Vai trò của văn hoá đọc trong đào tạo hiền tài
Văn hoá đọc phải được xác định là yêu cầu tất yếu trong đào tạo hiền tài. Hiện nay co nhiều loại hình tiếp thu tri thức thông qua văn hoá đọc, văn hoá nghe nhìn, văn hoá mạng… Nhưng trên thực tế văn hoá đọc là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Nhân tài thực sự, thường gọi là hiền tài, chủ yếu do tự học hỏi, tự rèn luyện vươn lên. Tự học tập có vai trò rất quan trọng trong đào tạo tài năng, bởi vì giáo dục phổ thông, dạy nghề và đào tạo đại học đại trà chỉ cung cấp mặt bằng kiến thức tối thiểu, góp phần phát hiện tài năng chứ không thể làm được điều này. Nếu như nhà tý phú tin học Bill Gate không có ý chí và nghị lực trong học tập, yên vị trên ghế nhà trường theo đuổi tấm bằng đại học như cách nghĩ của phần đông trong chúng ta, không dám rẽ ngang để đi tiên phong trong khai phá lĩnh vực thiết kế các hệ điều hành, xây dựng nên đế chế phần mềm Microsoft thì có thể chúng ta chưa có những phần mềm tiện ích như hiện nay. Nhưng tài năng của Bill Gate vẫn cần có môi trường cạnh tranh uy quyết liệt nhưng lành mạnh, với tinh thần dân chủ khoa học, không bị áp đặt ý tưởng thì mới có thể đơm hoa kết trái được. Như vậy, chính văn hoá đọc quyết định quá trình tự học tập để nâng cao tri thức, tự rèn luyện để hoàn thiện nhân cách.
Chúng ta không phủ nhận một thực tế khác là các loại hình đào tạo không tập trung như tại chức, từ xa… đang trở nên ngày càng phổ biến hiện nay có sử dụng rất hiệu quả văn hoá nghe nhìn trong quá trình học tập. Nhưng văn hoá nghe nhìn chỉ sử dụng với góc độ phương tiện chuyển tải các bài giảng, các thông tin mang tính định hướng cho quá trình tự học, mà tự học vẫn phải dựa trên tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu - tức là dựa trên nền tảng cơ sở là văn hoá đọc… Như vậy, vấn đề cần quan tâm là phát triển văn hoá đọc, tức là nghiên cứu để xây dựng định hướng nhằm hình thành thói quen đọc sách, biết cách đọc sách… cho người dân. Đây là công việc không hoàn toàn đơn giản.
Và như vậy, chúng ta có thể hiểu đơn giản văn hoá đọc là đọc sách một cách văn hoá. Như vậy, đọc sách là cả một quá trình dài, bao gồm nhiều công đoạn xâu chuỗi với nhau, tạo nên một chỉnh thể và có tính mục đích rõ ràng. Quá trình này bắt đầu từ việc lựa chọn cái cần đọc, lựa chọn cách thức đọc, tiếp thu có lựa chọn những trí thức chứa đựng trong cuốn sách, suy ngẫm về những điều tiếp thu được, thậm chí lật ngược vấn đề để hiểu cho cặn kẽ hơn… Nó trái ngược với xu hướng đọc sách dễ dãi phổ biến hiện nay, nơi trẻ em chỉ say mê truyện tranh nước ngoài, với nội dung và cách trình bày còn nhiều điều phải bàn, còn người lớn chỉ biết đến sách kiếm hiệp, huê tình và báo chí giật gân kiểu lá cái. Tất nhiên, thiên hạ bách tánh, mỗi người có những lí do khác nhau để quyết định cái họ cần đọc, để tự lựa chọn loại sách sẽ đọc, nhưng đứng trên bình diện quản lý xã hội thì việc đọc sách không có văn hoá có thể tiềm ẩn cả những nguy cơ lớn cho toàn xã hội. Chúng ta có thể thấy rằng không thể đào tạo nhân tài, đặc biệt là hiền tài, nếu thiếu một văn hoá đọc sâu rộng, đi sâu vào quảng đại quần chúng, tạo môi trường thuận lợi cho tài năng được học tập không ngừng. Và các cơ quan chức năng cũng cần nắm bắt tình hình để xây dựng chiến lược định hướng và phát triển văn hoá đọc cho mỗi người dân nói chung và nhằm qua đó phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng hiền tài cho đất nước nói riêng.
Nguồn: Khoa học - Ứng dụng (LHH Nghệ An), 5/10/2005