Ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm giải Nhất Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần II
Giải pháp 3 trong 1
Đề tài phục vụ sản xuất nông nghiệp được ban giám khảo đánh giá cao vì sản phẩm được áp dụng rộng rãi trong thực tế. đó là sản phẩm “Hệ thống tưới nước, tưới phân bón và thuốc bảo vệ thực vật 3 trong 1” của tác giả Nguyễn Bá Thịnh (58 tuổi), nông dân xã Lộc An (Lộc Ninh).
Ông Thịnh cho biết, gia đình trồng tiêu từ năm 1996. Qua nhiều năm ông thấy sự vất vả, cực khổ của những người thân trong gia đình cũng như các hộ trồng tiêu, đặc biệt là những hộ có diện tích vườn tiêu lớn, vừa khó khăn trong thuê nhân công vừa tốn kém chi phí. Từ thực tế đó, ông đã nghiên cứu giải pháp giúp nông dân giảm tối đa nhân công, chi phí và tăng năng suất cây trồng. Sản phẩm bao gồm một bình chứa phân và máy đánh phân, đánh thuốc, bình áp lực, máy bơm nước và hệ thống đường ống tưới nước liên hoàn, có kiểm soát. Trong mỗi hệ thống, nếu lắp đặt cho 1 ha hồ tiêu chi phí khoảng 40 triệu đồng. Và hệ thống đã đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân như tiết kiệm 50% lượng phân bón, 60% nhân công, 30% nước và tăng 15-20% năng suất. Sản phẩm giúp hồi sinh vườn tiêu và đã được áp dụng rộng rãi trong toàn tỉnh. Với sản phẩm này, nông dân Nguyễn Bá Thịnh được Hiệp hội Hồ tiêu thế giới công nhận là người trồng tiêu giỏi của Việt Nam.
Biến rác thải cao su, nhựa thành dầu FO-R
Trong lĩnh vực vật liệu hóa chất - năng lượng, tác giả Nguyễn Thành Tài (31 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH TMDV Công Nghệ Mới, Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc đoạt giải nhất với sản phẩm “Quy trình tái chế rác thải cao su, nhựa thành dầu FO-R bằng công nghệ nhiệt phân liên tục”. Sản phẩm không những đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Anh Nguyễn Thành Tài
Anh Tài cho biết, trong thời gian học tập ở nước ngoài anh có dịp tham quan thực tế một số nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại để xử lý, tái chế rác cao su, nhựa thành dầu DO. Đó là “vận may”, vì ở nước ta rác được xử lý bằng cách tiêu hủy, chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà chưa đem lại giá trị kinh tế. Sau khi tốt nghiệp từ Đức trở về với bằng thạc sĩ công nghệ thông tin - kinh tế, anh và những người cùng chí hướng lập nên công ty Newtech và nhanh chóng bắt tay nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu sản xuất dầu DO nhưng không hiệu quả nên chuyển sang tái chế thành dầu FO-R. Từ những phế liệu cao su, nhựa tưởng chừng bỏ đi, thông qua hệ thống tái chế sử dụng công nghệ nhiệt phân liên tục, nhóm nghiên cứu đã biến rác thành nhiên liệu mang lại hiệu quả kinh tế. Công nghệ được tiến hành khép kín, kết nối thành dây chuyền, sử dụng máy móc và tự động hóa là chủ yếu. Trung bình mỗi tháng, công ty xử lý được 1.000 tấn nguyên liệu, tương đương 400 tấn dầu, 400 tấn than, phần còn lại là gas để tuần hoàn nhiên liệu đốt cho hệ thống tái chế. Với sáng chế của mình, anh Tài được nhận giải thưởng “Vì môi trường xanh quốc gia” năm 2013.
Phần mềm giúp các ngành chủ động công tác quy hoạch
Trong các sản phẩm đoạt giải, giải pháp “Phần mềm quản lý lập địa tỉnh Bình Phước” của tác giả Trần Quốc Hoàn (38 tuổi), chuyên viên văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là sản phẩm duy nhất được trao giải thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - điện tử viễn thông.
Anh Trần Quốc Hoàn
Sản phẩm được đầu tư nghiên cứu công phu; có tính mới là giúp phân loại được điều kiện lập địa từ cấp tiểu vùng đến cấp dạng lập địa. Thống kê, tra cứu được lập địa đến mức độ chi tiết từng héc ta đất. Đồng thời đánh giá được tiềm năng lập địa, khả năng thích hợp lập địa của một số loài cây lâm nghiệp. Theo anh Hoàn, việc ứng dụng phần mềm này trong thực tiễn rất dễ. Phần mềm được cài đặt độc lập trên máy tính cá nhân thông dụng, tốc độ xử lý nhanh, giao diện rõ ràng bằng hình ảnh sẽ giúp chủ đất biết đất của mình phù hợp, hiệu quả với loại cây trồng nào; các cấp quản lý nông nghiệp có cơ sở để quy hoạch tầm vi mô và vĩ mô...
Chế tạo máy quấn cuộn dây biến áp
Nhiều năm gắn bó với công việc tại phân xưởng cơ điện, Công ty điện lực Bình Phước, anh Từ Văn Sơn (41 tuổi) đã chế tạo thành công sản phẩm “Máy quấn cuộn dây máy biến áp”. Anh cho biết, trước đây để cuốn 1 cuộn dây cao áp, 1 chiếc máy bình thường cần đến 2 người và cuốn trong 1 ngày. Với chiếc máy do tôi chế tạo chỉ cần 1 người cuốn trong 1 ngày. Máy có chức năng và phương thức vận hành rất khác với những dòng máy quấn cuộn dây đang có trên thị trường. Sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và chất xám cao. Mặc dù vận hành thủ công nhưng chiếc máy không đòi hỏi nhiều sức lao động, thiết kế nhỏ gọn, chi phí đầu tư ít, có thể sản xuất đại trà để áp dụng trong ngành điện. Theo anh Sơn, với sản phẩm này một số thiết bị của máy có thể tận dụng phế liệu để tái chế nên giá thành không cao, đặc biệt là khi sản xuất đại trà.
Anh Từ Văn Sơn