Vấn đề Cao Lan, Sán Chỉ
Dân tộc Sán Chay (Cao Lan – Sán Chỉ) hiện nay với số dân là 147.315 người, cư trú dọc một dải từ Quảng Ninh qua Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, có một quá trình hình thành khá phức tạp. Ban đầu, địa bàn sinh tụ của họ ở Trung Hoa, vùng giáp 3 tỉnh Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, nằm đúng vào con đường bành trướng của dân tộc Hán xuống phương Nam . Đó là một bộ phận của người Cháng (xưa gọi là Choang) cổ, có tên tự gọi là Hờn Chùng (Hờn = người, Chùng là Choang), sau vì chiến tranh phải chuyển cư dân xuống phương Nam . Ngành thứ nhất qua vùng Quảng Đông bỏ tiếng mẹ đẻ, nói một thổ ngữ Quảng Đông, đó là bộ phận Sán Chỉ. Ngành thứ hai qua dọc tỉnh Quảng Tây, vùng người đồng tộc vào Việt Nam, giữ tiếng mẹ đẻ, đó là bộ phận Cao Lan. Do ở gần người Dao nên trong tiếng nói của họ pha tiếng Dao, cũng như trong văn hoá có yếu tố Dao.
Hai bộ phận đó đến Việt Nam có thể cách đây khoảng 400 năm, cuối triều Minh, đầu đời Thanh, được Lê Quý Đôn nhắc đến sớm nhất trong Kiến văn tiểu lục. Họ đến bằng nhiều đợt, đi bằng nhiều đường, cư trú rải rác một vệt từ biên giới Việt – Trung qua vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang lên Yên Bái. Hai bộ phận này nay ở Trung Quốc vẫn mang 2 tên gọi được xếp vào dân tộc Choang cùng với các nhóm Choang, Tày, Nùng (theo Từ Tùng Thạch)…Đó là tộc người có nhiều thay đổi trong lịch sử, từ ngôn ngữ đến văn hoá, ngay trong một nhóm, do cư trú cách biệt cũng có những điểm khác nhau. Đó là một tộc người song ngữ nhưng lại hiểu chung qua một ngôn ngữ được phiên âm từ chữ Hán thường được dùng trong hoạt động tôn giáo, văn hoá nghệ thuật.
Về phương diện sinh hoạt và văn hoá, qua các hội thảo, toạ đàm xác định thành phần dân tộc lần trước, tất cả đều khẳng định về cơ bản hầu như giống nhau, khó có thể phân biệt được yếu tố nào là của riêng người Cao Lan hay Sán Chỉ. Ngược lại, có thể thấy sự khác nhau về chi tiết trong nội bộ từng nhóm, và sự giống nhau giữa 2 nhóm cư trú trong cùng một địa phương. Về quan hệ dòng họ và hôn nhân, 2 nhóm đều có các dòng họ lớn như Hoàng, Trần, La, Lý, Nịnh, đều có một số họ khác do có quan hệ hôn nhân với người khác tộc. Có trường hợp, người cùng một họ có khi thuộc Cao Lan, có khi thuộc Sán Chỉ; hoặc trước tự khai là Cao Lan, sau lại nhận là Sán Chỉ. Người Cao Lan và Sán Chỉ có quan hệ hôn nhân bình thường. Phổ biến có gia đình có 2-3 con dâu, rể người khác nhóm, trong khi đó, trước 1945 hôn nhân với người khác tộc như Tày, Nùng, Kinh, Sán Dìu lại rất hiếm.
Đáng chú ý là khó phân biệt được nhà ở và trang phục giữa 2 nhóm, nhất là trong hát sình ca hầu như không có sự phân biệt, cũng như trong tôn giáo, người Cao Lan và Sán Chỉ có chung một cách cúng, một bộ tranh thờ, một thầy tào hoặc thầy cúng, Cao Lan và Sản Chỉ thường phối hợp với nhau để tiến hành một nghi lễ. Hai nhóm vẫn tôn sùng 2 vị tù trưởng là người cầm đầu những cuộc di cư của họ như Nịnh Văn Bình và Hoàng Văn Thẩm. Dưới thời thuộc Pháp không phải không có lý khi ở vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang, người Pháp đặt ra các chức quản, quan lãnh và tài chạ chung cho người Cao Lan và Sán Chỉ.
Nguồn: Tạp chí Dân tộc và Thời đại, số 66, tháng 5/2004