TS. Nguyễn Việt Linh và kỹ thuật “Thụ tinh ống nghiệm gián tiếp"
TS. Nguyễn Việt Linh (02/02/1981) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Di truyền học trường Đại học Khoa học tự nhiên năm 2002, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ chuyên ngành Tiếng Anh năm 2005, tốt nghiệp cao học chuyên ngành Mô, phôi và tế bào học Đại học Khoa học tự nhiên năm 2005, và đạt học vị Tiến sỹ chuyên ngành Tài nguyên sinh sản động vật Đại học Tokyo năm 2012.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2002 đến nay, Nguyễn Việt Linh công tác tại phòng Công nghệ phôi – Viện Công nghệ sinh học. Trong suốt quá trình công tác, anh luôn tích cực tham gia vào nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Viện Hàn lâm KHCNVN, cấp Viện Công nghệ sinh học cũng như các đề tài hợp tác nghị định thư với nước ngoài như Italia, Pháp, Nhật. Trong hai năm 2002-2003, anh nghiên cứu về tế bào gốc phôi, bước đầu phân lập được nụ phôi từ phôi chuột và phôi bò thụ tinh ống nghiệm cũng như nhân bản vô tính. Cũng trong hai năm đó, anh cùng các nhà nghiên cứu thuộc Phòng Công nghệ phôi tạo ra được những bê con thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam, trực tiếp thực hiện kỹ thuật PCR xác định giới tính phôi giai đoạn sớm để tạo ra các bê con thụ tinh ống nghiệm với giới tính xác định đầu tiên ở Việt Nam. Các thành tựu này là tiền đề quan trọng đánh dấu một bước phát triển mới của công nghệ sinh học sinh sản tại Việt Nam.
Năm 2005, TS. Nguyễn Việt Linh đã thành công trong việc tạo ra những dòng tế bào gốc phôi chuột đầu tiên được công bố ở Việt Nam. Đây là những nghiên cứu đầu tiên góp phần đưa Việt Nam từng bước tiếp cận với công nghệ tế bào gốc đang rất phát triển trên thế giới. Năm 2008, TS. Nguyễn Việt Linh phát triển một kỹ thuật mới trong nghiên cứu, đó là “kỹ thuật kết hợp ly tâm và dung hợp”. Kỹ thuật này có tiềm năng ứng dụng to lớn trong các lĩnh vực công nghệ sinh học sinh sản, tạo phôi thụ tinh ống nghiệm, nâng cao hiệu suất nhân bản vô tính động vật, giúp bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao năng suất giống vật nuôi.
Đến nay, TS. Nguyễn Việt Linh đã công bố 2 công trình trên tạp chí quốc tế, trong đó có 1 công trình về nâng cao chất lượng trứng bằng phương pháp ly tâm và dung hợp. Đây cũng là công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới theo hướng này. Bên cạnh đó, anh cũng đã đề xuất được một kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm hoàn toàn mới với hiệu quả cao, đó là “Thụ tinh ống nghiệm gián tiếp”, một phương pháp chưa từng được công bố trên thế giới cho tới hiện nay. Kỹ thuật mới này cho phép giải quyết triệt để hiện tượng đa thụ tinh – một hiện tượng gây nên hiệu suất tạo phôi kém trên lợn mà cho tới hiện nay chưa có giải pháp nào hữu hiệu.