TS Ngô Bảo Châu: Khởi động đề án đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ chất lượng quốc tế tại Việt Nam
Trên Tạp chí Hoạt động Khoa học số 12.2004, chúng tôi đã đăng tải bài viết giới thiệu về Ngô Bảo Châu nhân dịp anh nhận Giải thưởng Toán học Clay (cùng với G. Laumon), nhờ công trình chung “Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita” hoàn thành đầu năm 2004. Mới đây, nhân dịp anh về nước dự Lễ phong học hàm giáo sư tại Viện Toán học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn cùng anh.
Xin anh cho biết cảm tưởng của mình khi được đặc cách phong học hàm giáo sư?
Khi được tin Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước ra quyết định đặc cách phong GS, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Sự kiện này còn có ý là một lời kêu gọi của Tổ quốc đối với tôi (cũng như nhiều nhà khoa học trẻ của Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài) hãy có trách nhiệm, cùng góp sức, hợp tác, xây dựng được một cái gì đó cho nền khoa học Việt Nam.
Công việc hiện nay anh đang tiến hành trong lĩnh vực toán học và những dự định trong tương lai?
Chúng tôi đã và đang nghiên cứu vấn đề bổ đề cơ bản của Langlands. Cách đây khoảng 30 năm, Robert Langlands đã đặt ra một chương trình nghiên cứu rất tầm cỡ, có tính chất thống nhất các mảng toán học lớn là lý thuyết số, hình học đại số và lý thuyết biểu diễn. Trong chương trình nghiên cứu đó, nảy ra một vấn đề có tính chất kỹ thuật, đó là vấn đề bổ đề cơ bản (thuật ngữ bổ đề thường dùng để chỉ một khẳng định có tính kỹ thuật trên con đường chứng minh một định lý đích thực). Lúc đầu mọi người chỉ nghĩ đó là một vấn đề kỹ thuật, nhưng sau đó nhận ra nó rất khó - và là một trong những “điểm cản trở chính”. Trong khoảng 30 năm nay, rất nhiều nhà toán học có tên tuổi của thế giới đã tổ chức giải quyết mà không làm được. Ông Laumon và tôi đã giải quyết được vấn đề này trong trường hợp đặc biệt của nhóm unita. Tuy bài toán chưa được giải quyết trọn vẹn, nhưng công trình này đã có nhiều tiếng vang vì nó chứa nhiều ý tưởng mới. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để giải quyết triệt để vấn đề bổ đề cơ bản của Langlands.
Ngoài công tác nghiên cứu, anh còn quan tâm đến những vấn đề gì khác?
Bên cạnh công tác nghiên cứu, tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề đào tạo các sinh viên, học viên Việt Nam trong lĩnh vực toán học. Hiện nay, tôi cùng hợp tác với GS Lê Tuấn Hoa - Phó Viện trưởng Viện Toán học, cố gắng xây dựng một cơ sở đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ về toán học có chất lượng quốc tế. Đề án này đang được xây dựng, dự kiến 2007 sẽ bắt đầu. Quy mô rất hạn chế: Chỉ tuyển tối đa 20 em/năm, đào tạo trong 2 năm, bao gồm đào tạo 1 năm tại Việt Nam, do các giáo sư của Việt Nam và các giáo sư của Pháp, Mỹ sang dạy; năm thứ 2 chúng tôi sẽ gửi ít nhất một nửa số học sinh đi đào tạo tại nước ngoài, cụ thể là Pháp và Mỹ. Cái quan trọng không phải là số lượng, mà cái chúng tôi muốn là xây dựng được một lớp gồm các học viên giỏi toán thật sự. Nhưng việc tuyển được một lớp có 20 em giỏi toán cũng không đơn giản. Do vậy, ngoài chương trình năm thứ nhất là M1 (master 1), năm thứ 2 gọi là M2 (master 2), hàng năm chúng tôi sẽ tổ chức các lớp M0 (master 0) - hay còn gọi là trường hè, để củng cố kiến thức cho các em sinh viên toán đến từ khắp các miền, đồng thời nhằm phát hiện ra những em có năng khiếu, có niềm say mê khoa học, có tác phong làm việc tốt.
Anh có thể cho biết rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Đề án này?
Ai cũng biết, tương lai nền khoa học phụ thuộc vào việc ta có đào tạo được một đội ngũ kế cận giỏi hơn cha anh hay không? Vì vậy, việc tổ chức các lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng quốc tế là việc cấp bách trong tình hình hiện nay. Hình thức tổ chức lớp Master toán mà tôi trình bày ở trên cũng không có gì mới, nhưng theo tôi, vào thời điểm hiện tại, nó cho phép chúng ta tận dụng tối đa sự giúp đỡ của nước ngoài mà vẫn xây dựng được một cơ sở đào tạo của ta.
Điều kiện bên ngoài hiện nay rất thuận lợi. Nhiều sinh viên giỏi có thể tự xin được những học bổng tốt ở các trường đại học lớn trên thế giới. Năm nào cũng có vài em xin được như vậy (trong lĩnh vực toán học). Nhưng tôi nghĩ, nếu ta chủ động tổ chức đào tạo (một phần) Master ở ViệtNamtrước khi gửi các em đi nước ngoài học nốt Master và học tiếp Tiến sỹ, thì sẽ tốt hơn nhiều xét riêng cho từng em hay xét chung cho tương lai nền toán học ViệtNam. Nếu lớp Master toán đào tạo tốt, xây dựng được thương hiệu, ta có thể gửi các em đi học ở những trường đại học tốt nhất, học với những ông thầy tốt nhất. Nếu khéo tổ chức, mỗi năm ta có thể tập trung vào một số hướng nghiên cứu nhất định, rồi chọn khoảng 3-5 học sinh tiếp tục đi theo hướng đó. Về lâu dài, nó sẽ tạo ra được một ê kíp nghiên cứu. Trong bất cứ ngành khoa học nào, không riêng gì toán học, cần phải tạo được một ê kíp nghiên cứu mới làm việc tốt được.
Chúng tôi đang chuẩn bị để khởi động Đề án. Đây là một mô hình tốt để xây dựng cơ sở đào tạo của ViệtNamcó uy tín với quốc tế. Số lượng học sinh sẽ ít nhưng chất lượng phải cao: Học sinh có kiến thức, có niềm say mê và có phong cách làm việc tốt. Hơn nữa, được tham gia đào tạo những học sinh như vậy sẽ còn là một động cơ mạnh mẽ cho công tác nghiên cứu của các nhà toán học ViệtNam.
Xin cảm ơn và chúc anh thành công.
Nguồn: T/c Hoạt động khoa học, số 7/2006