Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 04/02/2008 18:02 (GMT+7)

Trạng nguyên tuổi Tý

Học vị thời xưa

Việt Nam là một nước văn hiến, dân ta có truyền thống hiếu học. Từ lâu xa xưa, việc học đã luôn được coi trọng, khuyến khích, vun đắp.

Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Nho học đầu tiên gọi là khoa Tam Trường, còn gọi là khoa Minh Kinh. Người đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh, ông trở thành bậc khai khoa của các nhà khoa bảng nước nhà. Vương triều Lý cũng được coi là triều đại đã đặt nền móng cho việc học và việc thi của Việt Nam .

Kể từ đó đến khoa thi Nho học cuối cùng vào năm 1919, tổng cộng đã có 185 khoa thi với 2903 vị đỗ đại khoa. Ngoài 5 vị thủ khoa thuộc đời Lý và đầu đời Trần là thời kỳ chưa quy định học vị, các khoa thi từ năm 1246 đã chọn ra được 46 Trạng nguyên, 48 Bảng nhãn, 76 Thám hoa, 2462 Tiến sĩ và 266 Phó bảng.

Trạng nguyên là học vị cao nhất của người đỗ đầu trong các kỳ thi Thái học sinh đời Trần và các kỳ thi Đình từ 1374 trở về sau. Theo những tư liệu tham khảo được thì trong số 46 vị Trạng nguyên, đến nay có thể xác định được 5 vị sinh vào năm Tý, cầm tinh con chuột.

Các vị trạng nguyên tuổi Tý

1. Trạng nguyên Trương Xán (1227 - Đinh Tý)

Người xã Hoành Bồ, huyện Hoàng Sơn, sau đổi thành châu Bố Chính. Nay thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Năm 29 tuổi, đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Bính Thìn, niên hiệu Nguyên Phong 6 (1256) đời Trần Thái Tông.

Làm quan đến chức Thị lang, hàm Tự khanh.

2. Trạng nguyên Vũ Duệ (1468 - Mậu Tý)

Người xã Trinh Xá, huyện Sơn Vi. Nay là thôn Trịnh Xá, xã Lê Tinh (cũ), huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.

Năm 23 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức 21 (1490) đời Lê Thánh Tông. Ông vốn tên là Vũ Nghĩa Chi, Vua cho đổi tên là Vũ Duệ.

Làm quan trải các chức Trinh ý bỉnh văn công thần, Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ, Nhập thị kinh diên, Thiếu bảo, tước Trình Khê hầu. Khi nhà Mạc cướp ngôi, theo Vua Chiêu Tông chạy vào Thanh Hoá, ông đội mũ mặc áo chỉnh tề, lạy lăng các vua Lê ở Lam Sơn rồi tự sát. Đến đời Lê Trung Hưng, ông được phong là phúc thần. Tác phẩm còn 9 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục.

3. Trạng nguyên Hoàng Nghĩa Phú (1480 - Canh Tý)

Nguyên quán xã Mạc Xá, huyện Chương Đức. Nay thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Trú quán xã Đan Khê, huyện Thanh Oai. Nay thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. Con Trần Khắc Minh, cha Hoàng Tế Mỹ.

Đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời Lê Tương Dực.

Làm quan đến chức Thanh tri chính sự kiêm Đô ngự sử.

Nguyên ông họ Trần, thân phụ là Trần Khắc Minh, đến đời ông đổi thành họ Hoàng.

4. Trạng nguyên Đỗ Tông (1504 - GiápTý)

Người xã Lại Ốc, huyện Tế Giang. Nay là thôn Lại Ốc, xã Long Hưng, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Con Đỗ Nhân, anh Đỗ Tấn.

Năm 26 tuổi, đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung.

Làm quan đến chức Hình bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ. Sau khi mất được truy tặng Hình bộ Tả thị lang.

5. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1588 - Mậu Tý)

Người xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn. Nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông nội của Nguyễn Xuân Đỉnh (Tiến sĩ khoa Bính Thìn - 1676).

Năm 50 tuổi, đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên) khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hoà 3 (1637) đời Lê Thần Tông.

Làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, Nhập thi kinh diên, tước Đạo Ngạn bá. Sau khi mất được truy tặng chức Thượng thư, tước hầu.

Vài mẩu giai thoại

Giai thoại về Trạng nguyên Vũ Duệ

Vũ Duệ là con nhà nghèo, bố mẹ không đủ gạo tiền cho ăn học. Hằng ngày cậu phải trông em, nấu nướng để cho bố mẹ đi làm đồng. Nhưng cậu rất sáng dạ, lại rất hiếu học. Như đã thành lệ, mỗi buổi sáng khi ngồi vào bục giảng, ông đồ lẩm nhẩm đếm chừng 20 học trò ngồi trước mặt mình, thì ông cũng không quên đưa mắt nhìn ra hè để ý “cậu học trò” không chính thức cõng em đứng ngoài hiên, hướng đôi mắt hau háu nhìn về phía ông. Bọn học trò hiểu ý thầy là cứ để cho cậu ta nghe giảng bài, chẳng thiệt hại gì. Quả là ông đã nghĩ như vậy thật. Kể từ khi ông đồ bước tới lớp học này thì cũng đã quá nửa năm rồi còn gì, ấy thế mà cậu bé học lỏm kia vẫn kiên trì, chuyên cần tới lớp không chịu vắng buổi nào. Rồi một hôm, ông đồ nảy ra ý nghĩ: Nêu ra một câu hỏi khá hóc búa rồi bất chợt kiểm tra cậu ta. Nếu cậu ta không trả lời được thì sẽ thẹn mà tự thoái lui. Nhưng nếu quả thật là một cậu bé có tài năng mà đáp nổi câu hỏi thì ông sẽ tìm cách cưu mang. Trước khi kiểm tra “cậu học trò học lỏm”, ông đồ lần lượt gọi các học trò chính thức. Ông đã hỏi quá nửa lớp nhưng chẳng ai đáp được câu hỏi của ông. Bấy giờ ông mới dừng lại và hướng đôi mục kỉnh ra ngoài hiên, nơi có cậu học trò đang cõng em, đôi mắt còn đang chăm chắm nhìn về phía ông đồ, ý chừng cậu ta muốn trả lời thay cho các bạn ở trong lớp. Thấy vậy ông đồ ôn tồn hỏi: “Liệu con có đáp được câu hỏi của ta không?” “Dạ, thưa thầy được ạ”. Cậu ta thản nhiên trả lời như vậy. Ông đồ gật đầu: “Con thử nói xem sao”. Cậu bé trả lời rất trôi chảy và mạch lạc. Ông đồ gật gật đầu tán thưởng. Cả lớp đều trố mắt kinh ngạc và thán phục. Bấy giờ ông đồ mới biết tên em là Nghĩa Chi. “Cái tên Nghĩa Chi tuy là hay nhưng chưa xứng với tài năng của con. Nay thầy đổi cho con cái tên là Duệ, liệu có vừa ý con không?” Nghĩa Chi vái tạ thầy rồi ra về.

Ngay sau buổi học hôm ấy, ông đồ đến tận nhà vận động cha mẹ cho Duệ đi học. Duệ đến lớp chính thức chỉ sau vài tháng, cậu vươn lên hàng đầu. Cậu được thầy yêu, bạn mến, vì học giỏi và hay thơ.

Khi thi Hương, Duệ đỗ Giải nguyên.

Vũ Duệ không chỉ học giỏi, mà đối đáp biện bạch cũng tài. Nên mới có chuyện kể rằng:

Một hôm có một người khách lạ đòi nợ, tới cửa hỏi cậu: “Cha cháu đi đâu?”. Cậu trả lời: “Giết một người”. “Mẹ cháu đi đâu?”. Cậu trả lời: “Sinh một người”. Khách lấy làm lạ bèn hỏi nguyên do. Cậu đòi thưởng, khách nói: “Không dấu ta, ta xoá nợ đi cho”. Cậu cười và đáp: “Cha tôi đi nhổ mạ, mẹ tôi đi cấy mạ, thế thôi”. Khách đành phải xoá nợ. Ông được cha cho đi học và lấy tiền nợ ấy giúp vào việc đèn sách.

Giai thoại về Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính

Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính người làng Phù Chẩn (tục gọi là làng Cháy), huyện Đông Ngàn, nay là xã Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Trạng Cháy sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học, thân phụ Trạng thi đậu Hương cống, được tặng phong chức Tự Khanh Thái bảo. Mẹ là bà Từ Huệ, năm 25 tuổi mới lấy kế cha Xuân Chính.

Tương truyền vào một đêm kia, bà Từ Huệ nằm mơ tự dưng thấy mình nhẹ nhàng bay lên trời cao, nuốt mặt trăng vào bụng. Tỉnh dậy cảm thấy thanh thoát lạ thường. Kể từ đó, bà mang thai, rồi nhằm ngày mùng một, mùa thu, tháng tám, năm Mậu Tý, niên hiệu Quang Hưng thứ II (1588) sinh hạ một cậu con trai, đặt tên là Doanh hiệu Đức Chính, sau đổi thành Xuân Chính.

Ngày 21 tháng 11 năm Canh Dần, niên hiệu Quang Hưng thứ 13 (1690), thân phục Xuân Chính tạ thế, bấy giờ Trạng mới lên ba tuổi. Và từ đây, gia đình ông lâm vào cảnh hàn vi, khốn khó, thiếu thốn trăm bề. Dẫu vậy, mẫu thân Từ Huệ vẫn bán ruộng lấy tiền quyết chí nuôi con theo đòi nghiên bút. Rồi nhằm ngày lành tháng tốt, bà làm lễ khai tâm mừng buổi cho con theo thầy tu học. Đêm hôm ấy, Xuân Chính nằm ngủ trong nhà, chợt mơ thấy gặp một ông già xưng là Đại vương Thần từ - Thành hoàng làng. Thần viết bóng chữ “Trạng nguyên” vào bụng Xuân Chính. Lại cho một cái thước trên có đề hai chữ vàng “Trạng nguyên”. Nhân đấy, Xuân Chính mới vui mừng dốc chí học hành.

Chẳng bao lâu, Xuân Chính đã thông lầu kinh sách, khẩu khí ứng biến tinh xảo, khôn lường, khiến tiếng tăm vang lừng thiên hạ. Một ngày nọ, Xuân Chính không chịu tham gia quét dọn đường làng để đón quan huyện. Hôm sau, quan huyện về làng, thấy vậy bèn ra cho Xuân Chính câu đối và giao hẹn nếu đối được sẽ tha tội, còn nếu không sẽ bị đòn:

- Chàng màng, chàng màng, thấy dọn đàng thì lẩn như cuốc.

Câu này thật hiểm hóc: lặp lại “ chàng màng” chỉ đặc tính của con cuốc, và “ lẩn như cuốc” lại là một thành ngữ phổ biến trong dân gian.

Xuân Chính nghe xong đối liền:

- Hục hặc, hục hặc, nghe có giặc đã run như cầy.

Câu đối này thật chỉnh. “ Hục hặc” được lặp lại đúng với đặc tính của con cầy, “ run như cầy” cũng là một thành ngữ dân gian. Hay hơn nữa là Xuân Chính dùng chữ “cầy” để đối với “cuốc”, vừa là những loài vật, lại vừa là chỉ những công cụ của nhà nông.

Quan huyện nghe vậy đau điếng người, bởi biết mình bị chửi là con cầy và hèn nhát. Song vì quả tình câu đối quá chỉnh, nên hắn đành ngậm bồ hòn làm vui, tha tội cho Xuân Chính.

Tới năm 13 tuổi, Xuân Chính dự khoa thi Hương, chỉ trúng tam trường. Năm 16 tuổi thi Hương đỗ đầu cả tứ trường, gọi là Giải nguyên đệ nhất. Năm 19 tuổi, một hôm ông đội lễ ra đình để cúng các bậc tiên hiền. Trong khi đợi đến lượt lễ, ông ngả người nằm thiu thiu ngủ, chợt như đâu đấy có người bảo rằng: “Trạng nguyên chớ nằm”. Nghe vậy, Xuân Chính tỉnh liền, trong lòng mừng vui hứng khởi lắm!

Năm 24 tuổi, Xuân Chính theo học ông Sài Tư, hiệu Niên Hoành là con quan Thượng thư, nghĩa lý già dặn, văn chương thuần nhã. Sau khi ông Sài Tư được triệu vào kinh giảng học. Xuân Chính đến xin nhập môn trường của quan Thừa sứ làng Tháp văn chương hoa nở. Được 3 tháng, quan Thừa sứ chỉ giáo rằng: “Chú Cháy văn chương hùng trận, mạnh mẽ mạch lạc, ngang tầm với văn từ của các bậc khôi nguyên. Vậy nên về nhà giảng tập đệ tử (dạy học trò) để đợi ngày lai kinh ứng thí”.

Từ đó ông không đi học đâu nữa mà dựng lớp dạy học trò. Tới năm 37 tuổi, ông thi trung hoành từ vọng sĩ, được triều đình bổ làm huấn đạo phủ Nghĩa Hưng. Song vì đường khoa danh chưa dứt, nên hai năm sau, Xuân Chính lại từ quan về nhà dạy học, quyết chí tu luyện đợi ngày lai kinh. Từ khoa thi năm Bính Thìn (1616), Xuân Chính ứng thí 6 khoa liền, nhưng đều chỉ trung tam trường. Do bị các khảo quan thành kiến nên Xuân Chính liên tiếp bị đánh hỏng trường “Văn sách”.

Khoa Đinh Sửu (1637) năm Dương Hoà thứ 3 triều Lê Trung Hưng, Nguyễn Xuân Chính lại ứng thí. Cả thi Hội, thi Đình và bài ứng chế ông đều đỗ đầu, được Thần tôn hoàng đế lấy đậu Trạng nguyên. Trải suốt 37 năm kể từ kỳ thi đầu tiên, nay Trạng Cháy tới tuổi 50 mới đến ngày vinh hiển sau nhiều nỗi trầm luân dâu bể. Mới biết lời thần trong giấc mộng năm xưa quả là đúng lăm!

Hôm nhập điện ra mắt, tân Trạng Xuân Chính được vua ban thưởng rất hậu: Tiền cổ bốn mươi quan, vải đen một tấm, áo gấm một chiếc, bạc trắng bốn mươi lượng, lại tặng thêm một chiếc áo tía đai bạc.

Tháng 5 năm Mậu Dần (1638) Trạng Cháy nhận chức Hàn lâm thi giảng. Vua Thần tông mang lòng quý mến ông, ngày nào cũng vời vào kinh luận bàn việc nước.

Xuất thân từ đường văn chương khoa hoạn, nhưng Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính lại nổi tiếng là người trên tinh binh thư, dưới tường thao lược. Vậy nên ông được triều đình rất tin dùng, kể cả việc bang giao và xuất chinh dẹp loạn.

Tài kinh bang tế thế của Trạng Cháy còn được truyền tụng ở việc giữ vững kỷ cương thi cử. Ông đã nhiều lần được vua Lê giao trông coi việc thi Hội, thi Đình. Năm Nhâm Ngọ (1642), Trạng được vào nội thị dạy Thái tử học, nhân đó thăng chức Lễ bộ hữu thị lang, mẹ ông được phong Đình phu nhân; con trưởng phong Hiểu cung đại phu, con thứ phong Mậu lâm lang. Năm Quý Mùi (1643) mở khoa thi Hội, Xuân Chính làm bài văn mẫu điển hình, sỹ tử nghe thấy đều hết lời tán tụng. Năm Bính Tuất, niên hiệu Thái Phúc thứ tư (1446) mở khoa thi Đình. Có khảo quan lén mang bài thi không đáng cho đỗ trình vua. Nhà vua phê cho đỗ Thám hoa. Trạng Cháy đương quyền hữu lễ nói với các quan là đánh xuống đúng bảng, khiến cho vua, chúa bất bình với ông.

Trong một chuyến công du đường thuỷ, Xuân Chính lâm bệnh nặng và phải xin hồi gia dưỡng bệnh. Đã qua đi hai tháng mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Một hôm mồ hôi Trạng toán ra như tắm suốt ngày. Bà trạng thấy vậy khóc lóc thảm thiết làm huyên náo cả lên. Biết là vận trời đã đến không thể qua khỏi, Nguyễn Xuân Chính gọi mọi người vào, bảo con trưởng rằng:

- Ta làm quan đến thế mà vẫn chưa xây cho con được ngôi nhà ngói, rất tiếc… nhưng bây giờ ta cũng chẳng hứa được gì cho con nữa. Thôi, người đời thường ở thế nào con cũng ở như thế, chớ có nên oán hận…

Lại dặn con thứ rằng:

- Con chớ nên coi thường mọi người. Sách địa lý của ta con chưa thấm nhuần, nên phàm giúp ai phải nên cẩn tắc.

Lại quay sang bảo con gái:

- Con tuy vậy là con cái nhà người, cha sẽ phải chịu tội nếu con để người trách đến cha.

Ngày hôm sau, tự nhiên Trạng nói:

- Ta đến gặp Ngọc Hoàng, nếu không có việc gì ta sẽ về.

Nghe vậy cả nhà đều khóc.

Thấy thế Trạng khuyên rằng:

- Đạo trời có mở tất có đóng, có đóng tất có mở, các người hà tất phải lo buồn.

Rồi Trạng gượng vui bảo các con rằng:

- Ta có gia cư đất cát địa (đất lành), lẽ ra cho cả con trưởng, nhưng hiện giờ lại có hai con trai, nên sau này mỗi cậu ở một nửa. Anh em đã cùng chiếm khoa danh, phải lấy đó làm đích chí trọng của nhà ta. Còn tất thảy việc nhà giao cho mẹ các con phân xử.

Nói xong, Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính thanh thản thiêm thiếp về thần. Bấy giờ là giờ Thìn, ngày mùng 9, mùa hạ, tháng 5 năm Đinh Hợi (1647).

Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính không những là mẫu hình về một con người có chí kiến trì trong đường khoa cử, có tài kinh bang tế thế, mà còn là tấm gương về một vị quan thanh liêm, suốt đời cúc cung tận tuỵ góp mình vào việc trị quốc an dân. Nhận xét đánh giá về Trạng Cháy, có lẽ không có gì hơn là chính lời các vị vua, chúa đương thời nói về ông. Ngay sau khi Xuân Chính mất, vua nói “ Từ khi khai quốc đến nay, chưa dễ gặp ai được như quan Trạng nguyên”. Kíp đến chục năm sau khi Trạng Cháy qua đời, năm Đinh Dậu (1657) vua Lê lại phán rằng: “ Trạng Cháy là người vô tư, có tài cao trong thiên hạ… Thực mà nói, biết được ta chỉ có Trạng Cháy”. Cho mãi tới năm Canh Tuất (1670), vua lại phán trước văn võ bá quan rằng: “ Thời xưa người mà ta hiểu nhất duy có ông Trạng làng Cháy mà thôi, việc cung ứng tế sự kỳ này về ông Cháy phải nên chu tất”.

Thế mới biết, người có tài, có đức, tận tuỵ cống hiến cho sự nghiệp kinh bang, khi an nghỉ vẫn được dân quốc tôn vinh, sủng ngộ sâu sắc, chính là nghĩa cả muôn đời của nước Nam.

Ghi chú: Xin chân thành cảm ơn tác giả Trần Hồng Đức đã cung cấp tư liệu quý giá cho các trang viết này.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.