Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 22/07/2024 10:13 (GMT+7)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - sự khiêm tốn vĩ đại qua góc nhìn đại biểu dân cử

Hà Nội (TTXVN 21/7/2024) Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam không khỏi đau buồn, thương tiếc trước sự ra đi của người chiến sỹ cộng sản, một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới; hình mẫu tiêu biểu nhất về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân xã Tây An, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), ngày 1/2/2018. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mất đi một nhà lãnh đạo trí tuệ, sâu sắc, tấm gương mẫu mực cho sự khiêm tốn, một nhân cách bình dị, hết lòng hết sức cho hạnh phúc của nhân dân.

Nhớ mãi những chuyến đi công tác chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông đang đảm nhiệm Chủ tịch Quốc hội khóa XII, Tiến sỹ Phan Xuân Dũng cho biết, khi đó, ông là đại biểu Quốc hội chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Nhiều lần được đi công tác cùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, được học hỏi ở người đứng đầu cơ quan Quốc hội phong cách giản dị, khiêm tốn, thể hiện ngay ở những việc rất đơn giản.

“Khi chúng tôi vào dự lễ khánh thành Nhà tưởng niệm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Quảng Ngãi, chúng tôi đi bằng tàu hỏa. Đến sáng hôm sau, đồng chí Chủ tịch Quốc hội cần phải phát biểu.

Tối hôm ấy, đồng chí gọi tôi sang phòng rồi chính đồng chí đọc trước bài phát biểu cho tôi nghe rồi hỏi: 'Cậu có ý kiến gì thêm không?' Một vị lãnh đạo đứng đầu cơ quan Quốc hội nhưng lại rất khiêm tốn và luôn có tinh thần cầu thị.

Quả thật, khiêm tốn làm cho con người ta thêm vĩ đại và sự khiêm tốn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm nên nhân cách của đồng chí,” Tiến sĩ Phan Xuân Dũng xúc động nhớ lại.

Trong quá trình được làm việc, tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tiến sĩ Phan Xuân Dũng luôn nhận thấy ở Tổng Bí thư luôn toát ra tầm nhìn trí tuệ, phương pháp làm việc khoa học, bao quát.

Thời kỳ đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, đồng chí luôn đau đáu quan tâm làm sao đổi mới hoạt động cơ quan dân cử Quốc hội để ngày càng có hiệu quả, hiệu lực.

Mỗi lần diễn ra các kỳ họp Quốc hội, đồng chí đều yêu cầu phải có sự đổi mới về nội dung các dự án luật, những đợt giám sát tối cao của Quốc hội cũng như giám sát của Quốc hội và các Ủy ban.

Đồng chí đề nghị phải làm sao để những công việc ấy sát với thực tiễn nhưng cũng phải hướng tới tương lai để các quy định của pháp luật phù hợp với thông lệ cũng như quá trình hội nhập quốc tế để đất nước ta tiến nhanh, tiến vững chắc với các nước.

Đồng hành cùng quá trình đó, hệ thống pháp luật nước ta cũng cần được triển khai đầy đủ, cụ thể để người dân nào đọc cũng có thể hiểu và thực hiện được.

Đối với đội ngũ trí thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là một trí thức lớn, luôn dành những tình cảm đặc biệt.

Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, khẳng định nhân dân ta tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại Lễ Kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963-18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian đến dự và có bài phát biểu chứa đựng những tâm sự vô cùng thấm thía, nồng ấm, chứa chan tình cảm với đội ngũ trí thức.

Quan trọng hơn cả, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra những giải pháp kêu gọi trí thức khoa học công nghệ, đặc biệt là trí thức khoa học công nghệ của Liên hiệp Hội Việt Nam phát huy hơn nữa khả năng của mình để cống hiến nhiều nhất cho đất nước, cho dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng: “Tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với các tiêu chí cụ thể, thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức nước ta không ngừng lớn mạnh, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ hội nhập; có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tham gia hoạt động trong các viện nghiên cứu, nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.”

Tiến sĩ Phan Xuân Dũng nhớ mãi lời nhắn nhủ Tổng Bí thư với đội ngũ trí thức, hãy “xứng đáng là "nguyên khí của Quốc gia," những người làm hưng thịnh cho Đất nước; làm rạng rỡ cho Dân tộc và vẻ vang cho Giống nòi!”

Một câu chuyện mà mỗi khi nhắc tới, Tiến sĩ Phan Xuân Dũng dâng trào xúc động. Hàng năm, vào mỗi dịp Tết, Chủ tịch Quốc hội thường đến thăm, chúc Tết gia đình một số đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Ông nhớ như in, ngày mùng 2 Tết năm 2008, ông nhận được điện thoại báo tin Chủ tịch Quốc hội đến thăm nhà. Bất ngờ và cảm động, cả gia đình ông đã quây quần chờ đón và đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm gia đình, động viên sức khỏe mẹ thân sinh của ông.

“Bà cụ nhà tôi năm nay gần 95 tuổi, sắp tới sẽ nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Lần nào có dịp, cụ đều hỏi thăm đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Kỳ họp Quốc hội nào cụ cũng theo dõi, nghe thông tin.

Khi tôi chuyển lời hỏi thăm của mẹ mình cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đồng chí luôn gửi lời cảm ơn, ân cần thăm hỏi, động viên.

Chắc có lẽ cụ tôi còn sống đến tuổi 95, vẫn tỉnh táo và luôn luôn tin tưởng vào Đảng, một phần cũng nhờ sự động viên đó của đồng chí Tổng Bí thư,” Tiến sĩ Phan Xuân Dũng nghẹn ngào nói./.

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

An Giang: Phát huy vai trò trí thức khoa học công nghệ
Trí thức khoa học công nghệ là lực lượng nòng cốt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Tại An Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) đã khẳng định vai trò là "người dẫn đường", kết nối và phát huy năng lực của đội ngũ trí thức.
Bình Thuận: Công tác phối hợp các hội thành viên gắn kết và hiệu quả
Công tác phối hợp với các hội thành viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp hội tỉnh. Trong những năm qua nhất là trong năm 2024, công tác phối hợp với các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội đã đạt được nhiều kết quả trong tổ chức hội thảo khoa học.
Yên Bái: Hội nghị Ban chấp hành lần thứ X
Chiều ngày 19/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (LHH) tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ X, khoá V, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng) nhằm tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Ông Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì Hội nghị.