Tổ quốc, trong lúc đất nước còn đang bị chia cắt, anh đã sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao: Thanh niên xung phong, Cán bộ giảng dạy Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học giáo dục… Từ kết quả nghiên cứu, anh lại được cử sang CHDC Đức làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) về đề tài: “Giáo dục kỹ thuật tổng hợp trong nhà trường phổ thông”.
Trước khi về công tác tại Liên hiệp hội Việt Nam, anh đã trải qua nhiều vị trí trong ngành giáo dục – đào tạo, lần lượt được phân công phụ trách Phòng quản lý Khoa học Viện Khoa học giáo dục, Phó Văn phòng Bộ Giáo dục, Quyền Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế của Bộ…
Năm 1991, PGS. TS Tô Bá Trọng chuyển về làm công tác Hội, làm Chánh văn phòng cơ quan Liên hiệp hội Việt Nam, Uỷ viên Ban Thư ký và Uỷ viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam, liên tục từ khoá II, khoá III. Trong nhiệm kỳ khoá IV, PGS. TS Tô Bá Trọng được bầu là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra, Trưởng ban thư ký Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước của Liên hiệp Hội Việt Nam. Trong Tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) và chuẩn bị Đại hội V của Liên hiệp hội (12/2004), anh tham gia xây dựng báo cáo chính trị của Đại hội và biên soạn tập phụ lục hơn 100 trang, xây dựng Dự thảo Điều lệ Liên hiệp hội Việt Nam. Trong nhiệm kỳ khoá V Liên hiệp Hội Việt Nam , anh tiếp tục làm Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương. Là Uỷ viên Hội đồng thi đua khen thưởng của Liên hiệp Hội Việt Nam , PGS. TS Tô Bá Trọng tham gia xây dựng nội dung Huy chương “Vì sự nhiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật”. Từ năm 2002, anh đảm nhiệm Trưởng ban Biên tập Tin hoạt động các hội khoa học và kỹ thuật, trang điện tử www.vusta.vn, nay đã khẳng định vai trò, tác dụng và được ThS Hoàng Quốc Trị cùng anh chị em Ban Biên tập tiếp tục nâng cao chất lượng trong giai đoạn phát triển mới.
Về hoạt động khoa học, PGS. TS. Tô Bá Trọng đã tham gia tổ chức tư vấn, giám định xã hội đối với 15 dự án đầu tư quan trọng, điển hình là: Dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La, Đường Hồ Chí Minh qua Vườn Quốc gia Cúc Phương, Thay nước Hồ Tây… Cuối năm 2002, anh được nhận giải thưởng của Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La. Ngoài ra, PGS. TS. Tô Bá Trọng còn tham gia nhiều đề tài nghiên cứu và tư vấn, phản biện về giáo dục - đào tạo, xây dựng hệ thống thuật ngữ và danh pháp hoá học…
Ở anh, các hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động khoa học và lãnh đạo quản lý thường hài hoà, và luôn đi vào thực chất. Thời gian qua, anh còn đảm nhiệm các chức vụ: Phó bí thư Đảng uỷ cơ quan Liên hiệp hội, Uỷ viên Uỷ ban kiểm tra Đảng bộ khối cơ quan khoa giáo Trung ương…
Trên cả ba lĩnh vực, anh đều có thành tựu do có phương pháp làm việc khoa học với tinh thần trách nhiệm cao và một tấm lòng trung hậu, chân thành. Đặc biệt, PGS. TS. Tô Bá Trọng có nhiều đóng góp trong xây dựng các văn bản quan trọng của Liên hiệp hội Việt Nam, từ dự thảo Điều lệ đến các “Quy định về công tác kiểm tra của Liên hiệp hội Việt Nam”, rồi “Kế hoạch hành động thực hiện Quyết đinh 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tư vấn, phản biện và giám định xã hội”. Kết hợp nghiên cứu lý luận với hoạt động thực tiễn, cùng với việc soạn thảo văn bản anh cũng là người tham gia tích cực các hoạt động này của Liên hiệp hội Việt Nam .
Một nét khá độc đáo ở anh, là trái với phong thái có phần “trịnh trọng” khi làm việc, trong đời thường anh thích hát, nhạc Văn Cao, Phạm Duy, đọc thơ Bút Tre, kể chuyện tiếu lâm rất hóm hỉnh, giàu chất văn nghệ. Đứng tuổi Rồng (sinh năm 1940), nay anh đã lên chức ông ngoại, con trai học giỏi, vừa làm trách nhiệm trưởng chi họ sau khi chăm chút xây dựng từ đường gia tộc ở quê (Thái Bình). Cùng với các phần thưởng cao quý đã được Đảng và Nhà nước trao tặng, lần này anh lại được nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Mừng anh đã làm trọn việc nước, việc nhà!