Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 10/11/2022 11:25 (GMT+7)

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Cả cuộc đời gắn bó với khoa học

TSKH Nghiêm Vũ Khải – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã gắn bó cả cuộc đời với khoa học và xây dựng chính sách.

Khi được hỏi: Phát triển đội ngũ trí thức là phải tập trung đầu tư cho phát triển Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, TS có cùng quan điểm đó không? Trả lời câu hỏi của pv vusta.vn, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, trong một thế giới toàn cầu hóa phát triển mau lẹ với những cơ hội và thách thức đan xen thì cuộc giành giật nhân tài khoa học và công nghệ đang diễn ra gay gắt. Có được lực lượng nhân tài xuất sắc là điều kiện quyết định nắm được lợi thế trong cạnh tranh, phát triển nền kinh tế tri thức, khẳng định vị trí quốc tế.

tm-img-alt

Hiện nay, nước ta có một số lượng khá lớn các cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ được đào tạo trong và ngoài nước với ngành nghề đa dạng thuộc nhiều thế hệ. Trong một số lĩnh vực như y dược, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, khoa học cơ bản chúng ta có những nhóm, tập thể khoa học và công nghệ khá mạnh đạt tầm khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, nhân lực khoa học và công nghệ nói chung còn tản mạn, chưa được tập hợp để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ lớn quốc gia. Nhiều người sau khi được đào tạo rất cơ bản thì hoặc tìm cơ hội ở lại nước ngoài lâu dài, hoặc chuyển sang nghề khác. Đây là sự lãng phí tổn thất rất lớn.

Theo TSKH. Nghiêm Vũ Khải, có ba yếu tố chính để khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đó là đãi ngộ về thu nhập, môi trường hoạt động sáng tạo và sự tôn vinh. Ở nước ta, cả ba yếu tố này đều còn rất nhiều bất cập. 

Người làm khoa học chủ yếu hưởng lương hành chính mà thường là quá thấp, chưa có thu nhập từ kết quả hoạt động khoa học và công nghệ. Điều kiện, môi trường và văn hóa làm khoa học chưa khuyến khích đổi mới sáng tạo. Với nhiều lý do, nhà khoa học chưa được tôn trọng, phai nhạt dần lòng đam mê nghiên cứu, mất dần sự tự tin và hoài bão cống hiến.

Chia sẻ thêm, TS Khải cho biết, Luật Khoa học và Công nghệ quy định, ngân sách nhà nước hàng năm dành không dưới 2% ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ; tổng đầu tư của toàn xã hội vẫn chưa được 1% GDP, trong khi các nền kinh tế lớn trên thế giới chi khoảng 3 -5% GDP cho khoa học công nghệ.

"Khi đầu tư chưa đủ thì khó có thể tạo nên cơ sở hạ tầng và tập hợp đội ngũ khoa học tinh hoa để thực hiện các dự án khoa học có ý nghĩa đột phá để nâng cao năng lực, vị thế của nền khoa học quốc gia phục vụ phát triển đất nước", ông nói và cho biết, các yếu tố thúc đẩy trụ cột phát triển khoa học làm chưa tới nơi, như vậy khó tạo ra môi trường để các nhà khoa học trẻ tiếp cận và tạo đột phá.

Theo TS Khải, Việt Nam có một tài sản vô cùng quý giá là đội ngũ tri thức gồm các nhà khoa học được đào tạo từ các nước G7, G20, luôn mang tâm thế sẵn sàng trở về được cống hiến, ưu tiên công việc nghiên cứu hơn đãi ngộ và sự tôn vinh ghi nhận của xã hội.

Hơn lúc nào hết, ngành khoa học cần sự chung tay để thực hiện quyết liệt các chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vì mục tiêu: Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, theo TS Khải, có một thực tế là ở Việt Nam, việc đầu tư cho Khoa học và công nghệ chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, ở các nước, việc xã hội hóa đầu tư vào Khoa học và công nghệ rất cao. Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi đã đưa ra các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư để đổi mới công nghệ trong sản xuất và kinh doanh.

Trước đây, cơ chế tài chính cho Khoa học và công nghệ là quyết toán hàng năm, song trong Luật Khoa học và Công nghệ hiện nay đã có quy định việc giao kinh phí sẽ áp dụng cơ chế khoán, cơ chế Nhà nước đặt hàng và cơ chế quỹ để triển khai các nhiệm vụ Khoa học và công nghệ. Như vậy, Luật Khoa học và công nghệ sửa đổi đã cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW: Ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để phát triển khoa học và công nghệ; ưu tiên đầu tư trước một bước để phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài ra, cơ chế tổ chức hoạt động Khoa học và công nghệ cũng được đổi mới. Các cơ quan phải xác định nhiệm vụ trúng và đúng với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Sau đó, phải tuyển chọn ra đúng tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khoa học; việc đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu phải căn cứ vào hiệu quả ứng dụng.

Thực tế cho thấy, đến nay việc triển khai những cơ chế, chính sách hiện hành để thực hiện chủ trương phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu còn nhiều bất cập. Như Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nhận định, công tác lãnh đạo chỉ đạo, đầu tư, bố trí nguồn lực… chưa đúng tầm “quốc sách hàng đầu.”

Chính sách trọng dụng đối với các nhà khoa học chưa triển khai được, hoặc triển khai rất hạn chế. Chưa thực sự có môi trường khuyến khích lao động sáng tạo, sự đãi ngộ, tôn vinh vẫn chưa xứng đáng. Điều đó đã khiến một số nhà khoa học mất dần sự tự tin, hoài bão, động lực cống hiến. Một chính sách đúng quy định trong Luật là điều kiện cần, nhưng chưa đủ bởi công tác triển khai, quản lý, điều hành có vai trò quyết định thực thi luật.

Tôi vẫn cho rằng, mặc dù còn những tồn tại nhưng chúng ta vẫn đang có một đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được Đảng, Nhà nước giao nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao trước nhân dân và đất nước.

Được biết, TSKH. Nghiêm Vũ Khải giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội (10/1994 -7/2002), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy viên Đoàn thư ký Kỳ họp Quốc hội (7/2007 - 7/2011), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (8/2011 - 9/2013)... Từ 2002 đến 2011, ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI và XII, XIV. Năm 2015, TSKH. Nghiêm Vũ Khải giữ chức Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

tm-img-alt

TSKH. Nghiêm Vũ Khải là người chủ trì thẩm tra các luật Luật Bảo vệ Môi trường 2005, Luật Hóa chất, Luật công nghệ cao, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bưu chính, tham gia thẩm tra nhiều dự thảo luật và pháp lệnh khác…

Ông cũng chủ trì giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu làng nghề, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thủy điện vừa và nhỏ.

Ngoài ra, ông chủ trì biên soạn Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Luật Khoa học và Công nghệ 2013…

Đặc biệt, TSKH. Nghiêm Vũ Khải ghi dấu ấn khi chủ trì xây dựng sáng kiến xây dựng Luật hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp.

Ngoài ra, ông còn là chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về Hội nhập quốc tế về KH&CN; Chủ nhiệm chương trình quốc gia hội nhập khoa học và công nghệ 2014-2020; Chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước về Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội và tổ chức phi chính phủ đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (đã bảo vệ thành công). Ông cũng chủ trì nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Khi công tác tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH. Nghiêm Vũ Khải còn chủ trì phê duyệt từ 80 - 100 dự án phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ cho các tổ chức khoa học và công nghệ trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam…

Ông cũng phụ trách mảng hoạt động của các hội ngành toàn quốc với quy mô 90 hội. Với công việc được giao, ông đã có nhiều sáng kiến, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm đổi mới phương thức hoạt động của các hội; tăng cường công tác phối hợp kết hợp giữa hội ngành toàn quốc với liên hiệp các hội địa phương và các tổ chức khoa học công nghệ công lập và ngoài công lập...

Với những đóng góp to lớn, TSKH. Nghiêm Vũ Khải được Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen 2012; Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất (2013), Huân chương Độc lập hạng 3 năm 2020;  Nhà vua Nhật Bản tặng huân chương Mặt trời mọc năm 2014...

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới