Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 30/10/2006 22:07 (GMT+7)

Về giải Nobel Hòa bình 2006

Trong lịch sử hơn 100 năm của giải Nobel Hòa bình (khởi đầu từ 1901), không phải lúc nào giải thưởng này cũng có được tính thuyết phục đối với công luận trên hoàn cầu. Tuy nhiên, năm nay thì khác hẳn. Phải nói rằng những ai có công tâm và có biết đến sự nghiệp chống giặc nghèo đói của giáo sư Yunus suốt từ 1976 tới nay đều tán thành quyết định đúng đắn của Ủy ban Nobel Na Uy.
Giải thưởng được chia đều cho cha đẻ của Grameen và đứa con sáng giá của Yunus. Điều ấy có nghĩa là những người bấy lâu cộng sự với lý tưởng của Yunus cũng được đánh giá công trạng một cách xứng đáng. Không có họ, một mình Yunus không thể nào trải rộng khắp tấm lòng của ông đến được với mọi ngõ ngách tối tăm của dân nghèo trên thế giới. Yunus và Grameen đã nỗ lực phi thường để tạo nên những sự phát triển kinh tế và xã hội tử tầng lớp dưới cùng (to create economic and social development from below) – đó là lời tuyên dương của Ủy ban Nobel Na Uy. Hòa bình bền vững không thể có được trừ phi những số đông dân chúng tìm thấy những cách phá vỡ cảnh đói nghèo. Yunus và Grameen đã mang đến phương tiện cho họ đột phá thông qua hình thức các khoản tín dụng cực nhỏ (micro-credits).

Năm 1974, giáo sư đưa ra sáng kiến thành lập ở Bangladesh các “gram sarker” tức là các chính quyền làng xã với sự tham gia của nông dân. Sáng kiến này thực sự thành công và năm 1980 được chính phủ Bangladesh tiếp thu. Giáo sư còn khai sáng ra hệ thống nông trang hợp tác gọi là “tebhaga khamar ”, mô hình này được chính phủ Bangladesháp dụng năm 1977, và năm sau (1978) giáo sư được tổng thống Bangladesh trao giải thưởng về sáng kiến nông trại này. Ngoài giải thưởng Central Bank (1985) của Bangladesh , ông còn được giải thưởng cao quý nhất của đất nước là giải Ngày Độc lập (the Independence Day Award, 1987).

Trước khi nhận giải Nobel Hòa bình, giáo sư Yunus còn được trao nhiều giải thưởng quốc tế như: giải Ramon Magsaysay (1984: Manila, Philippines); giải Kiến trúc Aga Khan (1989: Geneva, Thụy Sĩ); giải Khoa học Mohamed Shabdeen (1993: Sri Lanka ); giải Lương thực Thế giới của World Food Prize Foundation (1994: Mỹ).

Thay vì một tiểu sử tỉ mỉ về cuộc đời hoạt động không mệt mỏi của giáo sư Yunus để phụng sự người nghèo trên khắp thế giới, chúng ta có thể ghi nhớ ước mơ của ông: “Một ngày nào đó con cháu chúng ta sẽ tới các viện bảo tàng để thấy đói nghèo là như thế nào.”
Vâng, những con người nhân bản, những chiến sĩ hòa bình chỉ mơ ước một điều, rằng nghèo đói sẽ trở thành hiện vật của viện bảo tàng chứ không còn là thực trạng thương đau đang xói mòn hành tinh này.

Tín dụng không thế chấp cho người nghèo

Sinh năm 1940, Mohammad Yunus nhận học bổng Fullbright (1965) và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Viện đại học Vanderbilt (Mỹ). Đang dạy đại học tại bang Tennessee, ông được mời về nước làm trưởng khoa Kinh tế tại Viện đại học Chittagong (1972). Bấy giờ Bangladesh(147.570km2) vừa độc lập (16-12-1971) sau 24 năm làm một tỉnh của Pakistan (từ 1947).

Hồi hương, ông hy vọng tràn trề nhưng chỉ thấy đất nước trượt nhanh xuống dốc. Nạn đói khủng khiếp năm 1974 phơi xác đồng bào ông khắp đường phố. Đang dạy môn kinh tế phát triển (development economics), tiến sĩ Yunus chua xót nhận ra lý thuyết hàn lâm trong giảng đường không giống cuộc sống bên ngoài. Ông quyết định tự học lại kinh tế bằng cách dấn thân để cọ xát thực trạng xã hội và những mảnh đời nghèo đói của đồng bào trên quê hương ông.
Viện đại học Chittagonglọt thỏm giữa các ngôi làng ở đông nam Bangladesh . Trút bỏ tư thế sang cả của vị giáo sư tiến sĩ, Yunus bình dị cuốc bộ từ trường vào làng trò chuyện với dân quê, tìm hiểu lý do vì sao họ phải cam chịu nghèo khổ suốt đời này sang đời khác.
Ông gặp một phụ nữ làm ghế tre chỉ kiếm được 2 xu sau khi quần quật cả ngày. Chị giải bày: thiếu vốn mua tre, chị mượn tiền chủ cửa hàng ghế tre, thế nên y mua lại thành phẩm của chị rẻ mạt, gần như ngang giá nguyên liệu!

Yunus suy nghĩ: nếu được giúp vốn, có thể tùy ý bán sản phẩm cho chỗ nào cao giá, chị ấy khỏi phải lao động theo kiểu nô lệ. Ông nhờ sinh viên đi khắp làng điều tra và sau một tuần lập được danh sách 42 người cùng hoàn cảnh như chị làm ghế. Chỉ cần một khoản “taka” (đồng tiền Bangladesh) bấy giờ tương đương 30 Mỹ kim thì 42 người ấy khỏi bị bóc lột sức lao động.
Móc túi lấy ra 30 Mỹ kim, Yunus định giao sinh viên chia cho dân làng vay. Nhưng ông chợt nghĩ lại: những người bần cùng khác nếu cần tiền sẽ không dám tìm gặp ông, vì ông là giáo sư tiến sĩ, khoa trưởng ở viện đại học! Vậy phải có ngân hàng tín dụng cho người nghèo.
Yunus tiếp xúc các chủ ngân hàng, nhưng hầu hết đều phì cười vì những khoản vay quá nhỏ, tiền lãi không đủ bù đắp công sức và chi phí hành chánh của ngân hàng. Yunus làm đủ mọi cách để thuyết phục họ, thậm chí còn tự nguyện bảo lãnh một khoản tín dụng 300 Mỹ kim thử nghiệm và thực tế đã chứng minh là nợ đều thu hồi đủ.
Tuy nhiên, vẫn không ngân hàng nào chấp nhận sáng kiến của Yunus, ông bèn quyết định sẽ lập ngân hàng riêng để đích thân thực hiện mô hình tín dụng cực nhỏ (micro-credit model) dành cho người nghèo. Giáo sư Tiến sĩ Mohammad Yunus nói:
“… một khi được trao cho khả năng kinh tế thì người nghèo là những chiến sĩ kiên định nhất trên mặt trận giải quyết vấn đề dân số, chấm dứt nạn mù chữ, và sống lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn. Cuối cùng, khi những ai hoạch định chính sách nhận thức được rằng người nghèo không phải là kẻ đứng ngoài, không phải là thù địch, mà chính là bạn đối tác của mình, thì bấy giờ chúng ta sẽ tiến nhanh hơn nhiều so với những gì đang làm hiện nay.”
“. .. the poor, once economically empowered, are the most determined fighters in the battle to solve the population problem; end illiteracy; and live healthier, better lives. When policy-makers finally realize that the poor are their partners, rather than bystanders or enemies, we will progress much faster that we do today.”

Dự án ngân hàng Grameen ra đời tại làng Jobra, Bangladesh(1976), rồi trở thành ngân hàng chính quy do một đạo luật đặc biệt của chính phủ (1983).
Theo thống kê tháng 3-2005, Grameen do chính người nghèo vay nợ làm chủ (chiếm 94% cổ phần), nhà nước chỉ có 6% cổ phần (2005); mô hình Grameen đã lan ra hơn 50 quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Theo báo cáo tài chánh ngày 13-9-2006, Grameen có tổng cộng 6.606.560 nhân viên (nữ chiếm 6.381.750 người), gồm 2.226 chi nhánh, hoạt động ở 71.371 ngôi làng. Trụ sở chánh của Grameen hiện nay ở Dhaka (thủ đô Bangladesh ).
Theo thống kê tháng 3-2005, Grameen có 4,35 triệu khách hàng (phụ nữ chiếm 96%), và 55% gia đình vay tín dụng đã vượt qua ngưỡng nghèo khổ. Tính từ năm 1976, tổng số “taka” cho vay tương đương 4,74 tỷ Mỹ kim; bình quân mỗi tháng cho vay 39,48 triệu Mỹ kim (thống kê 2004).
Grameen cho vay các khoản cực nhỏ (micro-loans) không đòi thế chấp, không yêu cầu người bảo lãnh, không buộc người vay ký các giấy tờ ràng buộc pháp lý vì Yunus không chủ trương kiện những người không hoàn nợ, thế mà tỷ lệ thu hồi tín dụng là 98,89%. Tính riêng tháng 8-2006, Grameen cho vay 68,71 triệu Mỹ kim, thu hồi nợ trong tháng này là 67,36 triệu Mỹ kim. Theo báo cáo tài chánh ngày 13-9-2006, tỷ lệ thu hồi tín dụng là 98,85%.

Người cho vay bao giờ cũng muốn “nắm đằng cán”. Cái cán mà Yunus và Grameen nắm chắc trong 30 năm qua chính là tấm lòng đối với những dân quê nghèo khổ. Chính vì thế mà Grameen thành công rực rỡ dù đã phải gieo giống trên sỏi đá. Những gian khó của Grameen được chính giáo sư Yunus tóm tắt như sau, khi tâm sự với những người Việt Nam đầu tiên sang Bangladesh học hỏi kinh nghiệm của Grameen: “Nếu lá rừng trên các châu lục có thể biến thành giấy, nếu nước biển ở khắp các đại dương có thể biến thành mực, thì ngần ấy giấy mực cũng không thể ghi hết những khó khăn mà ngân hàng Grameen đã phải trải qua.”


Nhà ở và học bổng cho người nghèo

Theo www.cia.gov/cia/publications/factbook, Bangladesh có 147.365.352 dân (tháng 7-2006), lực lượng lao động nông nghiệp chiếm 63%. Năm 2004, số dân sống dưới mức nghèo đói (population below poverty line) là 45%. Vì thế, trong nhiều mục tiêu quan tâm, Yunus chú ý giúp dân nghèo có một mái nhà. Tín dụng nhà ở (Housing Loan) vì thế đã sớm đi vào hoạt động. Riêng trong tháng 8-2006, dân nghèo đã vay của Grameen 5,17 triệu Mỹ Kim cho khoản nhà ở.
Muốn giải quyết tận căn cơ nạn nghèo đói còn phải lo nâng cao dân trí. Yunus và Grameen vì thế đã lập quỹ cấp học bổng cho người nghèo. Tính từ khi thành lập quỹ này, Grameen đã cấp 31.164 học bổng trị giá 0,39 triệu Mỹ kim (nữ chiếm 18.269 người, trị giá 0,23 triệu Mỹ kim). Ngoài ra, học bổng dành cho bậc đại học và sau đại học đã cấp cho 11.980 sinh viên, trị giá 4,9 triệu Mỹ kim (nữ chiếm 2.357 người, trị giá 0,93 triệu Mỹ kim).

GS Yunus và mô hình Grameen tại Việt Nam

Năm 1993, Tổng thư kí APDC (Trung tâm phát triển Châu Á - Thái Bình Dương) đã khuyến khích Việt Nam nên áp dụng đúng mô hình ngân hàng Grameen.
Năm 1995, lần đầu tiên giáo sư Yunus đến Việt Nam . Rời sân bay Nội Bài, ông liền tới thăm chi nhánh số 1 Quỹ Tình thương tại huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, sau đó là nhiều chi nhánh khác của Quỹ này. Sau đó, giáo sư Yunus có hai lần đến Tp.HCM: tháng 5-2003 và tháng 6-2005.
Quỹ ủy thác của Grameen (Grameen Trust) từng cho Việt Nam vay 21.000 Mỹ kim với lãi suất nhẹ để thực hiện mô hình Grameen và kèm theo một điều ghi nhớ rằng: nếu làm thành công thì Grameen Trust sẽ tặng lại số vốn lẫn lãi.

Hai tổ chức ứng dụng phương pháp Grameen lớn của Việt Nam là Quỹ CEP (Quỹ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm tại Tp.HCM) và Quỹ Tình thương của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ VN). Cả hai lần lượt làm thành viên của hệ thống Grameen toàn cầu, và cùng với Mạng lưới tài chính vi mô M7, hiện nay ba tổ chức này đã ứng dụng, nhân rộng phương pháp Grameen tại 16 tỉnh với 130 ngàn hộ gia đình nghèo và rất nghèo từ miền núi phía bắc Sơn La, Điện Biên Phủ, tới Bà Rịa, Long An…

Nguồn: Vietsciences.free.fr 26/10/2006

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.