Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 04/10/2005 14:19 (GMT+7)

Tỷ phú ‘bùn’ - Nuôi giấc mơ làm sạch môi trường

Từ nỗi ám ảnh của dân làng

Đến Dương Liễu, không cần phải hỏi bất kỳ ai cũng có thể hình dung ra được nỗi khổ của người dân khi phải sống chung với ô nhiễm. Mỗi ngày, làng nghề làm miến này thải ra hàng chục tấn bã từ rong riềng. Bã thải bị ủ men ùn đọng từ mấy chục năm nay, dềnh ra khắp đồng làng, ùn lại dưới những cống rãnh đặc quánh, bốc mùi hôi nồng nặc. Chưa hết, nhà nào cũng nuôi lợn với số lượng lớn trong khi diện tích đất nông nghiệp của địa phương có hạn nên lượng phân không sử dụng hết cũng được dồn về các cống rãnh làm cho vấn đề môi trường trở nên nghiêm trọng.

Nỗi ám ảnh của bà con cũng là nỗi ám ảnh của người cựu chiến binh Nguyễn Phi Sinh - nguyên chiến sĩ Đoàn Phòng không B72, phục viên năm 1980. Về quê, anh tiếp tục mưu sinh bằng nghề làm miến truyền thống. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường của thôn, anh ao ước tìm ra một giải pháp nào đó để đem lại môi trường trong lành nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Qua một thời gian quan sát, anh để ý thấy những cánh đồng đổ bã thải rong riềng khiến cho lúa trồng ở đó bị “lốp” rất nhiều. Phát hiện ra vấn đề này, Nguyễn Phi Sinh biết rằng lượng bùn bã thải kia có hàm lượng chất hữu cơ rất lớn và rất hữu ích cho cây trồng nếu biết sử dụng đúng mức độ. Ý tưởng làm phân vi sinh của anh bắt đầu từ đó. Anh đã tìm tòi, chế biến thử làm phân bón ruộng nhưng những thử nghiệm ban đầu mang nặng cảm tính đã không thu được thành công. Anh lại mạnh dạn tìm đến Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp I để hỏi cách làm phân vi sinh. Kỹ sư Vi Văn Tuấn, cán bộ chuyên nghiên cứu về vi sinh vật của Viện đã lắng nghe và hào hứng cố vấn cũng như cổ vũ anh tiếp tục nuôi giấc mơ biến bùn bã thải thành phân bón để góp phần giải bài toán môi trường cho địa phương.

Mặc dù đã có nhà khoa học làm quân sư nhưng ý tưởng của anh vẫn vấp phải nhiều điều không thuận. Vốn liếng ít ỏi cộng với điều tiếng nghi ngờ của bà con chòm xóm khiến cho vợ con anh cảm thấy lo lắng khi anh dốc hết tiền của sức lực vào những đống bùn “bỏ đi” ấy. Khi anh mang ngôi nhà của mình thế chấp vay 60 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư thiết bị phục vụ công việc chế biến thì những lời bàn ra ngày càng nhiều. Mặc kệ! Anh thuyết phục vợ con yên tâm, ngày ngày đi bốc bùn đang tràn ngập các cống rãnh của làng đem phơi khô làm nguyên liệu chế biến phân vi sinh theo công thức đã định. Sản phẩm ra đời, được Trung tâm Kỹ thuật 1 (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường-Chất lượng) kiểm chứng và công nhận đủ tiêu chuẩn sử dụng với tên gọi phân vi sinh hữu cơ Trường Sinh SC999. Tuy nhiên, phân vi sinh của anh sản xuất thủ công, chưa có vị trí trên thị trường nên nông dân còn chưa biết đến; dù mỗi ngày chỉ sản xuất 3 tấn nhưng không tiêu thụ được. Kỳ hạn trả nợ ngân hàng đến đúng lúc lượng hàng tồn đọng nhiều, việc sản xuất đang lâm vào thế bế tắc. Thế là căn nhà gia đình anh ở bị niêm phong, cả nhà phải dọn xuống bếp ở. Anh bảo: “Thời kỳ đó thật bi đát, cả nhà tôi chui rúc trong cái bếp con mà ngày nào cũng phải nghe tiếng rao bán nhà trên loa truyền thanh”. Nhưng càng lâm vào gian nan càng khiến anh thêm quyết tâm.

Giàu lên nhờ ... bùn

Tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của mình, Nguyễn Phi Sinh động viên gia đình tiếp tục sản xuất. Còn anh lặn lội đi khắp nơi tiếp thị sản phẩm. Cách tiếp thị của anh cũng không giống ai... Hằng ngày, anh đạp xe rong ruổi trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Hà Tây đem theo sản phẩm của mình đến từng nơi quảng cáo. Nhiều khi anh còn tham gia làm ruộng cùng nông dân, giới thiệu quy trình sử dụng phân vi sinh của cơ sở mình rồi mời họ sử dụng với quan điểm: dùng trước, trả tiền sau, không tốt không lấy tiền. Khi đã bắt đầu “bén rễ” thị trường trong tỉnh, anh tiếp tục “quảng cáo" sang các tỉnh bên cạnh như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Phân vi sinh Trường Sinh SC999 nhờ vậy đã dần trở nên quen thụôc với nhiều nhà nông, lượng hàng hóa tồn đọng được “giải quyết” hết và có vốn quay vòng cho phép anh nâng mức độ sản xuất lớn hơn.

Những lần trực tiếp đi chào hàng và tham gia lao động cùng nông dân, Nguyễn Phi Sinh nhận ra rằng: cần phải sản xuất ra nhiều loại phân phù hợp cho từng vùng đất, từng loại cây trồng khác nhau thì mới tạo ra hiệu quả bón phân cao. Từ đó, anh cải tiến sản phẩm của mình thành nhiều loại “con dơi”, “con trâu” để ngày càng thích nghi với đòi hỏi của thị trường. Bạn hàng tìm đến ngày một nhiều. Anh tăng mức sản xuất lên 15 tấn/ngày đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động. Phân sản xuất được nhiều đồng nghĩa với việc nhiều cánh đồng, cống rãnh bớt đi một phần lượng bùn bã ứ đọng.

Hiện tại Nguyễn Phi Sinh đang tìm tòi sáng tạo ra sản phẩm mới. Anh cho biết: Lượng nước thải lấy trực tiếp từ xưởng làm miến, sau khi xử lý, mùi và màu sắc của nước được cải tiến đáng kể. Thứ nước này dùng phun cho loại cây trồng lấy lá như chè, các loại hoa, rau... Sản phẩm được gửi tới một số hộ dân dùng thử và cho kết quả rất khả quan. Những cây trồng sau khi được phun, tưới cho năng suất cao, nhất là cây chè. Anh đang đề nghị cơ quan kiểm định kiểm tra sản phẩm này, sau khi được thông qua sẽ sản xuất đóng chai bán ra thị trường một ngày gần đây.

Tâm sự với chúng tôi anh cho biết: Nếu chỉ đơn thuần là việc kiếm tiền thì không hẳn anh đã chọn cách đi... bốc bùn như thế này. Có điều, theo dõi các phương tiện truyền thông anh biết vấn đề môi trường thật quan trọng. Lại được chứng kiến nỗi khổ của người dân khi phải sống chung với ô nhiễm nên anh càng thêm tin tưởng vào việc mình làm. Nghề làm miến không chỉ riêng xã anh mà cả mấy xã bên cạnh cũng đang phát triển nghề này nên lượng bùn bã thải ngày một lớn hơn, khả năng “tiêu thụ” tại cơ sở sản xuất phân vi sinh của anh hiện tại chỉ như “muối bỏ biển”, chính vì thế mà việc mở rộng sản xuất không chỉ giúp anh thỏa mãn nhu cầu của khách hàng mà còn là biện pháp khắc phục vấn đề môi trường cho địa phương. (Hiện tại anh phải từ chối nhiều bạn hàng do mặt bằng sản xuất quá hẹp). Ông Nguyễn Khắc Kinh, Phó cục trưởng Cục Môi trường đã có thư khen mô hình sản xuất phân vi sinh góp phần làm sạch môi trường của Nguyễn Phi Sinh và cho rằng đây là một mô hình cần nhân rộng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí còn hạn hẹp nên để tự lực mua đất tạo mặt bằng sản xuất đang là một bài toán khó. Mong rằng, với sự hỗ trợ tích cực của địa phương, Nguyễn Phi Sinh sẽ sớm tìm ra lời giải để gióp phần đem lại môi trường trong sạch cho vùng quê Dương Liễu.

Nguồn: quandoinhandan.com.vn    20/9/2005

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.

Tin mới

Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.