Trăn trở của người nặng lòng với Hội Nghề cá
Dẫn chúng tôi đến thăm HTX thủy sản Nam Sơn (TP. Bắc Ninh), ông Căn chia sẻ: “Đây là một trong những cơ sở sản xuất cá giống hiện đại nhất nhì miền Bắc. Nhìn thấy sự phát triển lớn mạnh của các chi hội thành viên như chi hội HTX thủy sản Nam Sơn là niềm vui, động lực cho những cán bộ Hội như chúng tôi”.
Với hơn 40 năm gắn bó với con cá, với các trang trại thủy sản lớn nhỏ và từng kinh qua nhiều vị trí quản lý trong các trại cá và công ty nuôi trồng thủy sản, nên sau khi nghỉ hưu (năm 2006), ông lại tích cực tham gia và được các hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội nghề cá Bắc Ninh.
Để đẩy mạnh phong trào Hội, ông lại kề vai sát cánh với nông dân, đem những kiến thức của mình chia sẻ với bà con. Có lúc, những ngày mưa gió, khi các trang trại có cá chết, cá bệnh, ông cũng lặn lội tới tận nơi để hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ xử lý kịp thời.
Theo ông, những năm qua, với mạng lưới thành viên rộng khắp, Hội Nghề cá Bắc Ninh đã trở thành nơi tuyên truyền các chính sách, chủ trương mới về nuôi trồng thủy sản, là nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật giữa các hộ nuôi trồng, đồng thời phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước.
Đến nay, Hội Nghề cá Bắc Ninh thu hút được 890 hội viên ở 4 chi hội tập thể và 55 chi hội thôn. Hiệu quả xã hội thiết thực biểu hiện ở việc không có hội viên nghèo, tỷ lệ hội viên giàu ngày càng tăng, nhiều hội viên có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Sau ánh mắt tự hào khi nói về sự phát triển của Hội Nghề cá, ông bỗng chùng xuống: “Chúng tôi vẫn gọi vui đây là Hội 3 không: Không văn phòng làm việc, không kinh phí hoạt động và không biên chế cán bộ. Hơn 10 năm qua, mặc dù các thành viên Ban Thường vụ Hội không màng tới tiền lương hay phụ cấp, vì lòng nhiệt tình mà sẵn sàng cống hiến công sức cho phong trào Hội, tuy nhiên, các hoạt động tuyên truyền, tập huấn hay thực hiện chuyển giao KHKT cho người dân là hết sức khó khăn và không bền vững”.
Hiện nay, Hội Nghề cá vẫn chưa được công nhận là hội đặc thù, điều kiện sinh hoạt hội gặp nhiều trở ngại. Các buổi họp Ban Thường vụ được tổ chức tại nhà riêng của các lãnh đạo Hội, còn những buổi họp Ban Chấp hành hoặc buổi sinh hoạt lớn phải luân chuyển đến các trang trại.
Hội phải kết hợp tham gia các lớp tập huấn, hội nghị của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Chi cục Thủy sản tỉnh… để tuyên truyền và phổ biến kiến thức cho hội viên. May mắn thay, Hội Nghề cá Bắc Ninh được đa phần hội viên nhiệt tình ủng hô, nhờ vậy, Hội có thể huy động một nguồn kinh phí nho nhỏ khi tổ chức các cuộc hội thảo, tổng kết riêng.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ nhiệm HTX thủy sản Nam Sơn, một nhà tài trợ thường xuyên của Hội cho biết: “Nhìn các cán bộ chủ chốt như bác Trần Đình Căn - Chủ tịch Hội, bác Nguyễn Duy Kiếm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội lặn lội khắp nơi mà không nề hà công xá hay đòi hỏi gì cho bản thân, chúng tôi đóng góp chút sức mọn cho Hội cũng là lẽ đương nhiên”.
Trong điều kiện Bắc Ninh đang có chủ trương sản xuất thủy sản theo hướng thâm canh và công nghiệp, ông Căn cho rằng, hoạt động của Hội Nghề cá phải được đẩy mạnh và sâu rộng hơn nữa. Tuy nhiên, người Chủ tịch Hội già này đã bày tỏ nỗi lo sau khi hết nhiệm kỳ, liệu có những người khác đủ tận tâm dành thời gian và công sức để lãnh đạo phong trào hội đi lên một cách bền vững.
Vì vậy, mong muốn và cũng là nỗi khát khao của ông hiện giờ là Hội Nghề cá có một nguồn kinh phí ổn định để có thể tổ chức hoạt động một cách bài bản, từ đó góp phần vào sự phát triển của ngành thủy sản Bắc Ninh.