“Vàng” trong... điện
Hai năm sau ngày về làm nhân viên thiết kế chính cho Nhà máy sửa chữa thiết bị điện Đông Anh, Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt đã hoàn thiện đề tài cấp bộ “Nghiên cứu thiết kế máy biến áp 16.000kVA - 110kV”. Không bằng lòng với những gì đã làm được, kỹ sư Nguyệt lại tiếp tục nhận nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế chế tạo máy biến áp 15.000kVA-35kV lắp đặt tại trạm phát bù Quảng Ninh.
Chính những thành công bước đầu này của kỹ sư Nguyệt đã là một đảm bảo để Nhà máy chế tạo thiết bị điện Đông Anh quyết định giao cho bà nhiệm vụ thiết kế chính công trình “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy biến áp 25.000kVA-110kV”.
Mất gần ba năm tìm đọc tài liệu, đi thực tế tại các trạm biến áp 110kV và tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài, bà đã hoàn thành thiết kế máy biến áp 25.000kVA-110kV. Công trình đã được hội đồng nghiên cứu KH-CN cấp nhà nước chính thức nghiệm thu và quyết định đưa vào vận hành trong hệ thống lưới điện quốc gia sau bốn tháng chạy rốtđa tại trạm 110kV Vĩnh Yên. Máy biến áp 110kV đầu tiên của Việt Nam ra đời dưới bàn tay của kỹ sư Nguyệt cùng đồng nghiệp Công ty chế tạo thiết bị điện Đông Anh ngay lập tức trở thành vật đối trọng kéo giá nhập khẩu máy biến áp xuống, mỗi năm làm lợi cho nhà nước khoảng 60 tỷ đồng.
Năm 2002 trọng trách lớn thứ hai được giao cho kỹ sư Nguyệt với đề tài nghiên cứu thiết kế máy biến áp 220kV nặng tới 142 tấn và trị giá hàng triệu USD. Một chiếc máy vô cùng phức tạp mà cho đến thời điểm đó các kỹ sư Việt Nam chưa từng nhìn thấy kết cấu bên trong của nó, thậm chí không có đủ kinh phí tới 1,8 triệu USD chỉ để mua bản thiết kế của nước ngoài. 14 tháng lao động không ngừng nghỉ, máy biến áp 220kV chính thức vận hành trong hệ thống lưới điện quốc gia trước sự ngỡ ngàng và khâm phục của nhiều người. Khi thông tin này được công bố, rất nhiều nhà khoa học nước ngoài không thể tin Việt Nam đã chế tạo được máy biến áp 220kV và càng không tin vào sự sáng tạo của một phụ nữ.
Trong bộ sưu tập với 20 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 12 công trình thiết kế chính, hơn 20 giải thưởng của kỹ sư Nguyệt giờ còn có thêm Giải thưởng dành cho nhà sáng tạo nữ có thành tích xuất sắc nhất của tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) và mới nhất là huy hiêu tôn vinh anh hùng lao động thời kỳ đổi mới trong chương trình “Vinh quang Việt Nam”. Nhưng với bà, giải thưởng lớn nhất là cuộc sống hạnh phúc cùng chồng và cậu con trai trong căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười.
Nguồn: KH&ĐS Số 38 Thứ Sáu 12/5/2006