Tư ‘nấm rơm’ làm cầu Đoàn Kết
Từ cái ‘duyên’ với nấm rơm...
Nhà anh Tư, đúng hơn là khu dân cư nơi anh sinh sống có một địa thế cực đẹp. Làng ngoảnh mặt ra dòng kênh có cái tên khá lãng mạn: Kênh Mặc Cần Dưng, đôi bờ xanh rợp bóng cây. Phía bờ bên kia là tỉnh lộ 941 mềm mại như một dải lụa uốn lượn giữa không gian bạt ngàn xanh. Vậy mà bao đời rồi dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Bao thế hệ người dân nơi đây đều sinh sống bằng nghề làm ruộng, vào mùa nước nổi có thêm nghề đánh bắt thủy sản. Sau khi có chủ trương của Nhà nước, về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, anh lặn lội khắp nơi học nghề trồng nấm rơm. Năm 1989, khi Công ty Meko- Cần Thơ đi vận động dân trồng nấm nguyên liệu, anh đã mạnh dạn đưa cây nấm rơm về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Nấm rơm phát triển rất tốt. Anh hướng dẫn kỹ thuật cho bà con địa phương làm theo. Vùng sản xuất nấm rơm nguyện liệu được qui hoạch ngay tại những diện tích trồng lúa. Nấm rơm đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tuy nhiên niềm vui chỉ được vài năm. Hàng chục héc ta qui hoạch sản xuất nấm của bà con có nguy cơ phá sản. Anh Tư lại vò đầu bứt tai nghĩ cách giải quyết: Phải rồi, nấm thường rớt giá vào chính vụ thu hoạch. Tại sao không có một cơ sở thu mua, sơ chế nấm dự trữ ngay tại đây? Được sự động viên, tham mưu của ngành nông nghiệp huyện, anh làm thủ tục vay 100 triệu đồng vốn ngân hàng, xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế nấm rơm, đặt ngay bờ kênh Mặc Cần Dưng. Ngay vụ đầu tiên, anh đã thu mua, sơ chế được 30 tấn nấm rơm. Sản phẩm nấm sau sơ chế được Công ty Xuất nhập khẩu miền Tây thu mua xuất khẩu sang thị trường châu Âu và một số nước châu Á. Nghề trồng nấm rơm ở Châu Thành lại được hồi sinh, phát triển mạnh. Cơ sở thu mua, sơ chế nấm của anh đủ khả năng thua mua toàn bộ sản phẩm nấm thu hoạch của bà con trong vùng, ngoài ra còn góp phần giải quyết việc làm cho gần 30 lao động ở địa phương. Bên cạnh đó anh còn thành lập tổ nhân giống lúa xác nhận, cung cấp giống lúa mới chất lượng cao cho bà con. Hàng năm gia đình anh thu nhập hơn 500 triệu đồng. Bà con tín nhiệm bầu anh làm Chủ tịch Hội Nông dân xã…
... Đến niềm đam mê cầu Mỹ Thuận
Chếch phía bên phải ngôi nhà của Tư “nấm rơm” khoảng 200 mét là một cây cầu bắc qua kênh Mặc Cần Dưng mới xây rất đẹp và hoành tráng, còn óng ánh màu sơn, mang dáng vẻ rất giống cầu Mỹ Thuận. Khi thấy tôi đưa máy ảnh ghi hình, mấy người dân bảo đó là “cầu Ông Tùng”. Còn khi chúng tôi hỏi chuyện thì Tư “nấm rơm” lại bảo cầu mang tên là cầu Đoàn Kết. Chuyện Tư “nấm rơm” làm cầu Đoàn Kết thì ở đây ai cũng biết. Nhưng ý tưởng về một cây cầu nối đôi bờ kênh Mặc Cần Dưng thì không phải ai cũng tỏ tường. Nó lãng mạn giống như cảm hứng sáng tạo của một nghệ sĩ vậy.
Để phát triển đời sống kinh tế-xã hội ở vùng quê này nhất thiết phải có một cây cầu. Từ lâu niềm ao ước ấy đã thôi thúc anh Tư. Thế rồi mấy lần có dịp đi lên thành phố, anh đã mê mẩn trước vẻ đẹp tuyệt vời của cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Với anh Tư, cầu Mỹ Thuận còn là một tác phẩm nghệ thuật. Nó như một cung đàn so dây lên trời cao. Ước mơ xây cầu bắc qua kênh Mặc Cần Dưng lại càng nóng bỏng. Anh bàn với chú ruột là ông Nguyễn Văn Soi, một người đã có nhiều đóng góp cho hoạt động từ thiện ở địa phương. Ông chú “đồng ý” ngay. Để tạo niềm tin cho bà con, gia đình anh và người chú ruột bỏ ra 70 triệu đồng làm nguồn vốn. Bà con nô nức hưởng ứng, kẻ ít, người nhiều tuỳ theo khả năng. Có vốn xây cầu, Tư “nấm rơm” miệt mài vẽ đồ án thiết kế một “tiểu cầu Mỹ Thuận” ở quê mình. Cái khó là tính toán khả năng chịu lực của trụ cầu, độ cao, khoảng không cho thuyền bè lưu thông sao cho hợp lý. Vẽ xong, anh lặn lội lên thành phố Hồ Chí Minh gặp người bạn thân làm nghề xây dựng nhờ tư vấn, hoàn thiện. Cảm phục trước nhiệt huyết của Tư “nấm rơm”, anh bạn không chỉ giúp anh hoàn chỉnh thiết kế mà còn kéo theo mấy “đệ tử” về tận quê anh thi công xây cầu ròng rã hàng tháng trời mà không lấy một đồng tiền công nào.
Chúng tôi thả bộ lên cầu. Tuyệt. Với độ cao 13 mét so mặt nước, đi trên cầu cảm tưởng như đang lướt trên mây. Cầu được đổ trụ bê tông kiên cố, dầm thép, dây văng, dài gần 70 mét. Từ xa nhìn lại, cầu Đoàn Kết giống như một bản photocoy cầu Mỹ Thuận thu nhỏ.
- Sao anh không chọn vị trí xây cầu gần cơ sở sản xuất của mình có phải tiện hơn không?- Tôi hỏi.
Tư “nấm rơm” cười hiền:
- Phải vì cái chung, chọn ở vị trí trung tâm nhất. Nếu chỉ biết lợi cho mình thì vận động bà con sao được.
Đến nay, Tư “nấm rơm” đã làm được 3 cây cầu và đều lấy tên là cầu Đoàn Kết. Cầu Đoàn Kết 2 bắc qua kênh Bé Sáu. Cầu Đoàn Kết 3 bắc qua kênh Ba Ngàn.
- Tui đã hoàn chỉnh thiết kế hai cây cầu Đoàn Kết 4 và Đoàn Kết 5 có qui mô như cầu Đoàn Kết . Chờ nước rút sẽ thi công. – Tư “nấm rơm” thổ lộ.
Nước mắt từ thiện
Anh Lê Ngọc Quỳnh, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, người dẫn chúng tôi đến nhà Tư “nấm rơm” tâm sự:
- Xây cầu là việc làm mới đây chứ hoạt động từ thiện đối với anh Tư nó ngấm vào máu từ lâu rồi. Anh là người đi đầu ở xã trong phong trào xây nhà tình thương cho người nghèo.
Việc vận động xây nhà tình thương cho người nghèo của Tư “nấm rơm” được khơi nguồn từ… nước mắt. Ngày trước, khi kinh tế còn chưa khá giả, anh Tư đã tham gia vào lực lượng của xã đi cất nhà tình thương. Căn nhà đầu tiên anh tham gia cất là của ông Nguyễn Văn Đực. Ông bà Đực đã già yếu, lại bị bệnh tật, sống neo đơn trong túp lều dột nát tồi tàn. Khi anh em dựng xong căn nhà trị giá 8 triệu đồng, mời ông bà đến ở, ông bà sung sướng khóc nghẹn ngào. Nhìn ông Đực mò mẫm vuốt ve từng chân cột nhà rồi quì xuống lấy vạt áo chấm nước mắt, tự nhiên nước mắt anh trào ra. Anh Tư khóc. Anh em trong đội xây dựng khóc. Cả nhà khóc…
Nước mắt chảy ra nhưng nỗi niềm thì lặn vào, đau đáu tâm can anh. Sau khi trở thành cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã, anh xác định trọng tâm của hoạt động từ thiện ở địa phương là xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết giúp dân nghèo an cư để lạc nghiệp. Ban đầu anh và người chú ruột đóng góp xây dựng, về sau vận động họ hàng, bà con làng xóm, tiến tới phát triển thành phong trào của toàn dân. Mỗi năm anh tự nguyện góp 5 triệu đồng làm vốn để khơi nguồn vận động nhân dân. Đến nay, Tư “nấm rơm” đã đóng góp và vận động đóng góp, cùng xây dựng được 50 căn nhà cho người nghèo trong xã.
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, Tư “nấm rơm” không thích nhắc đến những việc đã làm. Với anh, chuyện đáng nói là công việc của ngày mai.
- Có cơ hội mới cho đầu ra nấm rơm rồi. Được sự giúp đỡ của phòng Nông nghiệp huyện, tôi đã hợp đồng với hai công ty Anteko và Meko cung cấp nguồn nguyên liệu thường xuyên để chế biến nấm xuất khẩu.
- Anh nói, đôi mắt ánh lên niềm vui…
Nguồn: quandoinhandan.org.vn 12/11/2005