TS. Lê Phước Hùng: Các bạn trẻ hãy học bằng ước mơ
Tốt nghiệp ThS tâm lý học, vậy tại sao anh lại chuyển sang nghiên cứu về lịch sử, đặc biệt là lịch sử và văn hóa của Việt Nam?
Những gì tôi biết về Việt Nam không nhiều, chỉ là ký ức từ thuở thơ bé và những câu chuyện của ba mẹ. Sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ tâm lý học, tôi có một thời gian dạy học ở Hàn Quốc, tại đây, tôi có điều kiện tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa phương Đông và tự nhận thấy kiến thức về văn hóa và lịch sử Việt Nam của mình thật mỏng manh. Hơn nữa, sâu thẳm trong trái tim, tôi vẫn hướng về Việt Nam, cho dù tôi sống ở đâu và nói bằng ngôn ngữ nào thì tôi vẫn là người Việt Nam, bởi tôi đã được sinh ra như thế. Có lẽ vì vậy mà “sự trở về” chỉ là thời gian. Càng tìm hiểu về Việt Nam, tôi càng yêu đất nước mình, đặc biệt tôi rất kính trọng những người phụ nữ Việt Nam, họ có đức hy sinh và tâm hồn thật đẹp. Tôi đã làm Luận án tiến sỹ với nhan đề: “Cải lương - một lối thoát cho người phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện đại” tại Đại học St. John, với luận điểm về vai trò của người phụ nữ trong việc hình thành cấu trúc vở cải lương, khảo sát khả năng thu hút tâm điểm những vấn đề xã hội, nữ quyền trong loại hình nghệ thuật nhiều sức sống này. Sắp tới, Luận án này sẽ được dịch sang tiếng Việt, dưới dạng sách.
Ở Việt Nam, các bạn trẻ thường không “chuộng” các ngành khoa học xã hội vì ra trường khó xin việc. Anh có lời khuyên gì đối với họ?
Thực tế đó bị chi phối bởi sự đòi hỏi của xã hội và quá trình phát triển kinh tế. Việt Nam còn nghèo, các bạn trẻ thường quan tâm tới những ngành nghề mà sau khi ra trường họ có thể kiếm tiền ngay để giúp đỡ gia đình. Đó là quy luật chung mà các nước khác cũng phải trải qua, có những lúc sự đòi hỏi phát triển kinh tế khiến dòng chảy văn hoá như ngừng lại, nhưng khi kinh tế đã đầy đủ hơn thì các ngành khoa học xã hội sẽ được quan tâm vì xã hội cần có sự cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Theo tôi, các bạn trẻ hãy học bằng ước mơ, bằng đam mê thực sự của mình, hãy “học cho mình”. Tuy nhiên trong điều kiện còn khó khăn, các bạn nên “bắt cá hai tay”, ví dụ như bạn học ngành sử thì nên học thêm ngoại ngữ thật tốt, như học tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, hay tiếng Nhật. Ngoại ngữ sẽ giúp các bạn rất nhiều trong mở rộng kiến thức và quá trình nghiên cứu sau này, đồng thời nó cũng giúp các bạn có thể có ngay một công việc nào đó đủ để “nuôi ước mơ”.
Cùng với việc đưa sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập, anh đã đưa sinh viên Mỹ đến với Việt Nam. Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào?
Theo làn sóng của thời cuộc, tôi đặt chân lên nước Mỹ trong dòng người tị nạn, tôi hiểu sâu sắc thế nào là “định nghĩa Việt Nam” trên đất Mỹ. Việt Nam đồng nghĩa với chiến tranh, giặc giã và đói khổ, đó là tất cả những gì mà tôi cùng những người bạn đồng trang lứa được tiếp nhận trong suốt mấy chục năm sống trên đất Mỹ. Sau này trở về Việt Nam với tư cách nghiên cứu viên của UNDP, tôi đã thêm hiểu và thêm yêu Tổ quốc của mình, tôi muốn nhiều người khác cũng sẽ hiểu và yêu Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi muốn họ hiểu rằng đất nước Việt Nam rất thanh bình, người Việt Nam biết yêu thương và có thể trở thành những người ưu tú.
Năm 2004, lần đầu tiên, trong chương trình du học của Đại học St. John đã có tên Việt Nam trong một danh sách dài các chương trình học tập liên quốc gia bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Thụy Điển… Tháng 5.2004, tôi đã dẫn một đoàn 10 em sinh viên Mỹ sang Việt Nam theo một chương trình học tập kết hợp tham quan dài ngày. Các em đã biết thế nào là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu, Nhà tù Hoả Lò, Vịnh Hạ Long… Chuyến đi đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc và thú vị cho các em. Trước khi đi các em khá lo lắng, nhưng tôi muốn các em hiểu rằng “đi đâu cũng sẽ gặp nhân loại”. Sau khi trở về, các em đã có một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về Việt Nam, bản thân các em cũng biết cảm thông, chia sẻ với khó khăn của những người xung quanh hơn. Qua những em này, nhiều em khác sẽ được nghe và hiểu về Việt Nam. Một số em sau khi về Mỹ đã quay trở lại Việt Nam trong các kỳ nghỉ để tham gia các chương trình công tác xã hội, điều đó thực sự làm tôi thấy hạnh phúc. Khi xây dựng chương trình học tập liên quốc gia này, tôi có cảm giác như tôi không chỉ mời gọi sinh viên ở trường mình mà còn là mời mọi người trên thế giới hãy đến với Việt Nam, để hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.
Anh có thể cho biết mong muốn và một vài dự định sắp tới?
Trong tương lai gần, tôi muốn xây dựng một chương trình học tập liên quốc gia rộng hơn nữa, qua việc kết hợp với các trường đại học khác, để không chỉ sinh viên của trường tôi, mà cả các trường khác tại Mỹ cũng được đến Việt Nam. Tôi cũng đang cùng một số đồng nghiệp tìm cách gắn kết các khoa, bộ môn có nghiên cứu về Việt Nam tại nhiều trường đại học khác nhau của Mỹ, ban đầu là để chia sẻ thông tin, tiến tới sẽ xây dựng một quỹ học bổng để số sinh viên Việt Nam được sang Mỹ học sẽ nhiều hơn. Trước mắt, khoảng tháng 5 tới, tôi sẽ dẫn đội bóng của trường tôi đến giao lưu với các bạn trẻ Việt Nam.
Xin cảm ơn và chúc anh thực hiện được những dự định tốt đẹp của mình.Nguồn: Tạp chí Hoạt động khoa học số 03/2006