Trong tim luôn là trí thức Việt
Ở lại cũng là yêu nước
Giáo sư Trịnh Văn Thảo sinh năm 1938 tại Sài Gòn. Khi học xong chuyên ngành xã hội học năm 1967, ông làm trợ giảng tại Đại học Văn khoa Paris 7 (chi nhánh của Đại học Sorbonne). Dù không trở về Việt Nam như dự định ban đầu, nhưng ông luôn tự an ủi mình rằng "ở lại cũng là yêu nước" và dốc sức vào học lấy bằng tiến sĩ xã hội học rồi làm giáo sư đại học.
Ngay sau khi hòa bình lập lại năm 1975, Trịnh Văn Thảo đã tìm cách liên hệ với trong nước và trở thành một trong những người đầu tiên xúc tiến các công trình trao đổi nghiên cứu giữa Trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và Đại học Aix-Marseille từ năm 1995 đến nay. Ông luôn mong muốn có sự trao đổi giữa các giáo sư sử học tại Việt Nam và Pháp để làm cho quan điểm của mình bớt chủ quan và cũng như có những nghiên cứu sâu hơn về ngành xã hội học.
Những năm trước đây, ông chuyên nghiên cứu và viết luận án về lịch sử các phong trào xã hội chủ nghĩa châu Âu, đặc biệt là các luận án về phong trào xã hội chủ nghĩa ở Pháp, Đức và Anh. Tuy nhiên, đến năm 1975, sau khi chiến tranh tại Việt Nam hoàn toàn chấm dứt, ông nhận thấy cần phải đóng góp vào sự nghiệp chung và bắt đầu có ý định trở về với lịch sử dân tộc.
Theo ông, việc quyết định chuyển từ Đại học Amiens về giảng dạy môn sử học và xã hội học tại Đại học Tổng hợp Aix Marseille) vào năm 1987 cũng chính là để có cơ hội tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Ông cho biết, cư dân của thành phố Aix, cách trung tâm tỉnh Marseille 30 km hầu hết đều là trí thức. Điều thuận lợi nhất với ông là Viện lưu trữ của Bộ Văn hóa Pháp được đặt ở đây có một kho tàng khổng lồ tài liệu về lịch sử Việt Nam.
Qua việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, ông nắm được tài liệu, tiểu sử của hơn 300 trong tổng số 5.000 trí thức Việt Nam thời kỳ cuối chế độ thuộc địa. Vì thế ông đã cho ra mắt nhiều cuốn sách có giá trị. Trong các công trình nghiên cứu về Việt Nam của Giáo sư Trịnh Văn Thảo nổi lên một công trình khoa học công phu là Le Vietnam du Confucianisme au Communisme, Un essai d'itinéraire intellectuel (Việt Nam từ Khổng giáo đến Chủ nghĩa Cộng sản, một tiểu luận về hành trình trí thức) xuất bản tại Pháp từ năm 1990. Nội dung chủ yếu của công trình tập trung vào sự chuyển biến của ba thế hệ trí thức Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX. Nói về trí thức Việt kiều hiện nay, ông cho rằng, phần đông trong số họ luôn có ý thức dấn thân và phải làm điều gì đó để giúp đất nước.
Chất Nho giáo của người con Nam Bộ
Sinh ra và lớn lên giữa vùng trung tâm chính trị, văn hóa của Nam Kỳ thời Pháp thuộc, gia đình Giáo sư Trịnh Văn Thảo thuộc loại trung lưu, cả nhà là trí thức Tây học có cội rễ Nho giáo. Là bạn bè thân thiết, Giáo sư Phan Huy Lê cho biết những lần đầu gặp gỡ Trịnh Văn Thảo đều để lại trong ông ấn tượng sâu sắc về hình ảnh một người con của Nam Bộ sống lâu năm trên đất Pháp nhưng vẫn giữ nguyên phong thái của người Nam Bộ và tấm lòng luôn hướng về quê hương đất nước.
Mới đây, cuốn sách Xã hội Nho giáo Việt Nam - Dưới nhãn quan của xã hội học lịch sử của ông đã được ra mắt và giới thiệu tới đông đảo công chúng tại Việt Nam. Trong nghiên cứu về hành trình của các trí thức từ ngày thực dân đô hộ đến thời điểm đất nước thống nhất (1858-1975), Giáo sư Trịnh Văn Thảo đã cố gắng xác định, diễn giải và giải thích những tư tưởng nổi bật trong nền văn hóa tri thức trước những diễn biến của lịch sử.
Cho rằng "Truyền thống nho sĩ vẫn tồn tại mãi trong cách ứng xử của trí thức Việt Nam ba thế hệ đã nghiên cứu", ông khẳng định "truyền thống nho sĩ còn rất lâu nữa, vẫn tiếp tục thấm nhuần vào các cách cư xử riêng của trí thức Việt Nam, để tạo ra khuôn mẫu nhận thức của họ và để quy định cách hành xử xã hội của họ".
Cũng theo Giáo sư Phan Huy Lê, sự trường tồn của truyền thống nho sĩ nằm trong tính kế thừa của truyền thống Việt Nam nói chung, dù cho hiện nay không ít trí thức Việt Nam lớn lên không biết gì về Nho giáo. Vì vậy, những nghiên cứu và sự cống hiến quan trọng về phương pháp luận khoa học của Giáo sư Trịnh Văn Thảo rất bổ ích cho nền xã hội học trẻ tuổi của Việt Nam.