Tọa đàm trực tuyến về phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Ngày 18/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) phối hợp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến về “Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Các quy định đánh giá tác động môi trường và xã hội”.
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm quy tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, môi trường và các lĩnh vực liên quan để cùng trao đổi về vấn đề Phát triển năng lượng gió và các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và xã hội.
Phát biểu khai mạc tại buổi tọa đàm, Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng cho biết, Việt Nam là nước có tiềm năm gió lớn nhất trong bốn nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW.
Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực lần 8 (PDP8) đã công bố vào tháng 2/2020, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển điện gió lên đến 18.6 GW vào năm 2030 và 60.6 GW vào năm 2045. Trong đó mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) được đặt ra là
3-5 GW vào năm 2030, các con số này cho thấy điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu nguồn điện quốc gia của Việt Nam tương lai.
Năm 2011 xác định điện gió sẽ là thế mạnh của Việt Nam trong dài hạn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, sau đó đến năm 2018 tiếp tục ban hành quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của quyết định số 37. Đến nay Việt Nam đã có 533 MW điện gió trên bờ và gần bờ, dự kiến con số này sẽ tăng lên 5866 MW vào cuối năm 2021. Mặc dù đã có giá mua điện và thông tư hướng dẫn hợp đồng mua bán điện mẫu đối với dự án điện gió ngoài khơi, tuy nhiên, cho đến nay chưa có dự án ngoài khơi nào được triển khai ở Việt Nam (không kể các dự án điện gió gần bờ). Hiện trạng này một phần vì còn thiếu một số các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho điện gió ngoài khơi, trong đó có hướng dẫn chi tiết nội dung đánh giá - kiểm soát môi trường và xã hội.
Theo kinh nghiệm của các nước đi trước, khung chính sách toàn diện gồm luật, tiêu chuẩn và các hướng dẫn chi tiết nội dung đánh giá, kiểm soát tác động môi trường và xã hội càng cụ thể thì dự án càng dễ dàng phát triển. Tại Việt Nam, mặc dù vấn đề môi trường và xã hội được quy định trong một số luật như bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên... nhưng đối với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi (sử dụng cả tài nguyên biển và tài nguyên trên bờ) vẫn cần có sự đồng nhất giữa các văn bản luật và dưới luật, hơn nữa là tính cụ thể của các yêu cầu, kế hoạch thực hiện, sự giám sát chặt chẽ về môi trường và xã hội nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên - Giám đốc điều hành VIET
Bà Ngô Thị Tố Nhiên - Giám đốc điều hành VIET cho biết, hiện nay cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ khi triển khai các dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam. Có thể kể đến một loạt thách thức về hệ thống cơ sở pháp lý/quy hoạch liên quan, các vấn đề về nối lưới và vận hành hệ thống, việc kết hợp hài hòa giữa điện gió ngoài khơi và các hoạt động khác trên biển, chuỗi công nghiệp phụ trợ và đặc biệt là cơ chế đầu tư và hợp đồng mua bán điện. Đây là công việc cần sự điều phối nhịp nhàng giữa các bên tham gia sao cho vừa có lợi về kinh tế, vừa nâng cao uy tín quốc gia.
Bà Nhiên cho biết thêm, việc xét duyệt các dự án ĐGNK trong quy hoạch cần có một cơ quan nhà nước phụ trách điều phối thực hiện, tránh tình trạng chồng chéo quy trình và kéo dài thời gian chuẩn bị thủ tục của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành liên quan, đảm bảo có được chính sách thống nhất về quy hoạch phát triển và quản lý biển, cảng biển, quy hoạch phát triển điện lực và vận hành hệ thống lưới điện, thủ tục đầu tư và các công cụ tài chính, điện gió ngoài khơi mới có thể thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong trong nước và quốc tế.
Nghị quyết số 55- NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị đã định hướng cụ thể việc xây dựng chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi, gắn với thực hiện chiến lược biển Việt Nam. Với chính sách về giá mua điện là 9,8 UScents/kWh, mục tiêu phát triển ĐGNK cần sớm được chính thức đưa vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia 8, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Các dự án điện gió được triển khai đồng loạt trong thời gian qua đã tạo ra hiệu ứng tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Việc thực hiện các công trình xây lắp, trang thiết bị cơ khí, vận tải siêu trường siêu trọng và hàng hải đã tạo ra hàng vạn việc làm, kích thích dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, phát triển kinh tế xanh. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án điện gió đất liền và gần bờ. Cùng với năng lực và kinh nghiệm triển khai các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành Dầu khí, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở phát triển ĐGNK gắn liền với dịch vụ Logistic trong những năm tới.
Để có thể tận dụng nguồn lực trong nước và bắt kịp xu thế phát triển của ĐGNK, cần thực hiện một số giải pháp sau: Việt Nam cần nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm khảo sát, xây dựng, phát triển và quản lý ĐGNK và chuỗi cung ứng từ các nước phát triển; khảo sát và đánh giá năng lực hiện có và tiềm năng đáp ứng việc thiết lập chuỗi cung ứng trong nước; nghiên cứu các quy ước quốc tế và thiết lập cơ chế pháp lý tương thích, tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chính quốc tế.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe trình bày của ThSKH. Cao Thu Yến và ThSKH. Phạm Quốc Đạt về phát triển gió ngoài khơi ở Việt Nam: khuyến nghị về các quy định đánh giá tác động môi trường và xã hội.
Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến như tài nguyên năng lượng gió ngoài khơi là nguồn năng lượng mới và đang được đầu tư phát triển mạnh trên thế giới trong bối cảnh hiện nay. Năng lượng gió trên biển được chuyển đổi thành điện năng nhờ các tuabin gió được chế tạo với tuổi thọ ngày càng cao hơn, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên biển. Do đó, để khai thác tiềm năng này, Việt Nam cần phải có chính sách thúc đẩy và xây dựng chiến lược quốc gia, quy hoạch không gian biển nhằm phát triển điện gió ngoài khơi tới năm 2030, tầm nhìn 2045.
HT