Trang trại khoa học giữa "đồng hoang"
Hai lúa lập phòng thí nghiệm
Chiếc xuồng lãi mang chúng tôi băng đồng nước lũ vào thăm trang trại của Đỗ Quí Hạo, người dân quen gọi là Hạo khoai lang. Trên diện tích 24 ha, anh cho xả lũ 50%; phần còn lại chia đều cho 3 loại cây: lúa, dưa hấu và khoai lang đang xanh tốt…
Năm 1980, rời quê hương Thái Bình, anh Hạo vào Kiên Giang lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Đến Mỹ Hiệp Sơn-Hòn Đất (Kiên Giang), nghề đầu tiên anh làm kiếm sống là giữ rẫy khoai lang, dưa hấu cho người khác. Hơn 4 năm sau, anh dành dụm mua được 1 ha đất rồi bắt đầu “nghiệp” trồng khoai.
Nhiều vụ liền nông dân Hạo trồng khoai lời to nên có tiền tậu thêm 3 ha đất. “Hồi đó chẳng cần biết kỹ thuật gì mà làm cũng lời vì đất mới, diện tích trồng khoai chưa nhiều nên ít sâu bệnh.
Nhưng đến năm 1992, 1993, diện tích khoai lang của nông dân Hòn Đất đến cả 1.000 ha. Cũng là thời điểm mà mầm bệnh, sâu hại, dịch hại bùng phát dữ dội. Trong vòng gần chục ngày trước khi thu hoạch mà sâu bệnh đã làm thiệt hại hơn 50% sản lượng khoai lang. Nhiều người trắng tay, bỏ rẫy vì chẳng còn gì để thu hoạch”-Đỗ Quí Hạo nhớ lại.
Sau thất bại này, điều vỡ lẽ ra trong Đỗ Quí Hạo là không thể tiếp tục “ăn xổi ở thì” mãi được mà làm nông nghiệp phải biết khoa học kỹ thuật và có đầu óc kinh tế nữa. Với kiến thức lớp 7 của mình mà cứ bám mãi gốc khoai, gốc lúa thì không làm giàu được.
Rồi anh nông dân “đen nhẻm”, lặn lội lên tận Trường ĐH Cần Thơ; các nhà sách lớn, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tìm mua sách kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ sinh học, quản trị kinh doanh… về nhà đọc, nghiên cứu và áp dụng. “Những vấn đề gì khó hiểu (vì trình độ mình thấp), tôi tìm tác giả hỏi cho ra lẽ” - anh nói. Vốn cần cù lại chịu khó, anh được nhiều nhà khoa học, nhà giáo nhiệt tình giúp đỡ.
Chỉ tìm trong sách, Đỗ Quí Hạo thấy chưa đủ. “Mình mang hơn 30 triệu đồng lên TPHCM tìm mua kính hiển vi, ống nghiệm, các hóa chất và vật dụng cần thiết để làm thí nghiệm. Nhiều người kêu là khùng vì tôi mới học tới lớp 7”. Nhưng từ phòng thí nghiệm nho nhỏ này, anh đã nhận dạng ra nhiều loại bệnh, nấm ký sinh trên khoai, dưa hấu, lúa, rồi tìm cách phòng trị hiệu quả.
Và nông dân Hạo cũng không nhớ bao nhiêu lần phát hiện ra bệnh mà không biết bệnh gì, phải tìm đến các nhà khoa học. Thế là giảng đường, phòng thí nghiệm, đồng ruộng thực hành của Trường ĐH Nông Lâm TPHCM vào năm 1996 có thêm một “sinh viên” bất đắc dĩ mang tên Đỗ Quí Hạo trong thời gian 4 tháng…
Sáng kiến để đời
Dấu mốc nhớ đời của Đỗ Quí Hạo là 2 sáng kiến góp phần diệt trừ bọ hào (sùng) trên củ khoai lang, từ 90% xuống dưới 10%, mang lại hiệu quả rất lớn cho nông dân trồng khoai. Năm 1999, GS-TS Nguyễn Công Hào - Phân viện trưởng Phân viện hóa học các hợp chất thiên nhiên TPHCM đem chế phẩm sinh học dẫn dụ bọ hào nhờ thí điểm trên ruộng khoai lang của anh Hạo.
Mục đích của việc làm này là điều tra mật độ bọ hào trên cánh đồng, thu hút diệt trừ bọ hào đực. Khi đó con cái sẽ không sinh sản được và chết dần. Anh Hạo theo dõi và ghi chép lại toàn bộ diễn biến đó. Nhưng anh nhận thấy chất dẫn dụ sinh học không thể tiêu diệt hết các bọ hào đực. Số còn lại hoạt động mạnh hơn và gia tăng số lượng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Anh nghĩ ra sáng kiến, kết hợp thêm biện pháp thủ công nhằm phát huy tối đa công năng của chất dẫn dụ sinh học. Cứ chiều tối, anh cho người mang chất dẫn dụ đi dậm khắp rẫy khoai. Bọ hào nằm trong các củ khoai lang nghe chất kích thích chui lên khỏi mặt đất.
Người làm liền cắm mốc làm dấu để sáng hôm sau moi các củ khoai có bọ hào đem tiêu hủy. Kết quả từ việc kết hợp sinh học và thủ công này đã làm cho tỷ lệ nhiễm bọ hào trên ruộng khoai giảm từ hơn 90% xuống còn dưới 10%…
Sáng kiến thứ hai của anh cũng để diệt bọ hào là kết hợp biện pháp sinh học và hóa học. Nghĩa là mang bẫy dẫn dụ sinh học - khích thích bọ hào bò lên khỏi mặt đất rồi phun thuốc tiêu diệt. Tại hội thảo về thí điểm áp dụng chất dẫn dụ sinh học, 2 sáng kiến của anh Hạo được GS-TS Nguyễn Công Hào và nhiều nhà khoa học đánh giá cao. Hai phương pháp này được nông dân áp dụng rộng rãi.
Anh Hạo tiết lộ, hiện tại giá thành sản xuất ra mỗi kýlôgam khoai lang của mình chỉ còn 600-700 đồng, năng suất từ 30 đến 40 tấn/ha, được xử lý thu hoạch vào mùa nghịch. Thương lái vào tận ruộng mua với giá 1.300-1.700 đồng/kg cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm ở TPHCM, Bình Dương…
Rồi anh lấy bao bì giống dưa An Tiêm của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam cho chúng tôi xem kỹ: giống dưa hấu lai F1, trọng lượng trung bình 7 đến 8 kg/trái, mật độ trồng 8.000 cây/ha, năng suất trên 30 tấn ha.
Mang theo cân, thước dây, anh dẫn chúng tôi trở lại ruộng dưa 8 ha đang chuẩn bị thu hoạch. “Sau mùa này, tôi đề nghị công ty giống xuống xem xét, sửa đổi phương pháp canh tác theo hướng tiết kiệm giống, thuốc trừ sâu, giảm giá thành nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng.
Bằng chứng là 3 vụ vừa qua, tôi chỉ trồng theo mật độ 5.000 cây/ha, dưa vẫn cho năng suất trên 30 tấn/ha, trong đó dưa loại 1 là 25 tấn. Đáng chú ý, trọng lượng dưa đa số từ 10 đến 13 kg/trái, thậm chí đạt 15-16 kg/trái. Chi phí sản xuất thấp hơn nhiều vì tiết kiệm giống, thuốc trừ sâu, phân bón, công lao động” - Anh Hạo nói.
Hơn 20 năm gắn bó và đi lên từ đồng đất tứ giác Long Xuyên, Đỗ Quí Hạo khẳng định: Với vốn kiến thức của mình, anh hoàn toàn đủ khả năng phát hiện, xử lý thành công những loại sâu bệnh thường gặp trên khoai lang, dưa hấu; đối với lúa thì thành thạo quy trình 3 giảm 3 tăng. Đảm bảo, năng suất chất lượng và không gây ô nhiễm môi trường. Thu nhập của trang trại hàng năm không dưới 1 tỷ đồng, lợi nhuận trên 50%.
Chia tay chúng tôi, Hạo “khoai lang” bật mí: “Mình vừa “trúng cử” chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông xã Mỹ Hiệp Sơn. Trước mắt, mình sẽ bỏ tiền túi mua thêm 3 máy vi tính, máy in và máy đèn chiếu, dời thư viện ra đường sỏi đỏ, gần UBND xã. Mục đích là phục vụ nông dân trong xã tìm hiểu kỹ thuật nông nghiệp, in ấn tài liệu, hội thảo câu lạc bộ và lên mạng internet cập nhật thông tin giá cả nông sản. Tất cả hoàn toàn miễn phí”.
Chiếc xuồng lãi chở chúng tôi băng qua cánh đồng nước nổi Mỹ Hiệp Sơn, không điện, không đường bộ… ra thị trấn Hòn Đất. Tôi thầm nể phục ý chí của Hạo khoai lang, một tỷ phú khởi đầu từ hai bàn tay trắng.
Chú thích:Hiện tại, Trường ĐH An Giang chọn trang trại của Đỗ Quí Hạo làm điểm cho sinh viên nông nghiệp đi thực tế. Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm TPHCM và nhiều viện, trường khác cũng “mượn” nơi đây làm thí điểm áp dụng các chế phẩm sinh học, phương pháp canh tác mới. Một vài tổ chức nhân đạo cũng ngỏ ý hợp tác với trang trại của anh để nghiên cứu các mô hình xóa đói giảm nghèo cho nông dân trong vùng.
Nguồn: SGGP ;kinhtenongthon.com.vn (23/11/06)