Từ trắc địa ảnh đến dấu ấn với ngành môi trường
Tiến sĩ - kỹ sư Nguyễn Quốc Khánh sinh năm 1965 trong một gia đình có truyền thống về cách mạng, bố ông đã hy sinh vì nền hòa bình độc lập của dân tộc. Từ khi còn nhỏ, Nguyễn Quốc Khánh đã được thừa hưởng ý chí kiên định trước cuộc sống. Ông giãi bày với chúng tôi:“Cuộc sống luôn biến động. Như sông có khúc, người có lúc và những bước thăng trầm sẽ khiến chúng ta mạnh mẽ hơn”. Những năm tháng tu nghiệp ở nước ngoài tâm hồn ông vẫn luôn hướng về quê nhà bằng khát khao muốn được cống hiến. Tốt nghiệp về nước, ông đảm nhiệm vị trí là kỹ sư tập sự của khoa Địa, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ tháng 9/1988 - tháng 12/1989. Năm 2000, Nguyễn Quốc Khánh bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Đại học Trắc địa và Bản đồ Matxcơva. Quá trình công tác của ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng gắn liền với thực tiễn chuyên môn như: Kỹ sư thuộc Trung tâm Viễn thám, tiến sỹ trắc địa ảnh của Trung tâm Viễn thám, phó trưởng phòng phụ trách giám sát Tài nguyên và Môi trường, giám đốc Trung tâm Giám sát Tài nguyên và Môi trường. Bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi trong công tác quản lý của Tiến sĩ - Kỹ sư Nguyễn Quốc Khánh được bắt đầu từ tháng 1/2009 với cương vị phó giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin và Tư liệu Môi trường thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2011, Nguyễn Quốc Khánh được đề bạt giữ cương vị giám đốc Trung tâm.
Tâm sự với chúng tôi, Tiến sĩ - kỹ sư Nguyễn Quốc Khánh cho biết: “Lĩnh vực nghiên cứu chính của tôi đó chính là trắc địa ảnh, viễn thám, GIS và hệ thống thông tin môi trường. Bằng sự nỗ lực, tôi luôn cố gắng gắn tính thực tiễn vào từng công trình”. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Khánh chủ trì nhóm chuyên gia viễn thám của Trung tâm viễn thám thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Sử dụng công nghệ viễn thám phục vụ xác định nguyên nhân sự cố ô nhiễm dầu tại các tỉnh ven biển (2007)”, đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp bằng khen; chủ trì thực hiện và đã bảo vệ xuất sắc Đề tài NCKH cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS xây dựng bộ bản đồ hiện trạng tài nguyên thiên nhiên phục vụ công tác quy hoạch bảo vệ môi trường cấp” năm 2008; Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động con người đến môi trường vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; thực hiện xây dựng bản đồ hiện trạng và bản đồ suy thoái cho các hệ sinh thái điển hình cho các vũng vịnh Việt Nam (2009-2012); Thiết lập nội dung thông tin cho Cơ sở dữ liệu môi trường biển; Xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia (2010 - 2014); Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát ô nhiễm môi trường và sự cố thiên tai huyện đảo Phú Quốc trên cơ sở ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS (2011-2014); Triển khai quyết định số 137/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổng thể bảo vệ Môi trường định hướng đến năm 2020 tại Phú Quốc… Năm 2013, Tạp chí Môi trường đã công bố công trình nghiên cứu “Sự biến động của một số thành phần môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản Bauxite”. Công trình này đánh dấu một trong những thành công lớn của Tiến sĩ, kỹ sư Nguyễn Quốc Khánh trong sự nghiệp nghiên cứu chuyên môn. Ông nhận được nhiều bằng khen của Đảng ủy Khối các cơ quan kinh tế Trung ương với thành tích là Đảng viên 05 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Là một trong những người đặt nền móng cho Trung tâm Thông tin và Tư liệu Môi trường từ những ngày Tiến sĩ - kỹ sư Nguyễn Quốc Khánh chỉ có trong tay vẻn vẹn một tờ giấy quyết định, với hiện trạng Trung tâm “vườn không, nhà trống”, ông đã quyết tâm gây dựng nên trung tâm hiện thời với lực lượng nhân sự đông đảo. Qua các giai đoạn trưởng thành và phát triển, hiện tại, bằng sự đoàn kết phấn đấu của tập thể cán bộ, nhân viên, Trung tâm Thông tin và Tư liệu Môi trường ngày càng vững mạnh về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ. Đơn vị thường xuyên nhận được bằng khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Hiện tại, ông tham gia giảng dạy môn Trắc địa ảnh, môn Hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường tại Khoa Địa lý, Đại học Tự nhiên Hà Nội và Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Trong quá trình giảng dạy, ông đã đào tạo thành công 05 Thạc sĩ chuyên ngành Trắc địa ảnh, viễn thám và GIS.
Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Tiến sĩ, kỹ sư Nguyễn Quốc Khánh giúp chúng tôi hiểu ra một điều rằng dòng máu cách mạng từ thế hệ ông cha đã luôn cháy trong tâm hồn người trí thức ấy, nuôi dưỡng ý chí, quyết tâm trong cuộc đời, sự nghiệp. Bên cạnh công việc, mái ấm gia đình cũng chính là nơi chốn bình yên nuôi dưỡng niềm hạnh phúc của ông. May mắn rằng, hai vợ chồng Tiến sĩ - kỹ sư Nguyễn Quốc Khánh đều công tác trong ngành môi trường, và dưới sự định hướng của bố mẹ, cô con gái Nguyễn Khánh Linh giờ đây đã trở thành một du học sinh xuất sắc, năng động, am hiểu văn hóa thế giới, nghệ thuật đồng thời cũng là cây bút viết báo thông minh, nhạy bén. Kết thúc cuộc trò chuyện, Tiến sĩ - kỹ sư Nguyễn Quốc Khánh tạm biệt chúng tôi với nụ cười nhân hậu hiền từ, dù mới gặp ông chỉ trong một thời gian rất ngắn nhưng cảm giác rất đỗi thân quen.