Tỷ phú tôm... trái vụ
Nuôi 30 hecta, thu 30 tỷ đồng
Cảnh trắng tay, nợ chồng chất rồi bỏ đầm hoang tìm đất mới mưu sinh của những người nuôi tôm cứ diễn ra. Trước bao nỗi buồn chưa nguôi vì con tôm, thì ở Sóc Trăng ông Sáu Cần (Đinh Thiên Cần, ấp Đại Nôn, xã Liễu Tú, Long Phú, Sóc Trăng) vẫn luôn là người thắng lớn với con tôm sú như có “phép lạ” khiến nhiều người nể phục. Với 30 ha đầm nuôi, năm 2005, ông bán trên 280 tấn tôm thu về gần 30 tỷ đồng. Trừ hết chi phí, ông còn lời 7 tỷ đồng. Năm 2000 trở lại đây, vụ tôm nào ông cũng thắng. Đáng nể ông “vua tôm” này là luôn có tôm thu hoạch trong vụ nghịch. Ở thời điểm người dân đang rải vôi, phơi đáy chuẩn bị thả tôm thì con tôm trong đầm của ông bắt đầu được thu hoạch.
Khoảng tháng 3 này, ông Sáu thu hoạch trên 100 tấn tôm thương phẩm, với giá tôm nghịch vụ hiện nay, ông lời chắc vài tỷ đồng. Ông Sáu thành công với con tôm liên tục 5 năm qua. Năm 2000, thả nuôi 6 đầm, thu 32 tấn lời 4,1 tỷ đồng. Ông quyết định tái đầu tư vào cơ sở nuôi tôm theo đúng ý của mình: từ lối đi, bờ ao, mặt đáy đến đầm lắng, hệ thống điện… Và “bí quyết” quan trọng để thành công chính là kinh nghiệm. Bằng kinh nghiệm ấy, ông “vô tư” thả tôm nghịch vụ. Ông Sáu Cần cho biết: “Để có tôm thu hoạch vào khoảng tháng 3, tôi phải thả tôm vào cuối tháng 10 (Âl). Nhiều người sợ vì thời tiết lạnh rủi ro rất cao nhưng biết ý con tôm thì chẳng sợ gì. Tôi không thả tôm theo mùa vụ gì hết mà nuôi được quanh năm”.
Ông Sáu Cần nuôi tôm theo quy mô công nghiệp, thời vụ ông Sáu chọn thả tôm giống là từ 30/10 Âl đến hết tháng 3 năm sau. Khó khăn nhất khi thả vào thời điểm cuối tháng 10 Âl là thời tiết lạnh, không thích ứng với tôm. Với kinh nghiệm của mình, ông Sáu cho rằng, dù thời tiết lạnh nhưng nhiệt độ không thấp. Cách mà ông áp dụng là oxy đáy, kết hợp với lấy nước sâu (tăng mặt nước lên 1,8 m), như vậy độ lạnh ít ảnh hưởng đến con tôm. Bên cạnh đó là chú ý quản lý tốt môi trường, có tình huống lạ giải quyết ngay. Con giống tốt, khỏe cũng là yếu tố để thành công. Ông Sáu phân tích: “Giải quyết tốt nhiệt độ, môi trường, con giống là cơ sở thành công trong vụ nghịch. Đầu tư cho vụ nghịch không cao so với chính vụ nhưng được giá hơn. Nếu rủi ro thất bại 50% vẫn lời hoặc huề chứ không lỗ so với chính vụ. Mặt khác, nếu trái vụ thất bại thì vẫn còn thời gian cải tạo chuẩn bị cho chính vụ”.
Đoạn trường trên đầm Cầm Trâu
Đầm Cầm Trâu hoang vắng và hiu hắt không bóng người. Chỉ có rừng chà là gai, không trồng được lúa nên chẳng ai bám trụ. Đến những năm 1990, Sóc Trăng phát động nuôi tôm, tiền của bỏ ra nhiều nhưng vẫn không hiệu quả. Khi ấy ông Sáu Cần là Bí thư huyện Long Phú, ông trăn trở rồi xung phong vào nuôi tôm với dân nhưng vẫn thất bại. Thua liên tiếp nhưng ông Sáu vẫn khăng khăng là con tôm sú thành công vì hồi nhỏ chính ông từng thấy tôm sú và bắt được nhiều trên vùng đất này.
Ông lặn lội ra tới miền Trung rồi ngược xuống Bạc Liêu, Cà Mau học tập mô hình nhưng ông vẫn chưa ưng ý. Đến năm 1999, ông học được kinh nghiệm của người Thái Lan rồi thử nghiệm ngay trên đất nhà. Vụ tôm đầu chết gần hết, ông thả vụ tiếp nhưng cũng mất trắng. Gia sản của vị Bí thư huyện không có gì giá trị ngoài căn nhà vách gỗ và ao tôm giữa đồng hoang. Ấy vậy mà ông vẫn chưa từ bỏ ý định, tiếp tục thả nuôi nhỏ. Cái tính “sắc đá” của ông khiến vợ muốn bỏ mặc nhưng không thể không ủng hộ vì ông quá nhiệt tình với con tôm.
Ông Sáu nhớ lại : “Đem con tôm về đầm hoang này tôi hiểu đoạn trường phải qua nhưng là lãnh đạo mình phải tiên phong để dân tin. Nuôi thất bại hoài, nhiều lần trong nhà hết tiền đong gạo. Tôi ngồi rơi nước mắt khi anh đại lý bán thức ăn không dám bán thiếu cho nhà tôi vì sợ không tiền trả dù lúc ấy tôi là bí thư của huyện”.Bầm dập với con tôm từ vụ này sang vụ khác, cuối cùng ông quyết định thế chấp nhà đất nuôi lứa cuối vào năm 2000. Đó là lần ông thành công với 8 tấn tôm bán được 1,1 tỷ đồng. Nhận ra quy trình của mình đúng, ông quyết định cải tạo ao nuôi tiếp, rồi lại thắng đậm. Theo quy trình đó, từ năm 2000 đến nay ông Sáu Cần luôn thành công với doanh thu hàng năm không dưới 20 tỷ đồng.
Là người duy nhất trên đất Cầm Trâu nuôi tôm thắng lợi, ông bắt đầu chỉ dẫn và chia sẻ kinh nghiệm ấy cho người dân trong vùng. Ông nói vui , “nhiều lúc chỉ dân nuôi tôm mà về nhà ngủ không được. Chỉ hết mình nhưng sợ dân nuôi sơ suất thất bại thì có lỗi lớn”.Đích thân ông và cho người qua hướng dẫn kỹ thuật để dân làm theo, nhiều người tin tưởng nên thắng lớn. Ngay trên mảnh đất Cầm Trâu này, ông đã giúp đào ao, đưa thức ăn, con giống cho gần 40 gia đình nghèo nuôi tôm trị giá hàng tỷ đồng. Nhiều hộ vươn lên làm giàu và đầu tư theo nghề tôm khiến đầm Cầm Trâu mênh mông hoang vắng giờ đây thành vùng nuôi tôm công nghiệp lớn. Về Sóc Trăng ai cũng biết “vua tôm” Sáu Cần nuôi tôm theo ý muốn. Điều đáng quý hơn cả là ông Sáu Cần sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quý giá đó cho những ai muốn nuôi tôm.
Nguồn: Khoa học phổ thông10/3/2006