Từ tình yêu thiên nhiên đến giải thưởng khoa học kỹ thuật
Chung niềm say mê
Đang trong thời gian cao điểm ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, nhưng nhóm tác giả đề tài đạt giải Nhất trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia của Trường THPT Chuyên Thăng Long vẫn dành thời gian kể về niềm vui, ước mơ của mình. Niềm vui đạt giải như được nhân đôi khi năm nay, Bộ GD & ĐT có quyết định những học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào đại học theo ngành học tương đương. Cũng vì không phải thi đại học nên nhóm tác giả càng cố gắng để đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp chứ không vì vậy mà chủ quan lơ là việc học, và “để có thể đi du học với chuyên ngành công nghệ sinh học”, cả nhóm chia sẻ.
Mỗi người một trường ở cấp THCS, nhưng cả ba bạn Đoàn Ngọc Anh Thư, Phan Mậu Thuỷ Tiên, Nguyễn Công Hiếu cùng có chung tình yêu thiên nhiên cũng như say mê khám phá khoa học. Một điểm chung nữa là cả ba cùng có sự dìu dắt của những người thân trong gia đình làm việc liên quan đến môn sinh học. Vậy là cả ba gặp nhau tại lớp chuyên Sinh của Trường THPT Chuyên Thăng Long. “Từ hồi còn nhỏ, em rất thích xem những chương trình thế giới động vật, khám phá thiên nhiên trên truyền hình”, Hiếu cười. Còn Thư, cô bé có mẹ là giáo viên dạy Sinh học nên những câu chuyện về thiên nhiên mẹ kể, những vật dụng làm thí nghiệm của mẹ luôn khiến cô muốn tìm tòi. Tiên say mê môn Sinh học khi qua môn học này, Tiên có thể giải đáp được ít nhiều hiện tượng thiên nhiên và một số bệnh lý của con người.
Thư, Tiên và Hiếu tại gian hàng trưng bày và thuyết minh đề tài trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia tổ chức tại Cần Thơ
Chung giải thưởng khoa học kỹ thuật
Có lẽ vì những sở thích, đam mê chung này mà Thư, Tiên, Hiếu trở thành những người bạn thân. Trong một lần trường tổ chức đi dã ngoại tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, cả ba say sưa khi nghe kể về cây đẳng sâm và những tác dụng của nó. Nhất là khi biết rằng đẳng sâm là một loại thảo dược quý có tác dụng chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ, sức dẻo dai của con người, mọc nhiều ở vùng núi này nhưng lại đang bị khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ tận diệt. Không nói nhưng cả ba cùng suy nghĩ làm sao để bảo tồn và phát triển nguồn gen loại thảo dược này. Qua tìm hiểu, ba bạn trẻ thấy hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu về đẳng sâm nhưng chưa thấy công bố nào nghiên cứu về hạt nhân tạo của loại cây này. Vậy là cả ba rủ nhau đăng ký đề tài “Nghiên cứu khả năng tạo hạt nhân tạo của cây đẳng sâm” trong cuộc thi KHKT do trường phát động. Đề tài may mắn được TS. Phan Xuân Huyên thuộc Viện Sinh học Tây Nguyên quan tâm và đồng ý hướng dẫn.
Bước đầu bắt tay vào thực hiện đề tài, cả ba gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc học các từ chuyên môn khoa học bằng tiếng Anh, rồi làm quen với việc nghiên cứu khoa học… Những ngày tranh thủ thời gian nghỉ học, cả ba cùng bắt xe buýt lên Viện Sinh học Tây Nguyên để thực hành. “Được thực hiện đề tài ở một nơi chuyên nghiệp như Viện Sinh học Tây Nguyên là thuận lợi lớn, nhưng bên cạnh đó chúng em phải học cách sử dụng những thiết bị, máy móc hiện đại cũng như cách làm việc nghiêm ngặt ở đây”, Thư chia sẻ. Nhưng với sự động viên của gia đình, nhà trường và nhất là sự hướng dẫn tận tình, hỗ trợ của TS. Phan Xuân Huyên và Viện Sinh học Tây Nguyên, cùng với sự đồng lòng của ba bạn trẻ nên đề tài đã gặt hái được thành công. Với giải Nhất cuộc thi cấp trường, rồi giải Nhất cuộc thi cấp tỉnh và giải Nhất lĩnh vực khoa học thực vật, giải Nhì vòng chung cuộc, Bằng khen của TW Đoàn, Bằng khen của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh… trong cuộc thi cấp quốc gia, tình yêu thiên nhiên cùng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học của ba bạn trẻ đã được đền đáp xứng đáng. Uớc mơ không dừng lại ở đây, cả ba mong muốn sẽ phát triển đề tài hơn nữa để có thể ứng dụng rộng rãi khi được Hiệp hội thực nghiệm Sinh học quốc tế nhận tài trợ.