Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 22/01/2008 16:17 (GMT+7)

Tưởng nhớ thầy Mai

Những thập kỷ 30-50 toàn thế giới lâm vào cuộc binh hoả liên miên. Vì vậy, tôi cứ tưởng tượng, lần này trở lại Hà Nội có lẽ khó tìm lại được những phố phường quen thuộc mà 50 năm trước tôi thường qua lại và còn giữ lại trong ký ức nhiều hình ảnh tốt đẹp. Nhưng khi tới Hà Nội, một quang cảnh hoàn toàn khác với trí tưởng tượng đã hiện ra trước mắt tôi. Vẫn Hồ Gươm với những cành phượng la đà mặt nước, với những hàng liễu rủ thướt tha. Vẫn đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa nghiêm trang, cổ kính. Hàng Đào, hàng Ngang, phố Huế tấp nập, sầm uất hơn xưa nhiều quá. Nhưng sau mấy ngày qua lại trên các phố phường tôi cảm thấy bên cạnh niềm vui và phấn khởi, từ đáy lòng tôi hình như còn xốn xang cả tình cảm của sự mất mát, của lòng thương nhớ. Cảnh cũ còn đó nhưng người xưa đâu rồi?

Đương lúc sắp sửa hành trang để về nước thì giáo sư Nguyễn Văn Hoàn hỏi tôi có thể nán lại thêm mấy ngày để tham dự lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh Thầy Mai được không. Nghe nhắc tới Thầy, lòng tôi xao xuyến, xúc động, tôi muốn ở lại, nhưng công tác không cho phép. Tôi đành hứa là về nước sẽ gửi một bài tưởng niệm Thầy để tạ lỗi về việc đã không dự lễ kỷ niệm Thầy. Tôi bỗng nhiên quay về quá khứ của hơn nửa thế kỷ trước, mà quên hẳn rằng tôi đã thuộc vào lứa tuổi mà người ta gọi là “Cổ lai hy”. Tôi có cảm giác như mình vẫn còn là một thanh niên, vẫn ngày ngày cắp sách đến trường Thăng Long để nghe Thầy Mai giảng tiếng Pháp và văn học phương Tây. Trong những ngày cuối lưu lại Hà Nội, mặc dầu bận rộn, tôi vẫn tranh thủ thời gian đi thăm lại các trường cũ: trường Thăng Long, trường Bách Nghệ, trường Bưởi, nơi mà tôi đã từng sống và học tập trong nhiều năm. Khi tới trường Thăng Long, tôi còn hình dung được hết sức rõ rệt cảnh nhộn nhịp, những âm thanh vui vẻ của sân trường trước khi lên lớp, và không khí nghiêm túc cần mẫn khi chúng tôi ngồi nghe Thầy giảng.

Trở về nước, tôi đã định viết ngay một bài để tưởng nhớ Thầy. Nhưng mỗi khi ngồi vào bàn viết tôi lại e ngại: Với dúm văn tự ít ỏi của tôi, liệu tôi có đủ điều kiện viết cho rõ, cho đúng những ký ức của tôi đối với Thầy không? Tôi nghĩ, Thầy là người có một vốn trí thức bao quát đông tây, một sự hiểu biết xuyên suốt tự cổ chí kim, một đức độ xứng đáng ghi vào bảng vàng, bia đá... Vậy tôi có thể nói rõ được không? Tôi đã nghĩ ngợi khá nhiều, và trù trừ không dám cầm bút viết, cuối cùng để tự khuyến khích mình, tôi đã dùng tinh thần AQ tự nhủ: viết văn chủ yếu là chân thành chứ đâu cần tu từ hoa mỹ...

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Thầy đã đến với tôi một cách đột ngột, và sâu sắc, cho nên đến tận ngày hôm nay tôi vẫn không thể nào quên được.

Đó là buổi sáng của một tháng 9, năm học vừa bắt đầu, sau tiếng chuông vang lên, chúng tôi vừa ngồi yên chỗ thì một thầy giáo dong dỏng cao, mặc bộ âu phục xám nhạt mở cửa bước vào. Cả lớp đứng dậy để chào, Thầy vẫy tay và dùng tiếng Pháp bảo chúng tôi ngồi xuống, rồi với một giọng trầm trầm, thầy nói bằng tiếng Pháp: các anh hãy giở sách ra, chúng ta bắt đầu viết ám tả ( tức chính tả). Tôi hơi ngơ ngác nhìn lại phía sau thì thấy nhiều bạn cũng ngơ ngác như tôi, vì trong tay thầy không có sách, thậm chí không có lấy cả một tờ giấy thì Thầy đọc bài ám tả như thế nào? Nhưng thầy đã đọc cả bài một lần suốt từ đầu đến cuối rồi thầy đọc lại từng câu một cho chúng tôi viết, xong Thầy đọc lại một lần nữa, tôi phát hiện những dấu chấm, dấu phẩy, những chỗ xuống dòng đều không sai một chút nào. Về sau, tất cả những bài Thầy giảng, dù là ám tả, hay tập đọc, Thầy đều không mang theo sách. Có những bài tập đọc khá dài, Thầy cũng nhớ không sai. Tôi rất khâm phục trí nhớ của Thầy. Tôi đã tự nhủ: nếu sau này mà đi dạy học, tôi cũng sẽ làm như Thầy, phải thuộc lòng cái mình sẽ giảng, chứ không đóng vai trò của một bộ máy đọc giáo trình. Về sau, không biết là may mắn hay rủi ro, tôi đã làm nghề “gõ đầu trẻ” liên tục trong hơn 40 năm, một nghề mà có người đã hình dung là một cây nến đốt cháy mình để soi sáng cho người khác. Nhưng tôi đã tự hào với nghề của mình. Trong khi giảng dạy, tôi đã thực hiện được một phần lời hứa của tôi hồi còn ngồi trên ghế nhà trường: Không thoả mãn với cách dạy chỉ đọc một cách máy móc giáo trình đã chuẩn bị trước. Phương pháp này đã được sinh viên hoan nghênh, tuy cũng có lần bị phê bình là thái độ giảng dạy không nghiêm túc. Đó là ấn tượng sâu đậm mà Thầy đã để lại trong cuộc sống ngành nghề của tôi.

Tuy dạy tiếng Pháp, nhưng thông qua các bài giảng văn, Thầy đã cho tôi có dịp tiếp xúc với tinh hoa tư tưởng của phương Tây và thế giới. Những tên Vích- to Huygô, A.Gít, Đuy Ma, Zô-la, Tôn-xtôi, Goóc-ky... chính là do Thầy giới thiệu cho tôi biết. Tôi còn nhớ có một lần, Thầy dạy chúng tôi bài “Bài học cuối cùng” của A.Đô-đê... Tôi phát hiện thấy, sau khi đọc hết bài, dưới khoé mắt thâm quầng của Thầy đã có những ngấn lệ. Hồi đó, tôi đã lầm tưởng Thầy chỉ là một người đa sầu, đa cảm, nên đã quá xúc động trước một áng văn hay. Mãi tới nhiều năm sau, tôi đã hiểu đời hơn và có dịp đọc lại “Bài học cuối cùng” bằng tiếng Anh ở Đại học, hồi tưởng lại kí ức ở trường Thăng Long, tôi mới hiểu được ngấn lệ trong khoé mắt của Thầy hồi đó, tôi càng khâm phục Thầy hơn.

Trong mười mấy năm, từ ngày Nhật vào Đông Dương rồi Cách mạng tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp, tôi không được tin tức gì về Thầy. Mãi tới sau hoà bình lập lại, tôi không nhớ là năm nào, có một lần giáo sư Quý Tiểu Lâm, trường Đại học Bắc Kinh dự một cuộc họp đón tiếp đoàn đại biểu văn hoá về bảo tôi: “Ông Đặng Thai Mai có lời hỏi thăm anh đấy”. Tôi sửng sốt, ngạc nhiên, không hiểu vì sao Thầy còn nhớ được tôi, và biết tôi đang công tác ở trường Đại học Bắc Kinh? Sau đó Thầy thường sang Bắc Kinh, hoặc đi qua Bắc Kinh. Nếu thời giờ gấp rút thì Thầy gửi lời hỏi thăm tôi, thời giờ rộng rãi thì Thầy cho người gọi tôi đến trò chuyện. Thầy vẫn gọi tôi là “anh” như hồi ở trường Thăng Long. Cách xưng hô này đã làm ấm lòng tôi, Thầy rất quan tâm đến công tác giảng dạy và nghiên cứu của tôi. Sau này tôi được biết Thầy đã từng đề nghị với cơ quan hữu quan của Trung Quốc cho phép tôi sang Việt Nam để nghiên cứu thêm. Rất đáng tiếc là hồi đó công tác của tôi quá bận nên đã bỏ lỡ mất một dịp tốt để được trực tiếp nghe Thầy giảng dạy một thời gian nữa. Để bù lại thiệt thòi này, tôi đã tìm những trước tác của Thầy để đọc, để học và trích dẫn những lời của Thầy để xác chứng cho lập luận của tôi. Văn của Thầy bình dị, dễ hiểu, nhưng hàm ý rất sâu sắc. Cách hành văn nghiêm túc, nhưng tình cảm chân thật, lập luận vững chắc, không tự tôn mà cũng không tự ti. Văn của Thầy đã thể hiện được phong cách, tinh thần, trí tuệ và đức độ của Thầy, thật là “văn như kỳ nhân”. Hai câu thơ của Hồ Trọng Hiếu trong bài chúc thọ 60 năm của Thầy: “ Văn chương lý luận như gang thép, cốt cách tinh thần tựa trúc mai”, đã nói lên khá đúng phong độ của Thầy.

Có một lần nhân dịp Thầy qua Bắc Kinh, để tỏ lòng biết ơn Thầy, tôi đã tặng Thầy một câu đối với hai câu thơ của Lỗ Tấn, do Phổ Kiệt, em ông vua cuối cùng của Triều Thanh viết, vế trên (nghĩa là: Trừng mắt lặng nhìn ngàn tay trỏ), vế dưới (nghĩa là: cúi đầu làm ngựa đứa hài nhi). Sở dĩ tôi tặng Thầy hai câu thơ này là vì từ trong thâm tâm, tôi vẫn thường so sánh Thầy với Lỗ Tấn. Tôi thấy Thầy có cái phong cách, cái tinh thần, cái đức độ, sự lịch duyệt giống như Lỗ Tấn. Hơn nữa Thầy lại là người rất ưa thích và nghiên cứu sâu về Lỗ Tấn. Thậm chí có lúc tôi đã tưởng tượng chính Lỗ Tấn đã viết hai câu thơ này để tặng Thầy.

Đến nay Thầy đã lìa cõi trần tục... Những người thân, bạn bè và học trò của Thầy không còn có dịp để nhìn thấy nét mặt điềm đạm, đôi mắt hiền từ của Thầy nữa, và cũng không bao giờ có dịp nghe lại tiếng nói trầm nghị và yêu thương của Thầy nữa. Nhưng những người còn lại sẽ không bao giờ quên được Thầy, vì Thầy đã để lại chọ họ một di sản rất quí báu: Những trước tác của Thầy, và nhất là một tinh thần khoáng đạt, một tấm lòng yêu thương rộng rãi.

Trước khi kết thúc, tôi muốn tổng quát lại những hồi ức của Thầy, nhưng khó quá, tôi đành mượn mấy câu cuối trong bài Từ “Vịnh Mai” của Lục Du nói hộ lòng mình:

Tạm dịch là:

Chẳng thèm có tranh xuân, kệ cho trăm hoa ghét.

Dù bị nghiền nát thành bùn bụi, Ta vẫn thơm ngát một mùi hương.

Thể xác của Thầy đã về với thiên nhiên, nhưng hương thơm của Thầy sẽ không bao giờ phai lạt.

Bắc Kinh ngày 31 -3 -1994
Nhan Bảo*

Chú thích:Giáo sư Trường Đại học Bắc Kinh. Bài do tác giả viết bằng tiếng Việt.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.