Về sự phục hồi các giá trị truyền thống làng xã
1. Đặt vấn đề
Do bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau của lịch sử để lại, đã có một thời, chúng ta chưa chú ý nhiều đến văn hóa - đến những giá trị truyền thống của làng xã. Thực tế là, các giá trị truyền thống như: đình chùa, đền, miếu, nhà thờ dòng họ, lễ hội, đình đám, tập tục... ít được quan tâm, duy trì và phát huy, vì bị xem là mê tín dị đoan. Tại nhiều làng xã, vùng nông thôn, đình, chùa, văn chỉ, nhà thờ họ bị phá huỷ để lấy gỗ, gạch, ngói xây dựng trường học và các công trình công cộng, hoặc bị thay đổi chức năng, như đình chùa chuyển thành nhà kho, hội trường của hợp tác xã. Thực tế đó, tạo nên một giai đoạn chìm xuống của văn hóa làng. Nhiều nhà nghiên cứu đã có chung ý kiến khi nhìn nhận một giai đoạn lịch sử của văn hóa làng như vừa nêu trên: "Đình chùa, miếu mạo, cây cổ thụ quanh chúng bị phá bỏ, chặt hạ, thậm chí cầu quán ở bên đường hay giữa cánh đồng để người dân tránh nắng, tránh mưa cũng không còn. Đình chùa nào sót lại thì được dùng làm kho, làm lẫm, long ngai, bài vị, cờ xí, tượng phật vung vãi khắp nơi". Và "Do nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề, do Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì cơ chế quan liêu bao cấp, dẫn đến tình trạng yếu kém vế kinh tế [...]. Trong bối cảnh đó nhiều người làm công tác quản lý ở các địa phương không quan tâm đến việc tổ chức, phục hồi các hình thức sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng dân gian, trong đó có các lễ hội truyền thống tại các làng xã ở nông thôn nước ta". Hệ quả đó, khiến cho nhiều giá trị truyền thống bị phai nhạt, lãng quên, nhiều di tích đình, chùa có giá trị về lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật bị mất hẳn, giờ đây chỉ còn lưu lại trong ký ức dân làng.
Công cuộc Đổi mới của đất nước bắt đầu tiến hành từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986). Với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đưa đất nước ra khỏi những khó khăn, khắc phục tình trạng trì trệ; lạc hậu về kinh tế và văn hóa. Ở góc độ kinh tế, làng xã truyền thống được trở về với đúng bản chất là nền kinh tế hộ gia đình tiểu nông, bằng việc thừa nhận mô hình kinh tế hộ gia đình ở nông thôn, có nhà nghiên cứu gọi đó là hiện tượng phục hồi làng tiểu nông. Lúc này, mô hình hợp tác xã - sản xuất tập thể không còn phù hợp cho phát triển kinh tế - văn hoá làng xã mà hộ gia đình đã trở thành tác nhân quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.
Tiếp theo đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm tới việc xây dựng và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đây cũng được coi là động lực quan trọng trong việc phục hồi các giá trị truyền thống làng xã, đó là những văn bản mang tính pháp lý cao. Đặc biệt, phải kể tới Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khoá VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đã nêu rõ: "Kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần, đạo đức và thẩm mỹ, các di sản văn hóa, nghệ thuật của dân tộc. Bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của đất nước. Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Như vậy, văn hóa vừa là nền tảng, vừa là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chiến lược xây dựng nền văn hoá dân tộc của Đảng và Nhà nước đã mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ văn hóa làng trên nhiều phương diện như: đình, chùa được trùng tu và xây mới, lễ hội được tổ chức lại, sinh hoạt dòng họ được tái sinh, các thiết chế truyền thống làng xã như hương ước cũng có xu hướng phục hồi trở lại: "Từ quan điểm văn hóa xã hội, chúng ta đang chứng kiến sự xây dựng lại truyền thống nông thôn Việt Nam và cơ chế truyền thống được sáng tạođóng vai trò chủ chốt, hay nên nói là sự tái cấu trúc văn hóa địa phương. Làng xã và nông thôn đổi mới, trong khoảng hơn 20 năm qua, chúng ta đã được tận mắt nhìn thấy sự thay đổi diện mạo của nông thôn truyền thống trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá và xã hội.
2. Sự phục hồi các giá trị truyền thống làng xã
Phục dựng đình, chùa, đền, miếu và xu hướng hưng công mới
Như một nhu cầu tâm linh tất yếu hay một sự đòi hỏi về cân bằng tín ngưỡng, nềm tin trong cuộc sống, trước kia, đình, chùa, quán miếu bị phá huỷ, thì ngày nay dân làng lại có nhu cầu khôi phục, xây dựng lại. Ở đây, không có sự từ chối hay thiếu nhiệt tình, khi mà chính quyền địa phương, các cụ phụ lão, hay các đoàn thể đều chung ý kiến bàn bạc khôi phục, dựng lại đình chùa làng mình. Nhiều khi, đó còn là một động lực từ quá khứ thôi thúc, thông qua ký ức về ngôi đình, chùa làng mình to và đẹp bề thế nhất xã, nhất vùng hay cao hơn là một nhu cầu về tâm linh, về thể hiện vai trò cá nhân trước cộng đồng (được ra đình, chùa tham gia vào các công việc của hàng thôn, hàng xóm là một vinh dự của mỗi cá nhân trong làng)... Do vậy, việc làm đó trước hết được đông đảo nhân dân trong thôn xóm đồng lòng. Quá trình khảo sát trên bình diện nhiều làng ở vùng châu thổ Bắc Bộ, chúng tôi đã nhận thấy việc xây mới các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là một hiện tượng đang diễn ra phổ biến trong xã hội nông thôn hiện nay.
Trong nghiên cứu của John Kleinen cho thấy: "Từ tháng 8 năm 1992, hội người cao tuổi đã được giao trách nhiệm trùng tu lại đình với một ban chấp hành mới thường xuyên họp ở phòng tiếp khách của đình. Mục đích là để trùng tu lại đình thành một nơi thờ cúng quan trọng nhất như xưa". Đó là những gì đã diễn ra ở làng Tơ, huyện Hoài Đức. Tại làng La Phù cùng huyện, từ Đổi mới đến nay, kinh tế của làng có phần khá giả, với sự phát triển của nghề thủ công nghiệp, trên nền tảng đó, dân làng đã tiến hành xây mới lại chùa. Vào thăm chùa Trung Hưng, chúng tôi thấy từ tượng Phật, câu đối, hoành phi và chuông, trống đều là những đồ thờ tự mới. Sau khi công trình xây xong, dân làng đã dựng hai văn bia khắc trên hai mặt lưu tên những hưng công (tất cả các mặt bia đều khắc bằng chữ Quốc ngữ Trung Hưng tụ bia công đức tôn tạo). Chúng tôi đã thống kê trên bốn mặt của hai văn bia, kết quả cho thấy: Có tất cả 1.923 tín chủ và tổng số tiền đóng góp là 469.624.000 đồng. Những con số trên không chỉ nói lên sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng trong làng xã ngày nay đang phát triển mạnh mẽ, mà còn cho thấy dáng dấp của tục gửi hậu, tục cúng ruộng, cúng tiền vào đình chùa mà ta vẫn thường thấy trong xã hội Việt Nam cổ truyền.
Cũng tại làng La Phù, văn chỉ của làng được phục dựng lại vào năm 1995, trước khi khắc ghi tên và tiền ếong góp của các tín chủ vào văn bia, dân làng đã cho soạn một đoạn minh văn: văn chỉ xã ta được tổ tiên tạo dựng vào khoảng giữa thế kỷ, đến nay đã hư hỏng. Nay Ủy ban nhân dân xã La Phù, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây phát tâm công đức trùng tu lại. Trên văn bia, chúng tôi đã thống kê được như sau: Có tổng số 801 người và 1 tổ chức (UBND xã) hưng công tiền, của vào xây dựng văn chỉ, với tổng số tiền là 21. 820.000 đồng. Văn chỉ là nơi thờ ông tổ của đạo Nho và các vị đăng khoa của làng, nhưng điều gây sự chú ý đối với chúng tôi là, trong văn bia này có khắc ghi tên một vài chủ hưng công người làng có địa vị và chức sắc trong xã hội, như tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, đã và đang công tác ở nhiều đơn vị, cơ quan khác nhau.
Tại Phủ Giày huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là một lễ hội có sức thu hút đông đảo khách thập phương trong cả nước. Lễ hội đã vượt khỏi không gian vùng và trở thành lễ hội có tầm ảnh hưởng sâu trong tâm thức của nhân dân cả nước. Tuy không phải là một nơi được trùng tu hay xây mới, nhưng với nhu cầu của đời sống tâm linh hiện nay, Phủ Giày được xem như một trung tâm thu hút khách hành hương vào dịp đầu Xuân. Tại Phủ, có nhiều câu đối hoành phi được cung tiến bởi khách thập phương. Đáng quan tâm hơn, tại khu nhà bia ở bên trái của Phủ, với số lượng lên tới ba, bốn mươi chiếc, được gắn trực tiếp vào tường nhà, chồng xếp lên nhau. Vì lẽ đó, ban quản lý di tích đã phải xây riêng một nhà bia để lưu tên các tín chủ hưng công của thời hiện đại. Trước đó, ở phía ngoài Phủ đã có hai khu nhà bia đối nhau được xây đựng từ xưa, trong đó khắc ghi tên các vị hưng công tiền của (ruộng) vào xây, tu sửa Phủ (các văn bia có niên đại chủ yếu là thời Nguyễn). Thông qua chọn mẫu một vài văn bia, chúng tôi đã thu được nguồn thông tin khá phong phú. Khách thập phương công đức với đầy đủ các thành phần và quê quán khác nhau, từ cư dân địa phương quanh vùng, các tỉnh thành miền Bắc, đến miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, cụ thể như sau:
Văn bia thứ nhất khắc ghi các tín chủ tại thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện
Vụ Bản công đức năm 2006 (địa phương nơi có Phủ Giày), với tổng số tín chủ là 30, trong đó, chiếm số đông là họ Trần, có 1 tín chủ quê ở Hòa Bình và 1 tín chủ quê ở Bình Dương. Trong 30 tín chủ nêu trên, có 5 đại diện của các nhóm xã hội là: Cán bộ chính quyền, Hội cựu chiến binh, Chi hội người cao tuổi, Hội phụ nữ và Ban mặt trận. Mức tiền công đức phổ biến là 100.000 đồng, tổng số tiền trong văn bia này là 8.500.000 đồng và không có ai cung tiến bầng hiện vật.
Văn bia thứ hai có tên Bia công đức năm 2006, khắc ghi tên các tín chủ có quê thuộc các tỉnh phía Bắc và cắc tỉnh phía Nam . Cụ thể: các tỉnh phía Bắc có 39 tín chủ, đã công đức tổng số tiền 25.000.000 đồng, các tín chủ này đến từ các tỉnh: Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Hưng Yên, Hà Tây (cũ), và một số việt kiều từ Canada, Anh quốc, Úc và Liên bang Đức. Các tỉnh phía Nam có 11 tín chủ, thuộc các tỉnh: Đắc Lắc, Vĩnh Long, Bến Tre và Thành phố Hồ Chí Minh. Họ đã hảo tâm với tổng số tiền là 13.500.000 đồng. Trong văn bia này, chúng tôi thấy mức đóng góp phổ biến và thấp nhất là 500.000 đồng, mức cao nhất là 3.500.000 đồng.
Văn bia thứ ba có tên Bia công đức năm 2006 khu vực Hà Nội, khắc ghi các tín chủ ở khu vực Hà Nội, với 49 tín chủ thuộc các quận, huyện của Thành phố Hà Nội như: Cầu Giấy, Đông Anh, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ... và những tên số nhà, đường phố cụ thể. Trong 49 tín chủ, có nhiều mức thiện tâm khác nhau, nhưng phổ biến và thấp nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 18.000.000 đồng. Tổng số tiền trong văn bia thống kê được là 84.700.000 đồng.
Văn bia thứ tư, khắc ghi tên 150 tín chủ quê từ hai tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh, trong đó Quảng Ninh có 97 và Hải Phòng là 53. Tổng số tiền trong văn bia là 20.800.000 đồng, mức đóng góp phổ biến là 100.000 đồng.
Cùng với Phủ Giày, tại nhiều địa phương khác ở vùng châu thổ Bắc Bộ cũng có những hoạt động tương tự. Tại làng Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội, vào khoảng những năm 60 thế kỷ XX ngôi đình làng sau một thời gian được sử dụng làm trường học cũng đã bị tháo dỡ để lấy nguyên vật liệu xây các công trình công cộng. Nhưng đến năm 2004, dân làng đã họp bàn cần phải phục dựng lại, vị trí xây dựng không phải tại đia điểm cũ (địa điểm cũ gần với chùa, ngày nay nhân dân đã xây nhà ở), mà đình được xây trên nền sân kho của hợp tác xã ngày xưa. Quá trình xây dựng đình, đã có sự tham gia đóng góp của nhiều gia đình trong thôn và các khách thập phương, khi xây xong, nhân dân cũng dựng 6 văn bia khắc ghi tên các tín chủ hưng công. Theo thống kê của ban xây dựng, ngôi đình được hoàn thành với tổng chi phí hơn 3 tỷ đống.
Cũng tại thôn Đồng Bụt, trước tình hình ngôi đền Đỗng Linh bị xuống cấp, dân làng đã cho trùng tu hoàn toàn vào năm 2007, điều này xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân trong thôn xóm, muốn có một nơi sinh hoạt tâm linh khang trang vào các ngày lễ tiết trong năm. Và sau khi trùng tu xong, dân làng lại cho dựng bốn văn bia khắc ghi lòng hảo tâm của các cá nhân cùng hưng công. Trong bốn mặt bia, có tổng số 357 tín chủ và tổng số tiền hưng công là 94.666.000 đồng. Ngoài việc hưng công bằng tiền, dân làng còn nhận được sự cung tiến bằng hiện vật. Đặc biệt, có tín chủ Nguyễn Huy Chuyển, quê gốc thôn Đồng Bụt, hiện nay đang sinh sống và làm việc tại thị xã Xuân Mai cung tiến với tổng trị giá 22.000.000 đồng. Trong nhiều văn bia dựng dưới thời Lê, thời Nguyễn, nội dung phản ánh đời sống sinh hoạt trong làng xã cổ truyền, chúng ta cũng thấy "hình ảnh" những tư gia giàu có đã cúng tiền của vào xây dựng đình, chùa làng, với tổng trị giá hàng trăm quan tiền, hàng chục mẫu ruộng.
Dân làng Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh), đã đóng góp tiền để tu tạo tam quan chùa làng. Trong văn bia ghi công đức năm 2000, có 14 tín chủ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và xã Tương Giang, huyện Từ Sơn... đã đóng góp tổng số tiền 22.774.000 đồng. Một bảng công đức khác của chùa, ghi tên 73 tín chủ công đức tượng phật, ngoài những tín chủ tại các xóm ở địa phương như xóm Núi, xóm Trước, xóm Tây, xóm Ô, xóm Xanh chiếm đa số, thì bên cạnh đó còn có các tín chủ từ Hà Nội (26 tín chủ), Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn... tổng số tiền đóng góp là 13.590.000 đồng.
Trong một nghiên cứu trên Tạp chí Xã hội học, tác giả Lê Mạnh Năm đã nêu ra một số làng xã ngoại thành Hà Nội cũng có xu hướng bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, như các làng chúng tôi vừa nêu trên: "xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã trùng tu hai ngôi đình và hai ngôi chùa vào các năm 1992, 1997 và 2001 với tổng mức kinh phí là 790 triệu đồng. Xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội trùng tu ba ngôi đình và ba ngôi chùa vào năm 2001 và 2002 với tổng số kinh phí 3 tỷ 60 triệu đồng.
Từ kết quả nghiên cứu lệ bầu hậu của người Việt qua tư liệu văn bia, tác giả Phạm Thị Thùy Vinh cho biết: "Vì sao lại có tình trạng bùng nổ văn bia ở giai đoạn sau thế kỷ 16 như vậy? Đó chính là do nhu cầu phát triển của làng xã ngày càng cao và phức tạp hơn, chính điều này gắn liền với sự nảy sinh lệ bầu hậu. Bầu hậu càng nhiều càng có nhiều bia đá được dựng lên ở các làng quê". Văn bia xưa cũng như nay chỉ phản ánh một phần nào sắc thái đời sống xóm làng, mà bên cạnh đó, tại đình chùa, miếu và quán . . . còn diễn ra nhiều nét sinh hoạt văn hoa sống động hơn.
Phục hồi lễ hội
Cùng với quá trình phục dựng lại đình, chùa, những sinh hoạt lễ hội cũng được tái lập theo. Từ xưa tới nay, trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền làng xã, lễ hội là một không gian cộng cảm, cộng tình và cộng mệnh của đông đảo nhân dân trong làng, diễn trường của lễ hội không đâu xa, đó là không gian gắn với đình, chùa. Chính vì lý do đó, ngày nay trong sự phát triển mạnh về kinh tế, đời sống xã hội lên cao, lễ hội làng quê đổi mới cũng đang được phục hồi nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Ở vùng châu thổ Bắc Bộ, hầu như địa phương nào lễ hội cũng được tổ chức lại: "Từ những năm đầu của thập niên 80 đến nay, ở nước ta, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội cổ truyền được phục hồi và phát triển rất nhanh chóng. Nhiều người coi đây là sự bùng nổ về lễ hội". Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Lê, trong công trình tìm hiểu về lễ hội ở vùng châu thổ Bắc Bộ đã cho biết, lễ hội mới được tái lập từ những năm sau Đổi mới đến nay, trong dó có những lễ hội lớn mang tầm quốc gia hay lễ hội của một vùng rộng lớn cũng chỉ mới được phục hồi.
Lễ hội đền Hùng (Phong Châu, Phú Thọ) chánh hội diễn ra vào ngày 10-8, đây là một lễ hội mang tầm quốc gia, mặc dù vậy nó mới chỉ được khôi phục thực sự vào khoảng những năm 90 (thế kỷ XX). Trước tiên, bằng việc phục hồi các đám rước của các lễ hội thuộc các làng xã ven đền Hùng với đầy đủ các trò diễn xướng từ xa xưa như rước kiệu, hát xoan, chơi cờ tướng. Cho đến hôm nay, đền Hùng đã trở thành quốc lễ và không ngừng được bảo tồn và phát huy trên nhiều phương diện.
Lễ hội đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên), diễn ra từ ngày 10 - 12 tháng 2, lễ hội bắt đầu được tổ chức sinh hoạt lại vào đầu những năm 90 (thế kỷ XX). Chính quyền đia phương và nhân dân cùng tham gia hưởng ứng, nhân dân các làng thuộc xã Mễ Sở và Bình Minh, huyện Khoái Châu, hăng hái chuẩn bị mọi công việc từ lễ phục, tập dượt, sửa sang nơi tế tự. Tại nơi có đền Đa Hòa thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung, nhân dân đã chuẩn bị chu đáo các đồ tế lễ, phân công các ban phụ trách từng công việc cụ thể.
Lễ hội đền Và (Sơn Tây, Hà Nội). Mùa Xuân, lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng, mùa Thu vào ngày Rằm tháng 9. Ban đầu là việc xây dựng và tu sửa lại các hạng mục di tích đã hư bỏng, sau đó hoạt động lễ hội cũng được lồng ghép theo. Tới ngày nay, cùng với quần thể di tích xung quanh thị xã Sơn Tây, đền Và không chỉ là một sinh hoạt lễ hội thuần túy, bên cạnh đó còn là một điểm du lịch tâm linh trong chuỗi tham quan các di tích và danh thắng của xứ Đoài xưa.
Lễ hội Đền Đô làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), thờ các vua triều Lý. Với khả năng buôn bán và sản xuất nhiều nghề, đây cũng là một làng có bước phát triển mạnh về kinh tế kể từ sau Đổi mới (1986). Từ điều kiện kinh tế phát triển, dân làng đã bước đầu quan tâm đến đời sống tâm linh. Trong làng, đã có nhiều tín chủ hảo tâm công đức một lượng lớn tiền của vào trùng tu các di tích trong làng: "Cùng với việc khởi dựng lại đền Đô và sau đó là hàng loạt các di tích khác trong làng thì lễ hội cũng được dựng lại và tưng bừng ở khắp các di tích. Ngày 7 tháng Giêng lễ hội chùa Cổ Pháp, hội chùa Kim Đài được tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng, ngày 12 tháng Giêng là hội chùa Giỏ, ngày Rằm tháng 2 là hội đình, Rằm tháng 8 là hội đền Đô, ngày 28 tháng 9 là hội đền Rồng tưởng niệm ngày hóa của Lý Chiêu Hoàng". Thời gian đầu, khi mới phục dựng lại lễ hội, các trang thiết bi phục vụ tế lễ, mở hội còn chưa được đầy đủ. Về sau, họ đã công đức các đồ tế, rước như kiệu, hương án, voi, ngựa, tế khí.
Hội chùa Thiền sư làng Đống Bụt (Quốc Oai, Hà Nội) gắn hến với việc thờ Đức thánh Từ Đạo Hạnh, lễ hội được tổ chức vào ngày 10 - 3. Sau nhiều năm bi gián đoạn, trong những năm 90 (thế kỷ XX), lễ hội cũng được phục hồi. Thời gian đầu, các cụ trong làng khôi phục lại lễ tế thánh, nhưng phải đi thuê đội tế ở thôn khác. Khoảng hai năm sau, các cụ tự tế lấy, nhưng trang phục tế cũng phải đi thuê. Đến ngày nay, trang phục tế và các đồ tế tự , được chuẩn bị đầy đủ, không những lễ hội được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, hơn thế, các cụ đã hướng dẫn cho những người ở độ tuổi 50 tham gia vào đội hình tế để làm thế hệ kế cận.
Tại Hà Nội, các làng xã ven đô trong những năm vừa qua cũng chứng kiến sự trở lại của sinh hoạt lễ hội một cách nhanh chóng, làng nào, xã nào cũng nêu cao văn hóa truyền thống của mình? khẳng định bề dày lịch sử của quê hương, Giáo sư Phan Huy Lê trong công trình nghiên cứu của mình đã viết: "Đó là xu hướng phục hồi các lễ hội truyền thống phổ biến khắp cả nước. Riêng tại vùng ngoại ô Hà Nội, năm nay tính ra có đến hơn 400 lễ hội". Một ý kiến khác cũng cho rằng hầu hết các tỉnh ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Trung Bộ đều khôi phục các sinh hoạt văn hóa truyền thống như các lễ hội mừng xuân, lễ hội được mùa, lễ hội tưởng nhớ các danh nhân... Nhiều hình thức văn nghệ dân gian cũng được phục hồi như hát quan họ, hát ví, hát đối trữ tình ở Thanh Hóa. Những biểu hiện trên, như một dòng chảy hướng về cội nguồn, truyền thống, lấy đó làm động lực cho hiện tại và tương lai.
Phục hồi các sinh hoạt dòng họ
Ngày nay, sinh hoạt dòng họ trong làng xã cũng đang từng bước được phục hồi, nhiều hoạt động như xây mới từ đường, dịch, sao chép gia phả vấn tổ tầm tông, chắp nối các chi cành, xây dựng mộ tổ hoặc thành lập ban liên lạc dòng họ và tổ chức lễ kỷ niệm các danh nhân dòng họ có công với làng với lịch sử dân tộc đang diễn ra ở nhiều nơi. Khi điều kiện kinh tế khá lên, nhu cầu được đoàn tụ, tỏ tường gốc tích đã thôi thúc người ta cần quan tâm hơn nữa tới nguồn cội của mình. Đó là cơ sở để dòng họ ngày nay ở nông thôn trở về với những giá trị truyền thống vốn có, điều này cũng được xem là một hiện tượng đáng quan tâm trong xã hội nông thôn hiện nay.
Khảo sát thực tế tại làng Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) cho thấy, các sinh hoạt nêu trên diễn ra khá mạnh. Nhiều dòng họ xưa kia không có từ đường, nay trước xu thế chung của làng, người ta đã bàn nhau và thống nhất chọn một khu đất xây nơi thờ tự mới để thoả mãn nhu cầu của con cháu muốn được phụng thờ tổ tiên. Dòng họ Vũ, xóm Vườn Bàn mới xây dựng từ đường năm 2001 sau khi lấp một cái ao với điện tích 1 sào 10 thước do một người trong họ hiếm con đem hậu. Kinh phí dành cho việc xây dựng được cắt bổ tới từng thành viên hay theo hộ gia đình trong dòng họ, đến khi xây xong, các con cháu xa gần đã cung tiến nhiều đồ thờ tự vào từ đường như hoành phi, câu đối, bàn thờ... Hoàn thiện khu thờ tự với các hạng mục như tam quan, sân, giếng, bể nước, hòn non bộ... ước tính kinh phí khoảng 500 triệu. Tháng 6 năm 2005, dòng họ Nguyễn Duy, ông tộc trưởng đã cho dịch gia phả chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, sau đó đem phổ biến cho các cành, chi và những gia đình chủ chốt trong họ, nhiều dòng họ tại Hữu Bằng, ngoài việc sao chép, dịch gia phả tổ tiên, thì còn sơ đồ hoá (như một dạng tông đồ) các đời từ cụ thuỷ tổ tới các chi, cành trưởng ngày nay và treo tại từ đường làm gương cho con cháu soi vào mà biết được nguồn gốc, thế thứ của tổ tông, đó là các dòng họ Nguyễn Duy, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình. Dòng họ Phan Lạc, ngoài việc tìm được cội nguồn thông qua chắp nối gia phả có nguồn gốc từ huyện Thanh Liêm - tỉnh Hà Nam lên Hữu Bằng dựng nghiệp, thì trong họ đã biên soạn lại gia phả, đồng thời ban ra tộc ước mới có tên gọi Tộc ước họ Phan Lạc, với 8 điều để răn dạy và làm chuẩn mực cho mọi người noi theo. Sau khi soạn thảo xong, bản tộc ước đã ghi tên của 48 cụ trong họ đồng ý với nội dung soạn thảo. Hơn nữa, qua kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy, trong 8 dòng họ thì có 6 dòng họ xây mới từ đường, cụ thể: họ Nguyễn Hữu xây mới năm 1997, họ Nguyễn Đình (2002), họ Vũ Hữu (2001), họ Nguyễn Duy (2002), họ Nguyễn Văn (2002), họ nguyễn Đình (2004), và hai dòng họ có từ đường từ xưa là họ Phan Lạc và họ Nguyễn (xóm Chùa Giáp).
Trên đất Thái Bình, nhiều dòng họ đã lập ra ban liên lạc để lấy đó làm cơ sở cố kết các dòng tộc ở nhiều nơi có nhu cầu vấn tổ tầm tông hay tổ chức các sinh hoạt khác: "35 xã của huyện Tiền Hải với 134 chi họ Phạm đã về hội tụ ở từ đường Phạm Đình Sĩ xã Vân Trường để tế tổ và hội thảo". Tại huyện Kiến Xương - Thái Bình dòng họ Phạm đã tổ chức ra hội đồng đồng tộc, với sự có mặt của các chi họ Phạm ở 40 xã, thị trấn. Tại cuộc gặp mặt này, các đại biểu đã thống nhất ý kiến về việc liên kết dòng họ, nối kết gia phả, tộc phả. Trong một nghiên cứu về dòng họ Phạm ở Thái Bình, tác giả Phạm Xuân Đào cho biết từ năm 1997 đến năm 1999, dòng họ này đã có ba cuộc gặp mặt, với hơn 1.000 đại biểu đại diện cho 427 chi, phái ở 91/285 xã của tỉnh tham dự. Sau khi buổi gặp mặt kết thúc, dòng họ đã bầu ra ban liên lạc, ban thư ký làm cơ sở cho các hoạt động khác. Trên quy mô cấp tỉnh dòng họ Ngô ở Thái Bình đã tổ chức họp mặt vào ngày giỗ Ngô Quyền.
Năm 1995, dòng họ Phạm ở làng Phú Lễ, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái
Bình đã soạn ra bản quy ước có tên Khuyến học và gìn giữ gia phong Tiên - Hưng nhà Phạm, bao gồm 20 điều, chia thành 5 mục, với các nội dung: - Về khuyến học; - Về giữ gìn gia phong; - Lập quỹ khuyến học; - Về hội đồng gia tộc; - Điều khoản cuối cùng.
Dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam (trong đó lấy họ Vũ ở Mộ Trạch - Bình Giang - Hải Dương làm nòng cốt và coi đây là nơi hành hương về cội nguồn), trong những năm qua đã có nhiều hoạt động vinh danh các nhân vật có công với lịch sử dân tộc và tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, kết nối các chi nhánh ở nhiều nơi trên mọi miền đất nước thông qua ban liên lạc dòng họ Vũ.
Tại làng Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh), các dòng họ Ngô (có 8 dòng họ Ngô khác nhau) đã có nhiều việc làm, biểu hiện rõ tinh thần hướng về cội nguồn và trân trọng những giá trị văn hoá cổ xưa. Họ Ngô Sách lập quỹ khuyến học vào năm 2005 dựa trên tinh thần ủng hộ đóng góp của các con cháu trong dòng tộc. Họ Ngô Gia cũng đã gây được quỹ khuyến học, kinh phí huy động dựa trên cơ sở đóng góp theo suất. Cùng với các họ Ngô nói trên, các họ Ngô khác cũng đã thành lập được quỹ khuyến học như họ Ngô Đức, Ngô Văn. Trong sinh hoạt dòng họ, từ những năm 90 (thế kỷ XX) trở lại đây họ Ngô Sách đã phục hồi lại lễ giỗ tổ với quy mô bề thế hơn, trong đó có cả tế, lễ, tuyên dương con cháu trong họ đạt thành tích về học tập trong một năm đã qua. Trong dịp này, con cháu từ các địa phương như Đồng Kỵ và Nghĩa Lập (cùng huyện) cũng tề tựu về. Những việc làm rất có ý nghĩa khác, đó là năm 2008, từ đường dòng tộc Ngô Gia đã được xây dựng lại bằng công sức của con cháu trong họ, năm 2004, nhà thờ họ Ngô Sách cũng được phục dựng lại, trên tinh thần kinh phí đóng góp chia đều cho mỗi đình là 120.000 đồng/1 người, năm 2006 họ Ngô Gia đã soạn thảo ra tộc ước, nội dung gồm 3 phần, 3 chương và 28 điều.
Kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Phương Châm tại làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho thấy các dòng họ nơi đây đã thể hiện ý thức hướng về cội nguồn bằng việc phục hồi các giá trị truyền thống: "ở từng dòng họ, các nhà thờ họ, miếu họ hoặc nơi thờ tự tổ họ được trùng tu hoặc xây mới. Song song với việc xây mới, sủa chữa, tu bổ, giữ gìn nhà thờ họ, miếu họ, các sinh hoạt họ như giỗ họ, viết gia phả, đóng góp quỹ họ . . . cũng trở nên sôi nổi và trở thành sinh hoạt thường xuyên và ngày càng có ý nghĩa trong cuộc sống của dân làng. Ở phạm vi dòng họ và cả từng gia đình trong các làng những năm gần đây, việc quy tập và xây mồ mả cũng được quan tâm hơn nhiều.
Phục hồi hương ước
Hương ước từ xưa tới nay vẫn được coi là một thiết chế quản lý làng xã. Trong lịch sử chúng ta đã có hương ước cổ truyền, ra đời vào khoảng thế kỷ XV. Đến nửa đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa ở Việt Nam , chúng ta lại có hương ước thờ Cải lương hương chính. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, những hương ước kể trên không còn điều kiện tồn tại trong sinh hoạt làng, xã. Và ngày nay, trong công cuộc Đổi mới đất nước và xây dựng nông thôn mới, hương ước đang được phục hồi và phát triển: "Nhiều làng ở đồng bằng Bắc Bộ đã tự soạn thảo ra các quy ước làng để làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, điều chỉnh các sinh hoạt của cộng đồng làng. Những nơi làm sớm việc này là Hà Bắc (cũ), Hà Tây (cũ), Thái Bình... rồi sau phát triển ra các địa phương khác". Về tên gọi, hương ước mới được các địa phương dùng nhiều thuật ngữ khác nhau, như hương ước, quy ước làng văn hóa, quy ước nông thôn, quy ước xây dựng nếp sống mới...
Như trên đã nêu, việc tái lập hương ước diễn ra ở nhiều nơi, chính quyền địa phương đã tự đứng ra soạn thảo các nội dung của hương ước để phục vụ cho chính các hoạt động của làng. Các thành viên tham gia có trưởng thôn, chi bộ Đảng, ban mặt trận, các cụ cao tuổi... công việc này được đưa ra bàn bạc trước toàn thể nhân dân để lấy ý kiến chung. Hương ước mới được soạn thảo cũng mang dáng dấp của hương ước cổ, bao gồm từ quy định chung; đến những quy định về văn hóa và tục lệ, hội hè, đình đám; và trật tự an ninh thôn xóm, bảo vệ mùa màng; về lễ cưới hỏi, ma chay; về khen thưởng và xử phạt.
Trong số các địa phương xây dựng và soạn thảo hương ước mới, có thể kể tới Bắc Ninh là một trong những tỉnh có "phong trào" tái lập hương ước rầm rộ: "Trong ba năm, từ tháng 7 - 1990 đến tháng 6 - 1993, toàn tỉnh (Hà Bắc cũ) đã có hơn 500 làng trên tổng số 8.011 làng đã xây dựng xong hương ước. Tính đến giữa năm 2001, Bắc Ninh có 560/695 làng đã có hương ước (chiếm hơn 80%)". Nghiên cứu của tác giả Bùi Xuân Đính cho thấy cũng tại Bắc Ninh, địa phương có số hương ước chiếm nhiều nhất là huyện Tiên Sơn (cũ), với 127/144 làng đã có hương ước. Và bản hương ước ra đời sớm nhất ở Bắc Ninh lúc đó là Hương ước làng Hồi Quan (xã Tương Giang, huyện Từ Sơn), vào tháng 7 - 1990.
Theo tác giả Nguyễn Huy Tính, tại một số địa phương khác như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây (cũ), Bắc Giang tỷ lệ quy ước, hương ước mới được xây dựng chiếm khoảng 70 - 80% trong tổng số làng, trong đó số hương ước đã được chính quyền các cấp thẩm định và phê duyệt là 40 - 50%. Tại Nghệ An, có 3.154 bản hương ước đã được thảo dựng, trong đó có 1.455 bản được phê duyệt.
Năm 1991, làng Trang Liệt, huyện Từ Sơn cũng đã soạn thảo một bản quy ước mới: - Quy ước làng Trang Liệt, nội dung có 6 chương (Chương l: Những quy định chung; Chương 2: Lễ nghi Tôn giáo; Chương 3: Nếp sống văn hóa; Chương 4: Đạo lý gia đình - Xã hội; Chương 5: An ninh - Trật tự xóm làng; Chương 6: Tổ chức thực hiện- Khen thưởng - Kỷ luật) và 17 điều khoản thi hành. Trong quá trình soạn thảo quy ước cũng được đưa ra để nhân dân thảo luận cùng nhiều ban ngành chức năng như: Chi bộ Đảng, Mật trận thôn, Hội người cao tuổi . . . và có sự đồng ý của chính quyền cấp xã.
Năm 1995, làng Đồng Bụt (Quốc Oai - Hà Nội) đã soạn thảo quy ước làng văn bia, bao gồm 6 chương (Chương l: Những quy định chung và công tác tổ chức; Chương 2: Luân lý đạo đức và giáo dục dân trí, Chương 3: Nếp sống văn hóa; Chương 4: Quản lý đất đai; Chương 5: An ninh trật tự; Chương 6: Thi hành quy ước) và 35 điều. Quy ước sau khi ban hành, đã được phát tới từng gia đình và hơn thế nữa vào mỗi buổi chiều, địa phương thường cho phát trên loa truyền thanh để góp phần tuyên truyền sâu rộng.
Năm 1996, làng La Cả, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã cho xây dựng bản Quy ước làng văn hóa làng La Cả, đến năm 1998 thì dược chính quyền phê duyệt. Quy ước gồm 7 chương (Chương l: Những quy định chung; Chương 2: Tôn giáo, lễ hội, tín ngưỡng; Chương 3: Nếp sống gia đình, xã hội; Chương 4: Nếp sống trong việc cưới, việc tang, mừng thọ; Chương 5: Kỷ cương xã hội - an ninh làng xóm; Chương 6: Bảo vệ các công trình công cộng, đất đai sản xuất hoa màu, người làm nhiệm vụ vệ sinh làng xóm; Chương 7: Sửa đổi, hiệu lực thi hành quy ước) và 36 điều.
Thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, năm 2005, làng Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã cho biên soạn lại quy ước. Trên cơ sở đó dựa vào quy ước mới để bảo vệ các di sản văn hóa quê hương, phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có từ xưa. Quy ước làng Tam Sơn năm 2005, là bản quy ước được kế thừa và điều chỉnh dựa trên hương ước năm 1991 và hương ước năm 2000. Quy ước năm 2005 được soạn thảo căn cứ vào ý kiến đóng góp của đông đảo nhân dân, của chi bộ Đảng địa phương, Mặt trận thôn. Bản quy ước có 4 chương (Chương l: Những quy định chung; Chương 2: Những quy định cụ thể, Chương 3: Khen thưởng và xử lý vi phạm; Chương 4: Điều khoản thi hành), 6 mục và 61 điều khoản khác nhau.
Trong xã hội nông thôn cổ truyền, sự có mặt của hương ước đã góp phần củng cố các quan hệ xóm làng, tạo nên một thế ứng xử chặt trong các quan hệ xã hội. Ngày nay, hương ước được tái lập, sau gần một nửa thế kỷ vắng bóng (từ năm 1945). Sự phục hồi đó, một phần đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, mặt khác nó còn phù hợp với những quy định của Nhà nước đã cho phép, thông qua việc khuyến khích tái lập hương ước nhằm mục đích tăng cường quản lý xã hội ở cấp cơ sở: "Có thể nói, đây là giai đoạn phát triển có tính chất tự giác của phong trào xây dựng hương ước mới, đánh dấu bằng sự kiện quan trọng đó là Nghị quyết Ban Chấp hành trung ương Đảng lần thứ V (khóa VII, tháng 6 năm 1998) đã chính thức thừa nhận và khuyến khích các địa phương xây dựng hương ước mới.
3. Nhận xét
Thứ nhất, yếu tố mang ý nghĩa khai mở và định hướng cho sự phục hồi các giá trị truyền thống làng xã xuất phát những chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước đã được thực thi kịp thời và đúng lúc. Trên cơ sở này, những tiềm năng về kinh tế có ý nghĩa làm giàu trực tiếp cho xã hội bắt đầu được khơi dậy. Tiếp theo các chính sách phát triển kinh tế, là những chính sách ưu tiên, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Hai nội dung này đã thống nhất và có quan hệ biện chứng khăng khít, làm nền tảng và cùng tạo đà cho văn hóa, cho các giá trị truyền thống được khơi dậy mạnh mẽ.
Thứ hai, kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới (1986), nền kinh tế của đất nước bước đầu có những đổi thay, và từ phú qúy sẽ sinh lễ nghi. Cụ thể là, trong môi trường làng xã, kinh tế hộ gia đình đã trở về đúng vị trí và chức năng của nó, thay thế cho kinh tế tập thể hợp tác xã, tính tự chủ của kinh tế hộ gia đình cùng với những điều kiện thuận lợi của thể chế thị trường đã chấp cánh cho nền kinh tế làng xã càng ngày càng khởi sắc. Điều kiện kinh tế khá giả đã trở thành bệ đỡ cho cộng đồng có thể tham gia nhiều hoạt động xã hội, điều đó được biểu hiện dưới nhiều hình thức như: Nhu cầu giao cảm tâm linh, vui chơi lễ hội, quan tâm tới gia đình, dòng họ và tổ tiên, hay lớn lao hơn là cùng nhau chung sức xây dựng, sửa sang đình chùa, nhà thờ họ và khôi phục hội làng. . . Những hoạt động này đều xuất phát từ sự thịnh vượng của nền kinh tế. Trong trường hợp này, sự phục hồi các giá trị truyền thống trong sinh hoạt làng xã có vai trò chi phối không nhỏ của yếu tố kinh tế, thậm chí mang ý nghĩa quyết định. Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng, đình chùa, miếu mạo được xây dựng nhiều là bởi xã hội thịnh trị và dân chúng được ấm no.
Thứ ba, các giá trị truyền thống làng xã có một sức sống bền bỉ, một "dòng chảy" đã được thử thách qua nhiều trường đoạn biến thiên của lịch sử dân tộc. Trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, biểu hiện của nó không giống nhau, nhưng bất luận những tác động của điều kiện chủ quan hay khách quan, giá trị đó vẫn khẳng định được bản ngã. Từ những nội dung được trình bày ở trên, chúng ta đang chứng kiến một sự kế thừa, bảo lưu và trao truyền mạch nguồn từ quá khứ . Điều đó cũng minh chứng cho tính bản ngã của các giá trị nêu trên đang được phát huy và cũng đang được thử thách trong một hoàn cảnh mới.
Thứ tư,sự phục hồi các giá trị truyền thống làng xã thể hiện sự năng động và tích cực của cộng đồng cư dân. Họ vừa là chủ thể và khách thể của các giá trị đó. Sự chủ động và linh hoạt của các chủ thể đã góp phần đem lại hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, để quá trình trên được phục hồi theo đúng "tuyến", hạn chế những sai lệch mà vẫn góp phần bảo lưu, làm giàu những giá trị vốn có, thì một yêu cầu đặt ra là chủ thể tham gia và các tác nhân khác cần có một hướng đi phù hợp, để tiến tới một mục đích là phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.