Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 15/06/2006 21:28 (GMT+7)

Tư On - dám nghĩ dám làm

1. Từ thị trấn Cai Lậy cứ thẳng theo Tỉnh lộ 868 là đến trung tâm xã vùng sâu Mỹ Phước Tây. Muốn đến nhà Tư On thì đến cầu kinh ngã tư Quản Oai quẹo phải vào Tỉnh lộ 865. Tới kinh Chà hỏi nhà Tư On thì ai cũng rành “sáu câu vọng cổ”. Qua điện thoại, anh Minh, cán bộ UBND xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, hướng dẫn như thế để tôi tìm nhà anh Tư On.

... Anh tên thật Huỳnh Văn On, sinh năm Quý Tỵ (1953). Nhưng, theo lời anh, do sợ bị bắt quân dịch hồi chế độ cũ nên phải làm giấy tăng năm sinh là năm 1955. Gia đình anh quê gốc ở Mỹ Phước Tây, sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ. Năm 1968, Tư On lên Sài Gòn theo học nghề sửa máy dầu cặn ở Trường Máy xe hơi Việt Bắc. Tốt nghiệp tháng 9 - 1970, anh ở lại Sài Gòn làm thuê cho các garage tư nhân. Năm 1972, anh về Cai Lậy làm lại giấy tờ giảm tuổi để tiếp tục trốn quân dịch. Trong thời gian chờ làm lại giấy tờ, Tư On tiếp nhà làm cỏ ruộng và vô tình trúng mìn khiến bàn tay trái bị đứt lìa, con mắt phải cũng hết thấy đường.

Năm 1975, Tư On lập gia đình. Đám nói xong thì giải phóng nên phải sau ngày30-4-1975, anh chị mới tổ chức đám cưới. Cưới xong, vợ chồng anh ra ở riêng với nghề sửa máy nông cụ tại chợ Mỹ Phước Tây. Đến năm 1991, Nhà nước giải tỏa những khu nhà cất dọc kinh. Vậy là vợ chồng Tư On phải gồng gánh cùng đàn con về ấp Long Phước mua đất dựng chòi mần ruộng. Hơn 20 công đất vợ chồng anh bỏ tiền ra mua toàn năng với tràm gió. Họ cật lực khai phá từng gốc tràm, biến đất hoang thành ruộng canh tác. Gần 20 năm, Tư On chủ yếu sống ở chợ với nghề sửa máy nông nghiệp, máy nổ. Vậy mà khi xếp cờ lê, mỏ lết qua một bên để cầm cây phảng, cây cuốc, gia đình anh cũng rành rẽ không thua ai.

2. Canh tác hơn 20 công lúa, tới mùa vợ chồng Tư On và tám đứa con lo thu hoạch lúa ruộng nhà đủ bở hơi tai. Có mùa làm không xuể, nhưng kiếm người để cắt lúa thuê cũng khó. Anh cho biết: “Trước năm 2000, nhân công cắt lúa, gom lúa còn đi đến từng nhà nhận công cắt mướn với tiền thuê cắt, gom lúa 1 ha chỉ chừng 10 - 20 giạ. Còn sau này, kiếm người đâu có dễ. Khi tìm được nhân công thì thu hoạch trễ 5 - 7 ngày”. Giá thuê người gom lúa tăng cao, có lúc tới 60.000 - 70.000 đồng/công đất, gấp 2-3 lần so với trước khi vào vụ thu hoạch chính.

Từ thế bí đó, Tư On bắt đầu ngẫm nghĩ, nghiên cứu cải tiến máy xới tay thành máy gom lúa. Năm 2002, anh bắt đầu phác thảo những chi tiết về cái máy gom lúa ở trong đầu; nghĩ tới đâu, hì hục làm tới đó. Nhưng ngay lần thử nghiệm đầu tiên anh bị thất bại ê chề: Máy không chạy nổi, không gom được cọng lúa nào... Thử tới thử lui mấy chủ ruộng đều không ăn thua. Nhiều người chọc: “Tư On chơi trội chứ làm sao mà làm nổi máy gom lúa”. Nghe vậy, Tư On không giận bởi trước đó ở Mỹ Phước Tây (Tiền Giang), Hậu Quới, Cả Sáo (Mộc Hóa - Long An) đã có vài người đeo đuổi cái mộng như anh nhưng đều thất bại. Nhưng có điều anh quyết phải làm đến cùng. Đồng minh với anh còn có hai đứa con trai: Út Vinh và Bảy An.

Sau gần một năm kiên trì vừa lo chuyện đồng áng, vừa hì hục với việc chế tạo máy, tháng 8-2003, Tư On chế tạo hoàn chỉnh chiếc máy gom lúa và đưa máy ra thử nghiệm. Ba cha con ôm chầm lấy nhau vì sung sướng khi máy chạy ngon lành. Cấu tạo của máy gom lúa hết sức đơn giản: 1 máy xới tay, 1 máng gom lúa, 2 băng tải, 1 rơ moóc. Máy xới tay được tháo bỏ dàn xới, gắn thêm một số chi tiết khác như: hộp số vận hành máng gom lúa và băng tải kéo thùng chứa lúa. Khi vận hành, người điều khiển đưa máng gom lúa vào hàng lúa đã cắt, máng gom lúa được hạ sát mặt ruộng (máng có thể điều chỉnh lên xuống). Khi máy chạy vào hàng lúa trục chính sẽ kéo dây sên của máng gom lúa và băng tải để chuyển lúa từ ruộng lên máng gom, lên băng tải chuyển về thùng chứa lúa.

Qua thực nghiệm và kiểm chứng hoạt động trên ruộng đồng, máy gom lúa do Tư On chế tạo có thể hoạt động trên diện tích từ 1-2 công đến trên 15 ha. Giá thành khoảng 20 triệu đồng và công suất 15 - 20 phút/công lúa hoặc 2,5 ha/ngày. Bài toán giá thành rất thuyết phục bởi nếu gom lúa bằng thủ công thì tốn chi phí từ 25.000 đồng đến 60.000 đồng/công tùy theo thu hoạch trái vụ hay chính vụ. Trong khi đó, gom lúa bằng máy chỉ 20.000 đồng/công. Mỗi máy cần 3 nhân công, một ngày làm được 2,5 ha. Máy gom lúa của Tư On giúp thu hoạch nhanh gọn khi vào chính vụ, nông dân giảm chi phí sản xuất. Cái tiện nữa là máy gom lúa này có thể gia công tại các cơ sở cơ khí ở các địa phương với vật liệu dễ tìm, dễ mua, luôn có sẵn.

Máy hoạt động thành công nhưng khi cán bộ Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Tiền Giang đến nhà yêu cầu vẽ lại sơ đồ, điền phiếu dự thi và mô tả về máy gom lúa thì anh Tư On lắc đầu chịu thua. Bởi, tất cả bản thiết kế, chi tiết máy đều nằm... trong đầu anh theo kiểu... áng chừng. Cuối cùng, cán bộ Sở KH-CN phải chụp ảnh để vẽ lại giùm anh. Năm 2004, anh đoạt giải C Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần V. Cũng trong năm này, chiếc máy gom lúa của anh giành giải Ba Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Hồ Chí Minh - đây cũng là giải duy nhất của ĐBSCL.

3. Làm nghề nông theo mùa vụ nên thời gian rảnh rỗi Tư On ngồi nghiền ngẫm và bắt đầu “nghịch”với đủ thứ sáng chế “không giống ai”. Từ chiếc máy hàn anh chế lại từ bộ bình biến điện cũ rích đến bộ đồ nghề sửa chữa máy. Lúc tôi đến thăm, anh đang làm dở chiếc máy mài khoai mì. Vừa hàn những đầu nối của máy, anh vừa kể: “Chiếc máy này tui làm cho nhỏ con gái. Mấy bận về thăm nhà nó than khoai mì cà thành bột cực quá. Vậy là tui nghĩ cách làm cái máy mài đơn giản cho con nó đỡ cực công. Mấy bữa nay bận chạy tới chạy lui vào miệt Mộc Hóa sửa máy cho người ta nên chưa rảnh, bữa nay tranh thủ cho xong đặng tháng sau nó về lấy”. Chiếc Lambretta của anh mua không hề có hộp số, vậy mà Tư On mày mò gắn thêm hộp số. Chạy đến hơn 60 cây số/giờ. Anh cười: “Để dành 1 vụ lúa cũng có tiền mua xe xịn, nhưng mình chủ yếu đi mần ăn chứ chơi bời gì mà sắm xe tốt. Cứ cà rịch cà tàng như vậy cũng hổng sao”.

Anh nói thế chứ qua tìm hiểu tôi biết, nhà có bao nhiêu tiền anh đều đổ hết cho chiếc máy gom lúa, và sắp tới là chiếc máy gom phóng lúa liên hợp. Hơn một năm nay, Tư On ăn ngủ không yên bởi tay chân anh cứ ngứa ngáy muốn bắt tay vào làm ngay chiếc máy gom phóng lúa liên hợp. Anh tính: “Tui phải cần khoảng 100 triệu đồng, trong đó 40 triệu đồng là mua cái máy tiện. Còn lại là chi phí cho chiếc máy gom phóng lúa liên hợp. Tui mà “ra” chiếc máy này thì nó vừa gom, vừa phóng, rải rơm luôn, còn lúa thì vô bao tại chỗ. Chủ ruộng khỏe re, chỉ tốn 2 nhân công vận hành máy”.

Nhưng ngặt nỗi tiền bạc không có. Các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cũng đã hứa hỗ trợ các thủ tục giúp anh vay vốn ưu đãi để thực hiện công trình, nhưng anh vẫn phải chờ. Tư On đang hy vọng Sở Khoa học - Công nghệ TP Hồ Chí Minh sẽ quan tâm hỗ trợ bởi cuối tháng 3-2006, đơn vị này từng gởi thư mời anh tham dự chương trình “Vườn ươm doanh nghiệp” công nghệ (do Bộ Khoa học - Công nghệ, Sở Khoa học - Công nghệ TP Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cùng phối hợp thực hiện nhằm hướng dẫn và hỗ trợ những dự án nghiên cứu, sản xuất ứng dụng các sáng chế, cải tiến khoa học kỹ thuật - PV). Tư On tuyên bố với tôi: “Từ nay đến cuối năm mà không thấy chuyện giải quyết cho vay vốn là tui tự xử luôn”. Tôi hỏi anh: “Tự xử là sao?”. Anh Tư cho biết đó là việc anh sẽ bán 10 công đất hiện đang canh tác và cất nhà ở, rồi tìm chỗ khác xa hơn, rẻ hơn để cất nhà, mua đất mần ruộng. Số tiền dư còn lại, anh đầu tư cho chiếc máy gom phóng lúa liên hợp để kịp vào năm 2007 sẽ cho thử nghiệm trên ruộng đồng.

Nghe Tư On nói thế, tôi chợt thấy chạnh lòng. Nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang phát động và đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp. Trong khi nhiều nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu từ nguồn kinh phí nhà nước để chế tạo những máy móc kiểu như Tư On thì có lẽ nào một nông dân dám nghĩ dám làm, dám “đi tắt, đón đầu” kiểu Tư On lại thiếu sự hỗ trợ cần thiết, phải bán nhà bán đất để làm một chiếc máy với giá thành chỉ một trăm triệu đồng?

Nguồn: baocantho.com.vn14/4/2006

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…

Tin mới

Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.
Trà Vinh: 7 nhiệm vụ đặt ra cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2025
Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, là biện pháp để tố chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng thăm, chúc Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 tại tỉnh Ninh Thuận
Sáng ngày 13/01/2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận nhân dịp Năm mới và Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025.